Thông thường và bất thường chuyện Agribank ưu tiên tuyển con em nhân viên

Chuyện Agribank ưu tiên cho con em cán bộ trong việc tuyển dụng đang nóng bỏng trong dư luận vì đây là trường hợp đầu tiên công khai chính sách tuyển dụng chuyện ưu tiên “con ông cháu cha” vốn được nhận xét là đang diễn ra phổ biến.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Agribank. Ảnh: Hải Linh
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Agribank. Ảnh: Hải Linh

Không chỉ Agribank?

Theo thông báo của Agribank, từ ngày 29 - 31/10/2015, ngân hàng này sẽ nhận hồ sơ thi tuyển lao động năm 2015 cho các đơn vị trong hệ thống. Điểm đáng chú ý là thông báo của Agribank nêu rõ chính sách ưu tiên cho các đối tượng dự tuyển là người nhà (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp) được cộng 30 điểm (thang điểm 100).

Trường hợp có từ 2 người con trở lên tham dự kỳ thi cũng chỉ cộng điểm ưu tiên cho một người. Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, đợt tuyển dụng này cần chính sách ưu tiên nhằm bổ sung cho số lao động giảm tự nhiên ở các chi nhánh của Ngân hàng thời gian qua.

Theo ông Thành, trước đây, Agribank có chính sách tuyển thẳng với con em của cán bộ thâm niên hơn 20 năm trở lên. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước hiện không cho phép Agribank tiếp tục thực hiện chính sách này.

Vì thế, Hội đồng quyết định sẽ cộng điểm cho các ứng viên là con em cán bộ đang công tác tại Agribank. Trên thực tế, việc ưu tiên tuyển dụng nhân sự là người nhà ở các ngân hàng có vốn Nhà nước cũng như các tập đoàn, tổng công ty đã được lan truyền khá nhiều thời gian qua, thậm chí có dư luận cho rằng, một suất vào ngân hàng có chi phí lên tới cả trăm triệu đồng.

Việc thông báo ưu tiên người nhà như ở Agribank một cách công khai có thể coi như một “tai nạn”, vì ngay lập tức nó được đưa ra mổ xẻ.

Trao đổi với báo giới, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định tuyển dụng như Agribank công bố là vi phạm Hiến pháp và tạo ra tiền lệ không tốt. “Nếu ngành nào, địa phương nào cũng cục bộ như thế sẽ không có cơ hội cho người giỏi, người có năng lực trình độ thực sự trúng tuyển" - đại biểu Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bày tỏ.

Tiến tới bãi bỏ việc ưu tiên tuyển dụng con em

Việc tuyển dụng khép kín như vậy, thậm chí là trước đây còn tuyển thẳng cho nhiều trường hợp con em cán bộ có thâm niên làm việc trên 20 năm (như lời Tổng Giám đốc Agribank) theo kiến nghị của giới chuyên gia là có dấu hiệu sai phạm và Bộ Nội vụ phải vào cuộc thanh kiểm tra. Nếu phát hiện có sai phạm phải xử phạt nặng.

Thậm chí nếu cần nên mở rộng thanh, kiểm tra công tác tuyển dụng tại các DN Nhà nước lớn. “Tình trạng nể nang, con ông cháu cha làm việc dẫn đến việc thay đổi hiệu quả hoạt động, quản trị DN của các DN Nhà nước rất khó khăn và kéo dài thời gian” - ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chất lượng của lực lượng lao động là thách thức lớn với Việt Nam. Nguồn nhân lực yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, kỷ luật làm việc và tác phong lao động công nghiệp sẽ dẫn đến năng suất thấp.

Một trong những nguyên nhân là sự bất hợp lý trong tuyển dụng và sử dụng lao động. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức nhân sự, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, đây không phải vấn đề mới, một số ngành vẫn giữ thói quen ưu tiên con em trong ngành khi tuyển dụng để khích lệ tinh thần làm việc của CBCNV trong cơ quan. Đồng thời, bản thân những con em trong ngành cũng quen với môi trường làm việc của bố mẹ...

Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định: “Để nó trở thành một quy định và công khai như thế trong một cuộc thi tuyển là không ổn. Điều này sẽ tạo ra những rào cản đối với con em của những người ngoài ngành”.

Chính vì thế, theo ông Phúc: “Cần xem xét để làm sao có cách tuyển dụng tích cực, bình đẳng nhất có thể. Khi tuyển dụng, đơn vị tuyển dụng có những quyền và yêu cầu nhằm đáp ứng nhu cầu của họ. Nhưng bên cạnh đó, ứng viên cũng có quyền yêu cầu về sự bình đẳng. Yêu cầu đó của ứng viên là chính đáng và cần được đáp ứng”.

Theo Báo kinh tế đô thị