Thiếu nghiêm trọng nhân lực cao cấp
Theo các doanh nghiệp, hiện mức lương trung bình dành cho các vị trí như: giám đốc, chuyên gia tài chính, ngân hàng, marketting... đã lên tới 1.500 USD/tháng, thậm chí có vị trí lên tới 5.000- 10.000 USD/tháng nhưng vẫn không kiếm được người.
Sự cạnh tranh trên thị trường lao động đối với nguồn nhân lực này đang trở nên gay gắt.
Đào tạo không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng nhân viên có trình độ cao của các doanh nghiệp là “tiếng nói chung” của đại diện các đơn vị tham gia hội thảo “thưc trạng và giải pháp về nguồn nhân lực cao cấp cho các doanh nghiệp” vừa tổ chức tại TPHCM.
Đây được coi là yếu tố quan trọng làm giảm khả năng phát triển và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam thiếu nhân lực nghiêm trọng
Ông Bùi Văn Hải, đại diện Công ty Kiềm Nghĩa cho biết, công ty phải đến từng trừơng đại học để đăng ký tuyển dụng nhưng không khi nào đạt nguyện vọng, vì hầu hết đối tượng đều được các doanh nghiệp nước ngoài “đặt hàng” trước. Họ hỗ trợ kinh phí bồi dưõng kiến thức cho sinh viên ngay từ nhưng năm học đầu tiên.
Công ty đã phải tìm các vị trí trưởng phòng kế hoạch, trưởng phòng kinh doanh, trưởng phòng kỹ thuật, trưởng phòng thí nghiệm trong suốt 2 năm, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người vừa ý. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Về thị trường lao động cao cấp, thạc sỹ Nguyễn Tân Kỳ, Tổng giám đốc Công ty liên doanh công nghiệp Masan cho rằng, trong cuộc cạnh tranh về nhân sự, phần thắng thường nghiêng về các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Nguyên nhân bởi chính sách lương và thưởng của họ trội hơn; cơ hội thăng tiến và môi trưòng làm việc chuyên nghiệp vốn được coi là thế mạnh của họ. Các công ty phần mềm có quy mô nhỏ chỉ là chỗ ở tạm thời cho các sinh viên ngành công nghệ thông tin mới ra trường. Khi đã tạm trưởng thành là họ chuyển sang các công ty lớn hơn.
Theo đại diện Công ty Vinamit, điều này thậm chí đã trở thành “lộ trình” làm việc của các sinh viên. Nhiều người sau khi đã làm việc và học tập tại công ty đã ra đi và mang theo nhiều bí mật. Mặc dù biết nhưng công ty không thể ngăn cản vì còn phải cân đối mức lương cho những nhân viên khác trong công ty và không thể đáp ứng yêu cầu lương của họ như những công ty nước ngoài.
Đối với những công ty Nhà nước thì tình trạng này ít được nhắc tới. Đây không phải là tín hiệu khả quan vì mức độ thu hút nhân tài về chính sách lương, thưởng trên thực tế không linh hoạt như các các công ty tư nhân.
Vì vậy, tình trạng “chảy máu chất xám” ở các doanh nghiệp Vịệt Nam đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, diễn ra ngay trên thị trường lao động trong nước.
Đào tạo không đáp ứng yêu cầu
Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp có quy mô lớn phải mở rộng ra các nguồn cung ứng nhân lực khác từ nước ngoài.
Ông Giản Tự Trung,người sáng lập công ty phát triển con người (PACE) cho rằng, điêu này cần có sự khuyến khích của Nhà nước thông qua các kênh như tư vấn, giảng dạy, làm việc với những ưu đãi về thuế.
Bà Trần Thị Đường, Công ty dệt Phong Phú đưa ra sáng kiến tự lên kế hoạch sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực cao, vận dụng chế độ trả lương, thưởng sáng kiến, tiết kiệm, phụ cấp trách nhiệm, chia sẻ những thành tích, vinh quang mà đơn vị đạt được.
Tuy nhiên, cũng theo bà Đường, nguồn nhân lực bổ sung của công ty hiện vẫn thiếu, bởi trình độ chuyên môn của sinh viên quá yếu, mà nhược điểm lớn nhất là thiếu khả năng tư duy, sáng tạo và tính chủ động trong công việc. Thông thường mỗi đợt tuyển dụng của Dệt Phong Phú chỉ có 20%, thậm chí 10% ứng viên đạt tiêu chuẩn.
Điều hạn chế này sẽ đặc biệt nghiệm trọng khi Việt Nam gia nhập WTO, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém. Bà Đường cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sức cạnh tranh yếu kém chính là doanh nghiệp thiếu vốn nghiêm trọng để đầu tư phát triển, tay nghề công nhân thấp và công nghệ lạc hậu. Yếu tố quan trọng nhất hiện nay là thiếu hụt đội ngũ cán bộ quản lý cao cấp được đào tạo theo yêu cầu của nền kinh tế hội nhập.
Theo tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, so với tiến trình hội nhập kinh tế, sự chuyển đổi của giáo dục Việt Nam quá chậm. Trong khi đó, các doanh nghiệp rất cần nguồn nhân lực cao cấp nên không thể ngồi chờ mà phải tự đào tạo lấy.
Theo bà Phạm Mỹ Lệ, Giám đốc Công ty Le & Associatess Co.Ltd - một công ty Việt Nam đã thành công trong việc chiêu mộ một số nhân sự cao cấp từ các công ty nước ngoài về làm việc, không nên yêu cầu người quá giỏi cho một công việc không xứng tầm với họ; đôi khi doanh nghiệp phải tự điều chỉnh và giảm bớt một số tiêu chí, tập trung vào những yêu cầu chính.
Theo Minh Tuấn
Vneconomy