Thế giới học được gì từ người Nhật?

Nhật Bản không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, họ phải chịu đựng hàng trăm trận động đất mỗi năm, nhưng những điều đó cũng không ngăn cản Nhật trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới trong nhiều năm liền.

Vậy vì sao họ lại như vậy, những đúc kết sau đây có thể phần nào lý giải được câu hỏi này:

Ý thức tập thể và cộng đồng Nhật Bản

Ý thức tập thể trong hầu hết mỗi con người Nhật Bản đóng vai trò rất quan trọng. Điều này được thể hiện ngay từ trong cách xưng hô khi nói chuyện. Trong công việc người Nhật thường đề cao cái chung, tìm sự hòa hợp giữa mình và những người xung quanh. Nhiều tổ chức, đoàn thể có thể cạnh tranh với nhau gay gắt nhưng họ lại bắt tay với nhau để có thể đạt được mục đích chung để đánh bại đối thủ nước ngoài. Vì vậy mà điều tối kỵ là làm mất danh dự của tập thể. Tinh thần này tạo nên sức mạnh ngày nay của Nhật Bản.

Các con đường lớn nhỏ ở Nhật bao giờ cũng sạch sẽ, ngăn nắp.
Các con đường lớn nhỏ ở Nhật bao giờ cũng sạch sẽ, ngăn nắp.

Có rất nhiều giai thoại của người Nhật thể hiện ý thức cộng đồng và đây chỉ là một ví dụ: Hẳn chúng ta còn nhớ trong trận thua ngược 1-2 trước Bờ Biển Ngà tại World Cup cách đây chưa xa, khi sân vận động dần thưa người, dù đội nhà thua đội ngũ người hâm mộ (fan) rất buồn, buồn lắm, buồn đến sâu sắc nhưng họ vẫn nán lại sân lúc này để dọn dẹp những đống rác rơi vãi tại khu vực.

Thông thường hành động nhặt rác tại các sân thể thao, khu công cộng ở Nhật là bình thường nhưng điều đó rất xa lạ đối với nhiều nơi trên thế giới. Trước hành động, cử chỉ đẹp như vậy, đã có rất nhiều người ngạc nhiên và tỏ vẻ thán phục và họ hết sức ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến việc các fan Nhật dọn dẹp như thế này. Fan Nhật cho rằng họ phải có ý thức với môi trường, dù là ở bất cứ đâu, không nhất thiết phải tại nước Nhật, họ quan niệm tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng môi trường là nghĩa vụ của họ. Ý thức của họ lúc này đã nâng tầm cộng đồng Nhật Bản - một cộng đồng không chỉ ích kỷ làm đẹp, làm sạch cho quốc gia mình mà bất cứ nơi đâu.

Tuy nhiên, việc làm đẹp đẽ đó không chỉ thể hiện ở lực lượng fan Nhật, mà thể hiện ở tinh thần Nhật Bản nói chung. Sau màn thua trước Bờ Biển Ngà, thay vì vỗ tay với fan như các đội tuyển khác thường làm, các chiến binh Samurai áo xanh lúc này đã xếp thành hàng dài và cúi khom người thay cho lời tạ lỗi gửi đến fan hâm mộ của mình. Đó là hình ảnh làm xúc động triệu con tim trên thế giới. Thử hỏi có bao nhiêu đội tuyển trên thế giới đã làm được điều này.

Có thể thấy, thắng thua trong thể thao là chuyện bình thường bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đội tuyển Nhật Bản cũng vậy, phụ thuộc rất nhiều yếu tố mà nhiều khi vượt xa tầm kiểm soát hoặc khả năng của chính họ để đi đến chiến thắng nhưng tinh thần, thái độ của họ, ứng xử của họ trước việc thua thắng đã gây xúc động mạnh đến toàn thế giới và làm cho thế giới phải nghiêng đầu kính cẩn!

Ý thức sáng tạo

Theo khảo sát của Tổ chức Tình báo kinh tế (EIU), Nhật là quốc gia sáng tạo nhất thế giới, theo sau là Thụy Sĩ, Mỹ và Thụy Điển. Cuộc khảo sát xếp hạng 82 nền kinh tế dựa vào năng lực sáng tạo trong giai đoạn 2002 - 2006 và dự đoán sự thay đổi về thứ hạng trong thời kỳ 2007 - 2011.

Người Nhật nổi tiếng ham học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, quan sát từ những cái nhỏ nhất, sự cầu tiến đã giúp họ bắt kịp rất nhanh với thời đại từ khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến bậc nhất của thế giới. Các nhà nghiên cứu Nhật luôn khẳng định được mình qua các lần đoạt giải Nobel.

