1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Trả lời sếp "Thanks chị ạ!", nhân viên bị chỉnh "ăn nói cho tử tế"

Hoài Nam

(Dân trí) - Tình huống nhân viên trả lời sếp "Thanks chị ạ!" và bị vị quản lý nghiêm khắc "nắn chỉnh" kéo theo cuộc tranh luận về chuyện giao tiếp tại công sở của nhân viên văn phòng.

Trong khi trao đổi công việc, được sếp hỗ trợ, nhân viên trả lời "Thanks chị ạ!". Những tưởng sự việc chỉ đến đó nhưng câu hồi đáp này bỗng xúc tác cho phản ứng khá bất ngờ tiếp đó của nữ quản lý.

Sau khi nhận câu trả lời cảm ơn "nửa tây nửa ta" từ nhân viên, vị quản lý hỏi lại: "Em ăn nói kiểu gì đấy? Nói với cấp trên thì ăn nói tử tế. Tiếng Anh tiếng Việt lẫn lộn. Cảm ơn thì viết là cảm ơn, không có kiểu "thanks chị ạ". 

Trả lời sếp Thanks chị ạ!, nhân viên bị chỉnh ăn nói cho tử tế - 1

Tình huống giao tiếp với sếp "Thanks chị ạ!" làm nảy ra những tranh luận trái chiều trên các diễn đàn (Ảnh chụp lại màn hình).

Chưa dừng ở đó, nữ quản lý còn "quở" nhân viên về cách giao tiếp trong môi trường làm việc: "Em nghĩ môi trường làm việc, công sở là nơi vui chơi giải trí, tán gẫu à mà nói gì thì nói!". 

Tình huống này được chia sẻ trên diễn đàn đã kéo theo hàng chục ngàn người bày tỏ biểu cảm và hàng ngàn lượt ý kiến bình luận. 

Rất nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước phản ứng "bẻ lái" khá bất ngờ của người quản lý, nhất là trong tình huống giao tiếp phải nói là khá phổ biến với hầu hết mọi người hiện nay. 

Nhiều nhân viên cho biết nhiều năm nay, họ vẫn thường xuyên và đều đặn "Thanks chị!", "Thanks anh!", "Thanks sếp!" trong khi trao đổi công việc, nhất là trao đổi qua tin nhắn. 

"Tôi chắc đã dùng đến cảm ngàn lời cảm ơn "thanks anh", "thanks chị" trong nhiều năm đi làm, chuyển nhiều công ty, làm việc với nhiều quản lý nam nữ, từ người trẻ đến lớn tuổi. Có khi gấp gáp, mình còn trả lời sếp: "Ok anh" và chưa từng gặp phản ứng từ sếp vì cách trao đổi như thế này", Nguyễn Ngọc Như, 28 tuổi, nhân viên hành chính ở TPHCM bày tỏ. 

Ngọc Như cũng như rất nhiều người cho rằng, trong tình huống này, người quản lý đã quá khó tính, khắt khe và bắt bẻ nhân viên.

Ngọc Như chia sẻ: "Công việc đã áp lực, quan trọng là năng lực và thái độ làm việc của nhân viên hàng ngày như thế nào. Những việc thông thường này mà còn bị để ý, soi mói thì mệt lắm. Chẳng lẽ cứ khúm núm dạ thưa mới được?". 

Tuy nhiên, trường phái "cần nghiêm túc trong cách giao tiếp ở công sở" cũng đông đảo không kém. Nhiều người nhấn mạnh, ở môi trường làm việc, có những quy chuẩn, nguyên tắc giao tiếp không ghi trong quy định nhưng mỗi người đi làm cần tự hiểu, điều chỉnh và uốn nắn, đặc biệt là với cấp quản lý. 

Ý kiến của nhiều người, với đồng nghiệp cùng thế hệ, cùng vị trí đã quen thân có thể hồi đáp vui đùa "oki anh/chị, thanks anh/chị". Còn đối với cấp trên, mối quan hệ không phải là anh em/chị em ở mức thân thiết có thể suồng sã nên có cách giao tiếp chuẩn mực và phù hợp. 

"Vâng, em cảm ơn anh/chị ạ!; Dạ, em cảm ơn anh/chị nhé!" vừa lịch sự vừa thể hiện sự tôn trọng với cấp trên cũng như với người lớn tuổi", một nữ nhân viên nêu quan điểm. 

Cô gái bày tỏ không phải người quản lý nào cũng dễ tính, thoải mái trong cách giao tiếp, ăn nói, sử dụng câu từ. Có người rất khắt khe, nguyên tắc với câu chữ, chính tả, cách nói năng... 

Trả lời sếp Thanks chị ạ!, nhân viên bị chỉnh ăn nói cho tử tế - 2

Giao tiếp ở công sở có những quy chuẩn và nguyên tắc nhất định (Ảnh minh họa).

Theo người này, vừa để an toàn, vừa giữ được cách giao tiếp lịch sự thì mỗi người cần cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, đừng có tư tưởng sếp... bằng vai phải lứa. Lời nói hay hơn, đẹp hơn, được lòng nhau hơn không bao giờ thừa trong cuộc sống. 

Đồng tình với ý kiến này, tài khoản nickname Nguyễn Thùy Dung thẳng thắn: "Giao tiếp, ăn nói kiểu này là chưa đi làm được đâu các bạn ạ. Một lời dạ, hai lời vâng, ba câu cảm ơn lịch sự... chẳng làm mỏi tay mình hơn, lại vừa lòng người khác, tránh những tình huống hiểu lầm không hay". 

Nhiều người có thâm niên tiết lộ, môi trường công sở... không biết đường nào mà lần, sếp lại càng khó "bắt sóng". Lúc vui có thể không sao, cũng có khi sếp cũng "khó ở" trong người.

Lựa lời ăn tiếng nói để giao tiếp hiệu quả, lịch sự là điều không chỉ trong công việc mà trong cuộc sống là điều rất cần thiết nhưng hiện nay nhiều người xem nhẹ việc giao tiếp, ăn nói, ít trau dồi việc "lựa lời mà nói". Nếu thấy mình không "nói hay" được thì chí ít giữ ở mức an toàn, có giới hạn.