Tăng lương, tăng mức đóng BHXH … thuộc 11 điểm nhấn của lĩnh vực LĐ-TB&XH năm 2016
(Dân trí) - Năm 2016 đang đi tới những ngày cuối cùng, Chuyên mục Việc làm Báo Dân trí xin được gửi tới bạn đọc chuỗi bình chọn 11 điểm nhấn ấn tượng nhất phản ánh hoạt động của lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội trong năm 2016.
1. Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/1/2016
Luật BHXH có hiệu lực với nhiều quy định mới, như: Lần đầu tiên, luật mới bổ sung chế độ thai sản cho lao động nam , như: Chồng được nghỉ 5 ngày làm việc trong trường hợp vợ sinh thường, 7 ngày khi vợ sinh phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi…
Từ 1/1/2016 đến hết năm 2017, mức đóng bảo hiểm xã hội được tính trên mức lương cộng với phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. (Trước đó chỉ tính bảo hiểm xã hội trên mức lương ghi trong hợp đồng lao động)…
2. Áp dụng mức lương cơ sở mới 1.210.000 đồng từ ngày 1/5/2016
Từ ngày 1/5/2016, mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội có tính chất đặc thù ở Trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện, ở cấp xã và lực lượng vũ trang…là 1.210.000 đồng/tháng. Mức lương trước đó là 1.150.000 đồng/tháng.
3. Ban hành quyết định tăng thêm 7,3 % lương tối thiểu
Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2016/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng mới áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2017 như sau: Vùng I: 3.750.000 đồng/tháng; vùng II: 3.320.000 đồng/tháng; vùng III: 2.900.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương tối thiểu vùng hiện nay khoảng 180.000-250.000 đồng/tháng, tuỳ theo từng vùng.
4. Điều chỉnh mức trợ cấp và tăng lương hưu
- Thông tư 23/2016/TT - BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH điều chỉnh mức lương hưu và trợ cấp cho nhiều đối tượng bắt đầu có hiệu lực từ 1/9/2016.
Theo đó, lương hưu sẽ tăng thêm 8 % tùy theo từng nhóm đối tượng. Người lao động đang nhận trợ cấp dưới 2.000.000 đồng sẽ được đồng loạt nâng lên mức 2.000.000 đồng/tháng.
5. Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ ngày 1/7/2016
Với nhiều quy định mới, như: Mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động hàng tháng là 1% của quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động là cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức…
Đối tượng hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được mở rộng: Bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng…
6. Tiếp nhận lại lao động Việt Nam sang thị trường lao động Hàn Quốc
Thông qua Lễ ký kết “Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS” trong năm 2016, việc đưa lao động VN làm việc theo hợp đồng tại Hàn Quốc đã được nối lại sau gần 4 năm tạm dừng.
Trước đó, việc đưa lao động bị tạm dừng vì số lượng lao động VN hết hợp đồng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc quá lớn.
Bản ghi nhớ có hiệu lực ngay sau khi ký, thời gian triển khai cho giai đoạn đầu là 2 năm. Số lượng lao động VN được tiếp nhận từ Bản ghi nhớ có thể tăng lên, phụ thuộc vào công tác vận động lao động cư trú bất hợp pháp hồi hương của phía VN thực hiện tốt.
7. Hơn 126.000 lao động đã đi làm việc ở nước ngoài, vượt 26 % chỉ tiêu của năm 2016.
Kết quả dựa trên nền tảng thực hiện một số năm qua cũng như chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trong năm 2016. Cụ thể, việc nối lại công tác đưa lao động sang thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc (ký lại Bản ghi nhớ đặc biệt vào tháng 5/2016) và tăng cường đưa lao động sang Nhật Bản (kết quả đàm phán với Nhật Bản vào tháng 12/2016), cơ hội của lao động VN được tăng thêm trong năm 2016 và các năm sau. VN đang đưa 37.000 người lao động sang làm việc tại Nhật Bản, chiếm tỷ lệ 31% tổng số lao động đưa đi xuất khẩu trong năm 2016 và đứng đầu trong số các nước đưa tu nghiệp sinh sang Nhật Bản.
8. Triển khai “quy trình thí điểm giải quyết theo từng tình huống” về công nhận người có công tại 5 tỉnh
Bộ LĐ-TB&XH thí điểm áp dụng hướng xử lý hồ sơ đề nghị công nhận người có công, nhất là hồ sơ thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng hàng chục năm qua theo “quy trình thí điểm giải quyết theo từng tình huống” ở 5 tỉnh: Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng và Long An.
Theo đó, quy trình rút gọn và xử lý các trường hợp cá biệt trên cơ sở các quy định hiện hành, trong đó đề cao sự giám sát của nhân dân, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí truyền thông.
Các địa phương giải quyết bằng cách công khai về chủ trương chính sách trong việc xử lý, lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ý kiến của các bậc lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, người hoạt động cùng thời kỳ với người được xem xét hồ sơ. Đồng thời, công khai lấy ý kiến trong chi bộ Đảng, các hội đồng, xác nhận người có công từ cấp cơ sơ tới cấp tỉnh, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương
Sau một thời gian nhất định, nếu người dân không có đơn từ khiếu nại, thì trình Bộ LĐ-TB&XH cho ý kiến và tiến hành xem xét công nhận...
9. Bàn giao chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ LĐ-TB&XH
Nghị quyết số 76/NQ-CP của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016 đã quyết định giao chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Giáo dục đào tạo sang Bộ LĐ-TB&XH.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2017, Bộ LĐ-TB&XH thực hiện chức năng quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên).
Đồng thời, Bộ GD&ĐT bàn giao nguyên trạng cho Bộ LĐ-TB&XH chức năng quản lý nhà nước đối với 534 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (không tính các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên các cấp); nguyên trạng chức năng quản lý nhà nước đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại các trường đại học và các cơ sở giáo dục khác (không tính lĩnh vực đào tạo giáo viên); Hồ sơ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; Các đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp…
10. Công bố lần đầu và lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động 2012
Dự thảo có nhiều điểm mới, như: Đưa ra 2 phương án điều chỉnh tuổi hưu, theo đó: Phương án 1 giữa nguyên tuổi hưu của nam là 60 và nữ là 55 như hiện nay, phương án 2 là tăng tuổi hưu của nam lêm 62 tuổi và nữ là 60 tuổi, theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng.
Đưa ra 2 phương án tăng giờ làm thêm: Phương án 1: Tăng số giờ làm thêm không quá 600 giờ/năm. Phương án 2: Người lao động có thể làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ…
11. Đề xuất giảm 1 % mức đóng với Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Bộ LĐ -TB&XH, việc giảm 1 % tỉ lệ đóng (giảm ở mỗi Quỹ là 0,5 %), tương ứng với khoảng kinh phí 5.400 tỉ đồng/năm. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh, tạo thêm nguồn việc làm và không làm ảnh hưởng tới cân đối của 2 Quỹ trên trong vài năm tới.
Hoàng Mạnh