Tới tháng 6/2016: Cả nước có 613.800 người có việc làm mới

Đây là số liệu được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết chiều 16/7 tại Hà Nội. Bên cạnh đó, nhiều kết quả về thực hiện chỉ tiêu dạy nghề, xuất khẩu lao động, chăm sóc người có công cũng được công bố.


Lễ ký bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động VN sang làm việc tại HQ.

Lễ ký bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động VN sang làm việc tại HQ.

Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, số liệu 613.800 người có việc làm mới đạt 38,3% kế hoạch và bằng 96,2% so với cùng kỳ năm 2015.

“Trong đó, tạo việc làm trong nước cho 573 nghìn người, đạt 38,2% kế hoạch và bằng 96% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu lao động trên 43,8 nghìn người, đạt 43,9% kế hoạch và bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2015” - Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH về bảo hiểm thất nghiệp cho thấy, từ ngày 1/1- 20/5, cả nước có 182.936 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó đã quyết định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 158.359 người, 256.559 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, 8.824 người được hỗ trợ học nghề.

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về trường hợp nào, người sử dụng lao động sẽ áp dụng mức dưới 1 % hoặc mức 1 % trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1/7), ông Nguyễn Anh Thơ - Cục Phó Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết: “Từ ngày 1/7/2016-31/12/2017, người sử dụng lao động sẽ đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mức 1 % trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Sau ngày 1/1/2018, Chính phủ sẽ quy định cụ thể trường hợp đóng thấp hơn 1 %…”.

Điểm sáng trong lĩnh vực XKLĐ qua 5 tháng đầu năm 2016 là việc Bộ LĐ-TB&XH ký kết với Bộ Lao động Hàn Quốc Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động VN sang làm việc tại HQ. Đây là kết quả phối hợp giữa phía VN và Hàn Quốc trong việc triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc thời gian qua.

Để có kết quả trên, phía VN đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt như: Ký quỹ với người lao động, thành lập Văn phòng quản lý lao động tại Hàn Quốc để tăng cường quản lý lao động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nước và tại Hàn Quốc để người lao động thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn…

Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ người lao động tái hòa nhập, tìm việc làm mới trong nước, xử phạt vi phạm hành chính đối với lao động bất hợp pháp. Tính đến tháng 5/2016 cả nước có tổng số 82.585 lao động là người nước ngoài đang làm việc.

Về thực hiện chính sách với đối tượng người có công, các cơ quan chức năng của Bộ LĐ-TB&XH đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận mới 316 trường hợp xác nhận liệt sĩ và cấp, đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho hơn 10.000 trường hợp.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH kết hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm quy tập và an táng 1.173 hài cốt liệt sỹ; xác nhận mới 5.600 trường hợp người có công, kiến nghị cấp trên phong tặng và truy tặng cho 5.228 bà mẹ Việt Nam anh hùng, tổ chức tốt công tác điều dưỡng cho 20.000 lượt người có công.

Về công tác dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở dạy nghề với hơn 1.400 trường cao đẳng - trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề. Đến nay đã có 80 huyện của 9 tỉnh đã thực hiện sáp nhập, bổ sung chức năng cho các trung tâm công lập trên địa bàn thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV. Tới tháng 5, ngành LĐ-TB&XH tuyển sinh khoảng 282.000 người, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề trên 10.300 người; tuyển sinh trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 271.700 người.

Hoàng Mạnh