Thưởng Tết có nên được quy định "cứng" khi sửa Luật Lao động 2012?
(Dân trí) - Trong lộ trình sửa Bộ Luật lao động 2012, liệu có nên quy định cụ thể về thưởng Tết nhằm tránh diễn ra tình trạng doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động bằng hiện vật hoặc thậm chí chỉ đưa mức thưởng Tết chỉ từ... 20.000-50.000 đồng/người.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH về tiền thưởng Tết mấy năm gần đây cho thấy, bên cạnh những mức thưởng “khủng” tới cả tỉ đồng cho cá nhân, vẫn còn những mức thưởng Tết “rơi nước mắt”.
Theo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), mức thưởng Tết 2018 thấp nhất chỉ là 20.000 đồng/người thuộc về một doanh nghiệp dân doanh ở tỉnh Vĩnh Phúc. Dẫu không thấp bằng mức này, nhưng khảo sát tương tự trong năm 2017 của cơ quan trên cho thấy, mức thấp thưởng thấp nhất là… 50.000 đồng/người.
Trả lời câu hỏi về việc: Vậy, có nên quy định cụ thể hơn về việc chỉ thưởng cuối năm, mức thưởng vào nội dung dự án sửa đổi Luật Lao động năm 2012 - đang được Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu - ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng: “Điều này rất khó và phải đánh giá tác động từ nhiều phía”.
Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân khi tham gia xây dựng dự thảo Luật Lao động năm 2012, ông Phạm Minh Huân cho biết: Trước năm 2012, Luật Lao động năm 1994 đã có quy định “người sử dụng lao động có trách nhiệm trích từ lợi nhuận hàng năm để thưởng cho người lao động đã làm việc tại doanh nghiệp từ một năm trở lên …”.
Quy định này ít nhiều đã tạo ra “khung” cho việc chỉ thưởng Tết và làm căn cứ để người lao động hoặc tổ chức công đoàn có thể đề nghị doanh nghiệp xem xét tới việc chi thưởng cuối năm.
“Ngay cả với cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp, Nhà nước chỉ ban hành lương tối thiểu như một “mức sàn” để đảm bảo doanh nghiệp không trả thấp hơn. Trong lộ trình tới năm 2021, Nhà nước sẽ không can thiệp trực tiếp vào tiền lương của doanh nghiệp” - ông Phạm Minh Huân cho biết.
Tuy nhiên tới thời điểm xây dựng dự án Luật Lao động năm 2012, bộ phận soạn thảo tiếp cận với nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt có nhiều quan điểm cho rằng không nên quy định “cứng” như trên.
“Nhiều doanh nghiệp FDI khi đó cho rằng, điều quan trọng là tiền lương tháng của người lao động phải được trả theo đúng quy định. Phần còn lại sau khi tính toán còn phải dành cho các nhà đầu tư, cổ đông đóng góp vốn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp” - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết.
Do đó, khi xây dựng dự án Luật Lao động năm 2012, bộ phận soạn thảo đã điều chỉnh mang tính thực tiễn và linh hoạt hơn. Theo đó, quy định về tiền thưởng được ghi là: “Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động…”.
Như vậy, quan điểm về tiền thưởng hiện rõ hơn tính khuyến khích, được hình thành từ thỏa thuận giữa hai bên.
Ông Phạm Minh Huân cho biết thêm: “Việc chi trả thưởng Tết của doanh nghiệp nhà nước thì có mức khung nhất định, dựa vào quỹ phúc lợi, khen thưởng không quá 3 tháng lương”.
Trong khi đó, mức chi thưởng cuối năm của doanh nghiệp tư nhân và FDI thường không cố định. Nhưng nhiều năm qua, mức thưởng Tết của doanh nghiệp FDI vẫn thường đứng đầu trong bảng khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH. Tất nhiên, mức thưởng cao chỉ dành cho một số cá nhân có đóng góp cao trong doanh nghiệp.
Vậy, việc để doanh nghiệp tự quyết việc chi thưởng có ảnh hưởng tới chất lượng nhân lực?
Đưa ra quan điểm cá nhân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: “Những doanh nghiệp làm việc nghiêm túc sẽ không dại dột chi trả và đãi ngộ cho người lao động ở mức thấp trong điều kiện sản xuất - kinh doanh có kết quả tốt”.
Phân tích rõ hơn, ông Phạm Minh Huân nhận định: “Bởi nếu làm như trên, doanh nghiệp vô tình sẽ tự làm mất đi nguồn nhân lực quan trọng, ảnh hưởng lâu dài tới kết quả sản xuất kinh doanh”.
Mặt khác, ông Phạm Minh Huân cũng cho rằng, quan hệ lao động hiện nay có tính ngang bằng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Người lao động hiện nay có nhiều sự lựa chọn công việc và nơi làm việc nào hấp dẫn và hợp với năng lực.
Hoàng Mạnh