Thiếu hụt PR - chuyên gia “chắn sóng” cho doanh nghiệp
(Dân trí) - Khi phát sinh vụ việc liên quan đến thương hiệu hay những thông tin “rắc rối” bị đưa lên mặt báo, không ít doanh nghiệp mới giật mình nhận ra sự thiếu hụt đội ngũ nhân viên PR chuyên nghiệp để đối phó với khủng hoảng truyền thông và quan hệ công chúng…
Thực tế, đó chỉ là một trong số vô vàn trường hợp cần đến sự “chường mặt” của bộ phận này để thay mặt lãnh đạo hoặc hỗ trợ họ trong việc tiếp xúc với công chúng và đưa ra những thông tin, hình ảnh có lợi nhất cho doanh nghiệp.
Thật khó “khoanh vùng” cụ thể cho hoạt động PR, nhưng trong phạm vi doanh nghiệp, có thể tạm liệt kê những công việc mà người làm PR phải đảm nhiệm như: biên soạn văn bản tài liệu liên quan đến truyền thông; lên kế hoạch và tổ chức sự kiện; tạo dựng và phát triển mối quan hệ nội bộ và với bên ngoài (như công chúng, khách hàng, đối tác, các cơ quan quản lý, chính phủ…); ngăn ngừa và đối phó khủng hoảng truyền thông…
Trong khi còn có nhiều cách phân loại, sắp xếp công việc PR khác nhau, thì hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực này đều thống nhất nhận định về thực trạng của nghề này tại Việt Nam: đó là đại đa số các doanh nghiệp đang thiếu những người làm PR thực sự, thiếu những nhân viên PR “biết việc”…
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổng giám đốc công ty Liên doanh T&A Ogilvy, một đơn vị có tiếng trong giới truyền thông nhận định: “Đây không chỉ là sự thiếu hụt một vài nhân sự chuyên trách trong doanh nghiệp, mà còn có thể coi là khoảng trống lớn trong việc tiếp cận công chúng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và đối phó khủng hoảng…”
Việt Nam đang “sở hữu” khoảng trên 500 nghìn doanh nghiệp, tuy nhiên, chưa có thống kê nào “đo” được mức độ thiếu nhân viên chuyên trách về PR trong doanh nghiệp, đó là chưa nói đến độ chuyên nghiệp của những cán bộ này. Chỉ một số doanh nghiệp lớn là có bộ phận PR riêng hoặc sử dụng dịch vụ PR – truyền thông của các các công ty chuyên nghiệp.
“Tầm sư học đạo” có khó?
Hiện nay, một số cơ sở trường đại học, học viện cũng đã hình thành những khoa bộ môn về PR (như Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo thuộc Học viện Báo chí - Tuyên truyền) hay được đưa vào chương trình đào tạo với tư cách môn học chuyên ngành (tại ĐH KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội và ĐH KHXH&NV ĐHQD TP HCM)…
Tuy vậy, với nhu cầu đào tạo lớn của nghề này, tình trạng “thiếu thầy” gần như vẫn chưa được cải thiện, đó là chưa nói đến chất lượng đào tạo của các cơ sở này. Pr là một môn học đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành trong những bài giảng, điều mà ngay cả nền giáo dục Việt Nam nói chung cũng đang có bất cập.
Song đây cũng là nghề khá đặc thù, một người theo học ngành này 4-5 năm không có nghĩa là có thể làm tốt hơn người học ít thời gian, bởi nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Điều đó cũng có thể lý giải vì sao những khóa đào tạo Pr ngắn hạn có uy tín hiện nay vẫn là một trong những sự lựa chọn của các bạn trẻ muốn theo nghề này, có thể kể đến như: Trung tâm Đào tạo QTKD INPRO, Trung tâm đào tạo QTKD Thames, T&A Ogilvy…
Theo các chuyên gia, tất cả những người đang tham gia trong ngành truyền thông, quan hệ đối ngoại, quan hệ báo chí, tổ chức sự kiện, PR, marketing, quản lý thương hiệu, quản lý nhãn sản phẩm, các cán bộ quản lý doanh nghiệp tại các công ty… đều có thể tìm đến những khóa học như một sự trau dồi kỹ năng nền tảng và cập nhật những kiến thức mới cho công việc của mình.
Và với một người thực sự yêu thích và có tố chất làm nghề Pr thì điều quan trọng nhất đối với họ là tìm được một khóa học thích hợp. Khóa học này không chỉ trang bị những kiến thức cơ bản về thương hiệu, truyền thông, quan hệ công chúng… mà còn hướng dẫn, thực hành cho học viên xây dựng chương trình truyền thông tổng hợp một cách hiệu quả, tiết kiệm và tập trung nhất, phù hợp với môi trường thực tế tại Việt Nam.
Nhưng, với những khóa học “xịn” có giáo viên là các chuyên gia giàu kinh nghiệm và giáo trình nước ngoài, hoặc thậm chí đi du học ngành PR thì việc ghi danh đòi hỏi bạn phải cân nhắc bởi giá học phí và khả năng tiếp thu…
Hương Linh