Thu hút hơn 12,6 triệu lao động tham gia sau 10 năm triển khai BHTN
(Dân trí) - Năm 2009, cả nước chỉ có hơn 5,9 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đến năm 2018, con số này đã là hơn 12,6 triệu người lao động tham gia (bằng 87,7% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc). Đây là kết quả tích cực sau 10 năm triển khai chính sách BHTN trên cả nước.
Lao động tham gia BHTN liên tục tăng nhanh
Theo ông Lê Quang Trung, Cục Phó, phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHTN đã được đặc biệt quan tâm ở các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đa dạng về hình thức và nội dung.
Đặc biệt là tạo nhiều kênh thông tin để người lao động người sử dụng lao động có thể được tiếp cận thông tin về chính sách BHTN như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHTN, tổ chức các Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về BHTN...
Qua công tác tuyên tryền, phổ biến pháp luật đã nâng cao hiểu biết, nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện BHTN; được xã hội đánh giá đúng vai trò, vị trí và ý nghĩa của việc tham gia BHTN. Từ đó chủ động tham gia BHTN.
Thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, 10 năm qua số lượng người tham gia và đóng BHTN liên tục tăng nhanh và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số thu BHTN cũng không ngừng tăng qua các năm.
Tính đến thời điểm năm 2018, bình quân tiền đóng BHTN hằng tháng của người lao động là 4.937.117 đồng, tăng 9,94% so với bình quân tiền đóng năm 2017. Tổng số tiền thu BHTN năm 2018 là 15.531 tỷ đồng, tăng 14,9% so với tổng số tiền thu năm 2017.
Cùng với việc gia tăng số người được hưởng các chế độ BHTN, số tiền chi cho các chế độ BHTN cũng đã tăng nhanh. Năm 2015 tổng chi các chế độ BHTN là 4.882,9 tỷ đồng thì năm 2018, tổng chi là khoảng 9.722 tỷ đồng. Trong đó chi cho trợ cấp thất nghiệp chiếm 92,8%, chi hỗ trợ học nghề chiếm 0,9%, chi bảo hiểm y tế chiếm 4,1% so với tổng chi cho các chế BHTN.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tính đến cuối năm 2018 là 79.073 tỷ đồng, dự báo đến năm 2020, Qũy BHTN vẫn đảm bảo an toàn.
Nhiều lao động sau khi học nghề đã có việc làm
Quá trình triển khai chính sách BHTN, một trong những nội dung được quan tâm và chú trọng triển khai là tư vấn, giới thiệu việc làm. Theo đại diện lãnh đạo Cục Việc làm, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tập trung triển khai thực hiện, đa dạng hóa các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm và cải tiến quy trình thực hiện.
Số lượng và hiệu quả người được tư vấn, giới thiệu việc làm tăng theo từng năm và chiếm tỷ lệ khá cao so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (trên 96,8% so với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp).
Ông Lê Quang Trung cho biết: “Nếu năm 2010 có 125.562 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm thì đến năm 2015 là 463.859 lượt người (tăng 3,6 lần so với năm 2010) thì đến năm 2018, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.390.429 lượt người tăng hơn 10 lần so với số người được tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2010”.
Đáng quan tâm, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực. Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng. Năm 2010 chỉ có 270 người được hỗ trợ học nghề thì năm 2018 số người được hỗ trợ học nghề là 37.977người.
Đến nay đã có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề. Nhiều người thất nghiệp sau khi tham gia các khóa học nghề đã có việc làm và ổn định cuộc sống. Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương....
Theo ông Lê Quang Trung, Cục Phó, phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), với những kết quả đạt được nêu trên, BHTN đã khẳng định được vai trò là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động.
Qua việc triển khai chính sách BHTN đã bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Quan trọng hơn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, sớm đưa người lao động trở lại với thị trường lao động.
Phan Minh