Tăng lương cho “người giỏi”: Có thu hút được nguồn lực cho giảng dạy?

Tăng lương và chế độ đãi ngộ cho “người giỏi” liệu có thu hút họ chuyên tâm vào công tác giảng dạy đang là bài toán khó đối với các trường ĐH, CĐ.

Việc chăm lo đời sống cho đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Làm sao có thể sống được bằng lương cũng là mong mỏi của đông đảo đội ngũ nhà giáo gửi tới tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Tuy nhiên, trong trả lời phỏng vấn báo Điện tử VOV.VN mới đây, Bộ GD-ĐT cho biết, với ngân sách Nhà nước có hạn và còn khó khăn thì việc tăng lương cho giáo viên, nhà giáo không thể tăng đồng loạt mà nên ưu tiên vào một số đối tượng. Một trong những đối tượng được ưu tiên tăng lương là người giỏi, có nhiều đóng góp trong giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục phải được khen thưởng xứng đáng.

Sự ưu tiên tăng lương như vậy là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là sự khuyến khích đó có thực sự thu hút được “người giỏi” tham gia vào công tác giảng dạy hay không? Bởi vì hiện nay, người có chuyên môn, năng lực, có học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư, giáo sư giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) rất ít. Bằng chứng là hầu như năm nào, Bộ GD-ĐT cũng phải dừng tuyển sinh một số ngành đào tạo ở nhiều trường ĐH, CĐ vì không có đủ giảng viên cơ hữu (giảng viên giảng dạy ổn định, nằm trong biên chế của trường).


Việc tăng lương cho người giỏi phải khuyến khích họ tham gia vào công tác giảng dạy (ảnh minh họa)

Việc tăng lương cho người giỏi phải khuyến khích họ tham gia vào công tác giảng dạy (ảnh minh họa)

"Người giỏi" không muốn giảng dạy...

Rõ ràng, các trường ĐH đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ rất nhiều. Tuy nhiên, có người học chỉ lấy tấm bằng làm căn cứ để “thăng quan tiến chức” chứ không thích giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ. Như vậy, việc đào tạo trình độ sau đại học được mở rộng về quy mô nhưng các trường vẫn thiếu giảng viên đạt trình độ cao sẽ là một sự lãng phí rất lớn cho ngành Giáo dục.

Không chỉ thiếu giảng viên giỏi có trình độ cao phục vụ công tác giảng dạy mà các trường ĐH, CĐ còn đang đứng trước tình trạng đội ngũ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư đang bị “vơi đi” vì họ đến tuổi nghỉ hưu.

Với hơn 440 trường ĐH, CĐ thì có đến 350 trường thuộc hệ thống trường công lập mà đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị cao về hưu thì các trường sẽ mất dần đi “cánh chim đầu đàn” hướng dẫn lực lượng nghiên cứu sinh trẻ tuổi kế cận phát triển ngành nghề trong tương lai.

Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh tiếp tục cử những giảng viên đã đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đi học tập ở bậc cao hơn, nhiều địa phương đã thực hiện chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” từ nơi khác về nghiên cứu, giảng dạy. Theo đó, có tỉnh như Bạc Liêu chẳng hạn đã đưa ra chính sách thu hút người giỏi về trường ĐH giảng dạy trong vòng 5 năm với mức hưởng ban đầu cho giáo sư là 500 triệu đồng, phó giáo sư là 400 triệu đồng, tiến sĩ 300 triệu đồng kèm theo những phụ cấp khác.

Tuy nhiên, để có được những giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành đầu đàn không phải là dễ. Nguyên nhân là có những tỉnh xa xôi kèm theo những điều kiện về cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp, công nghệ ở địa phương chưa được phát triển nên những người có học vị, học hàm cao nếu muốn công tác tại đó cũng phải cân nhắc về địa lý xa xôi, môi trường để họ nghiên cứu, phát huy tài năng.

Để trọng dụng và thu hút đội ngũ cán bộ, giảng viên giảng dạy và cống hiến trong lĩnh vực giáo dục, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết tăng tuổi nghỉ hưu cho giảng viên có học hàm, học vị. Theo đó, thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm. Trong thời gian kéo dài, giảng viên sẽ được hưởng lương và các chính sách, chế độ khác như giảng viên cơ hữu.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn khuyến khích những nhà khoa học, người có học hàm, học vị cao cộng tác với các trường ĐH, CĐ trong giảng dạy và hướng dẫn đội ngũ nghiên cứu sinh kế cận. Mặt khác, Bộ còn nhiều lần đề xuất với Chính phủ tăng lương cho đội ngũ giảng viên có trình độ cao.

Rõ ràng, các giải pháp để đào tạo, thu hút và phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao đều được Chính phủ và Bộ GD-ĐT thực hiện. Thế nhưng, các trường ĐH, CĐ vẫn đang thiếu trầm trọng giảng viên có trình độ, chuyên môn cao.

Bất cập này rõ ràng không chỉ còn nằm ở chính sách lương bổng, ưu đãi mà còn là ở cơ chế tuyển dụng, đề bạt cán bộ có trình độ cao vào ngành Giáo dục và ý thức đóng góp trí tuệ của những “người giỏi” đối với công tác giảng dạy, cống hiến cho sự phát triển giáo dục của đất nước./.

Theo Bích Lan/VOV.VN