1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hoá: Hơn 105.000 lao động tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp

(Dân trí) - Theo ông Lê Đăng Thanh - Giám đốc TT DVVL Thanh Hoá, sau 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), hơn 105.000 lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Chính sách BHTN ngày càng có hiệu quả và trở thành “bạn đồng hành” tin cậy với người lao động.

Hơn 100.200 lao động được tư vấn việc làm

Thống kê của TT DVVL Thanh Hoá (Sở LĐ-TB&XHXH Thanh Hoá), thông qua công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký BHTN, hơn 100.200 người lao động đã được các cán bộ TT tư vấn, giới thiệu việc làm trong gần 10 năm qua.

thanh hoa 1.jpeg

Ảnh minh hoạ

Trong số lao động thất nghiệp đến với TT DVVL tỉnh, nhóm lao động ở độ tuổi 24-40 hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao. “Đây nhóm lao động đã có kinh nghiệm làm việc, có sức khỏe, năng động. Do đó, xu hướng chuyển đổi công việc của nhóm này cao hơn các nhóm khác, dẫn tới tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp của nhóm tuổi này cao hơn các nhóm tuổi khác” - ông Lê Đăng Thanh cho biết.

Đánh giá từ góc nhìn về giới cho thấy, tỷ lệ lao động nữ rơi vào tình trạng mất việc làm nhiều hơn lao động nam, chủ yếu là lao động nữ từ 24-40 tuổi.

TT DVVL tỉnh đã phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, tập huấn, đào tạo cán bộ, hướng dẫn thực hiện, chia sẻ thông tin, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong triển khai BHTN.

Một trong các nguyên nhân chính là lao động nữ phải đối mặt với nhiều rào cản trên thị trường lao động việc làm như sự phân biệt đối xử giữa lao động nữ và nam, hạn chế trong lựa chọn công việc.

Cũng theo TT DVVL Thanh Hoá, đa phần trình độ chuyên môn của đối tượng hưởng BHTN là lao động phổ thông với nghề may mặc và điện tử. Loại hình doanh nghiệp của người lao động làm việc trước khi thất nghiệp chủ yếu là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

 70 % quay lại thị trường lao động

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lê Đăng Thanh cũng chia sẻ những khó khăn trong gần 10 năm triển khai chính sách BHTN tại Thanh Hoá.

“Hầu hết lao động đến TT DVVL nộp hồ sơ hưởng TCTN đều không có ý định đi làm trở lại ngay. Trước mắt là có nguyện vọng hưởng TCTN, sau khi hưởng hết trợ cấp, họ mới quay lại thị trường sau khi hau đó mới quay trở lại thị trường lao động” - ông Lê Đăng Thanh cho biết.

thanh hoa 2.jpg

Ảnh minh hoạ

Điều tra của TT DVVL tỉnh cho thấy, số lao động khi hưởng hết TCTN quay trở lại thị trường lao động chiếm khoảng 70%. Bên cạnh đó, đối tượng tham gia học nghề sau 10 năm triển khai chính sách BHTN còn thấp.

“Đa số lao động mất việc làm chủ yếu là lao động phổ thông và trình độ tay nghề giản đơn. Mức hỗ trợ học nghề thấp, loại hình đào tạo nghề còn nhiều ngành nghề chưa phù hợp, chưa đáp ứng được với yêu cầu của xã hội” - đại diện TT DVVL cho biết.

Ngoài ra, quy định hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là một chế độ mới của chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa thực hiện được thực hiện nhiều.

Nhận định về điều này, ông Lê Đăng Thanh cho rằng, việc triển khai quy định trên còn hạn chế, bởi các văn bản hướng dẫn luật và chế tài còn nhiều điều bất cập, dẫn đến các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn hỗ trợ của BHTN còn gặp nhiều khó khăn.

Đánh giá chung cho thấy, chính sách BHTN đã trở thành “bạn đồng hành” không thể thiếu đối với người lao động. Thông qua đó, người lao động khi thất nghiệp sẽ được tư vấn việc làm, hỗ trợ học nghề và nhận trợ cấp thất nghiệp. Những trợ giúp quý giá đó nhằm khuyến khích người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.

Trịnh Hùng