TP.HCM: Điều chỉnh mức đóng BHXH theo quy định từ 1/1/2016

Cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM vừa có công văn gửi các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP hướng dẫn thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN từ ngày 1/1/2016.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đó, từ ngày 1/1/2016, tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương là tiền lương do doanh nghiệp quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Cũng kể từ ngày 1-1-2016, các đơn vị sử dụng lao động phải rà soát lại mức lương tối thiểu trong thang lương, bảng lương mà đơn vị đã gửi với cơ quan quản lý nhà nước về lao động để điều chỉnh lại cho phù hợp, theo nguyên tắc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới dưới đây. Trên cơ sở đó, điều chỉnh lại mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho từng người lao động theo đúng thang lương, bảng lương đã xây dựng;

Mức lương tối thiểu vùng mới được áp dụng như sau:

Mức 3.500.000 đồng/tháng áp dụng đối với đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.

Mức 3.100.000 đồng/tháng áp dụng đối với đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Người lao động ký hợp đồng lao động tại văn phòng hoặc trụ sở chính đóng tại TP.HCM nhưng làm việc ở các vùng khác thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại địa bàn làm việc ghi trong hợp đồng lao động để điều chỉnh lại tiền lương, tiền công ghi trên hợp đồng, làm căn cứ đóng, hưởng BHXH, BHYT và BHTN.

Ngoài ra, BHXH TP cũng lưu ý: Mức lương tối thiểu vùng chỉ dùng ký hợp đồng lao động và đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường và thời giờ làm việc bình thường ở các đơn vị sử dụng lao động.

Đối với người lao động đã qua học nghề (kể cả do doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua học nghề) thì tiền lương ghi trên hợp đồng lao động thấp nhất cũng phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì cộng thêm 5%.

Chậm nhất đến ngày 20-2-2016, các đơn vị sử dụng lao động phải nộp hồ sơ điều chỉnh mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Nếu hồ sơ nộp sau thời hạn nêu trên sẽ phải tính lãi truy thu theo quy định.

Đối với các đơn vị sử dụng lao động chậm hoặc không điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên đây, dẫn đến còn tình trạng người lao động có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới, cơ quan BHXH sẽ tạm thời điều chỉnh mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN cho bằng mức lương tối thiểu vùng mới.

Theo Báo Pháp luật TP HCM