Tại các trường đại học ở Nhật, chế độ giáo dục, nghiên cứu và quản lý luôn tôn trọng và đặt giáo viên làm chủ thể. Ở đây giáo viên được hưởng thu nhập và danh vọng rất cao. Có lẽ điều này là một trong những nhân tố quan trọng làm cho Nhật Bản trở thành quốc gia châu Á đoạt nhiều giải Nobel nhất.

Ý thức môi trường

Việc giữ gìn vệ sinh môi trường của người Nhật thể hiện rất rõ việc họ ứng xử ngoài đường phố. Ví dụ, bất cứ công dân Nhật nào đi ra đường cùng chó nuôi đều phải mang theo túi đựng và túi đặc biệt để hốt phân khi chẳng may chúng bậy trên đường. Người chủ lúc này phải tự biết giải quyết vệ sinh một cách gọn gàng, ngăn nắp.

Người Nhật rất thích những hoạt động dã ngoại ở bên ngoài ngôi nhà của mình. Đó là những hoạt động thưởng thức hoa Anh Đào, nhóm cùng nhau nướng thịt ngoài trời, nhóm cắm trại. Sau khi kết thúc các hoạt động này, toàn bộ hoạt động sau đó - hoạt động không thể thiếu chính là việc làm trả lại cho môi trường xung quanh y như lúc ban đầu - Nhặt rác, dọn dẹp sạch đẹp!

Vì sao người Nhật lại có ý thức bảo vệ môi trường như vậy? Việc làm này có được do ý thức giáo dục từ nhỏ! Từ khi ở trên ghế nhà trường, mọi học sinh đều phải tham gia các trò chơi tập thể và chơi thể thao trong phòng tập, nhà thể chất và mọi công việc mà ai cũng cho là việc dĩ nhiên đó là thu dọn đồ và lau sàn. Ở trường học, họ không thuê bất cứ nhân công nào cho việc này mà học sinh đều phải thay phiên nhau dọn vệ sinh trường học, lớp học của mình.

Ý thức giáo dục

Nhật Bản giáo dục học sinh của họ từ năm đầu cho tới năm thứ 6 tiểu học phải học về những nguyên tắc xử thế để giao tiếp với những người xung quanh. Trong những trường mầm non ở Nhật, dường như họ không hề quan tâm đến việc dạy kiến thức cho trẻ.

Không có bất cứ kỳ thi quan trọng nào từ lớp 1 cho tới lớp 3 ở cấp tiểu học bởi vì mục tiêu của giáo dục là truyền đạt các khái niệm và xây dựng nhân cách, không phải là thi thố và nhồi sọ. Trẻ em Nhật làm vệ sinh trường học mỗi ngày trong vòng 45 phút cùng giáo viên, điều này chứng tỏ người Nhật ưa chuộng sự sạch sẽ và vệ sinh môi trường.

Trẻ em lúc này không có bất kì quyển vở nào, chỉ có những cuốn ghi phác thảo mỗi tháng một lần gửi cha mẹ. Trong kế hoạch giáo dục không có những môn học như Toán, chữ Nhật, nghệ thuật hay âm nhạc. Trường mầm non chỉ dạy trẻ luôn luôn mỉm cười. Họ quan niệm việc đang nói chuyện với ai không quan trọng, mà quan trọng nhất là phải “luôn mỉm cười” và dạy trẻ biết “cảm ơn”.

Quốc gia này nghiêm cấm việc nói chuyện điện thoại trên các tàu điện và xe bus. Ngồi trong tàu điện hay xe bus ở Nhật Bản lúc nào cũng yên tĩnh y như trong 1 thư viện. Mọi người đọc sách, nghe nhạc, nhắn tin, làm việc, ngủ gật... nhưng không ai gây ồn ào hay làm phiền người khác. Nếu có nói chuyện cũng rất nhỏ nhẹ và khẽ khàng.

Tỷ lệ tàu lửa hay tàu điện đến trễ ở Nhật chỉ khoảng 7 giây mỗi năm. Người Nhật trân trọng giá trị thời gian đến từng giây. Văn hóa “Tuyệt đối đúng giờ” của người Nhật đã trở thành thương hiệu. Người Nhật rất nghiêm khắc với bản thân về chuyện giờ giấc.

Ở đâu cũng vậy, mỗi quốc gia đều có những nét tinh túy riêng và trên đây là một số tinh túy và Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi những nếp sống, văn phong, cách suy nghĩ… để đất nước chúng ta một ngày nào đó không xa đạt được sự hùng mạnh như Nhật Bản.

Theo Báo Xây dựng