Tăng lao động sang Nhật
Ông Nguyễn Gia Liêm - Tham tán Đại sứ quán, Trưởng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản - cho biết Việt Nam đang đàm phán với Nhật Bản để mở thêm ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang tập trung chấn chỉnh thị trường Nhật Bản, mục tiêu là tăng lao động Việt Nam sang đây. Ông đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác lao động giữa 2 nước?
Theo báo cáo của Cơ quan Hợp tác lao động quốc tế của Nhật Bản (JITCO), hiện có 115.000 công dân, lao động Việt Nam cư trú và làm việc tại nước này. Riêng năm 2015, có 34.000 lao động sang Nhật theo chương trình thực tập sinh và khoảng 10.000 người đi theo diện kỹ sư, hợp đồng cá nhân.
Số lượng lao động Việt Nam sang Nhật gia tăng đều trong những năm qua. Từ vị trí thứ 5, hiện Việt Nam đã vươn lên thứ 2 về số lượng lao động đang làm việc tại Nhật, chỉ đứng sau Trung Quốc (312.000 người).
Việt Nam và Nhật Bản đang thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, trong đó có quan hệ hợp tác lao động. Với quan hệ tốt đẹp và thuận lợi, dự báo năm nay, Việt Nam tiếp tục đưa được trên 30.000 lao động sang Nhật.
Thay đổi chính sách nào trong năm 2016 của Nhật Bản có lợi cho lao động Việt Nam, thưa ông?
- Bộ Tư pháp Nhật Bản đã đệ trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật về Xuất nhập cảnh và Công nhận tị nạn, trong đó có việc điều chỉnh chương trình thực tập sinh, theo hướng tăng thời hạn tu nghiệp từ 3 năm lên 5 năm.
Lao động Việt Nam trúng tuyển sang Nhật Bản làm việc. Ảnh: KHUÊ ANH
Dự kiến trong năm nay, Quốc hội Nhật Bản sẽ thông qua dự luật này. Việc tăng thời hạn tu nghiệp không chỉ giúp doanh nghiệp Nhật Bản duy trì nhân công trong tình hình thiếu hụt lao động mà còn giúp lao động Việt Nam có nhiều thời gian nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề cũng như tích lũy thu nhập.
Thời gian qua, Việt Nam tích cực đàm phán để Nhật Bản mở rộng thêm ngành nghề tiếp nhận lao động. Kết quả cụ thể như thế nào?
- Hiện Nhật Bản chỉ tiếp nhận lao động nước ngoài vào thực tập và làm việc ở 72 ngành nghề. Thời gian qua, chúng ta đã đàm phán và được phía Nhật Bản cho phép tiếp nhận lao động ở một số ngành nghề. Riêng trong năm 2015, Nhật Bản cho phép Việt Nam cung ứng lao động ở các lĩnh vực làm cơm hộp, may ghế nệm ô tô, trồng cây ăn quả.
Trong năm nay, Bộ LĐ-TB-XH và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tiếp tục đàm phán với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Y tế và Phúc lợi Nhật Bản để nước bạn mở rộng thêm một số ngành nghề khác. Cụ thể, với lĩnh vực nông nghiệp, ngoài trồng rau, chúng ta muốn họ tuyển dụng thêm ở công đoạn đóng gói, chế biến nông sản. Sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản phát triển theo mô hình hiện đại và việc người lao động tham gia cả quy trình này sẽ rất có lợi cho chúng ta.
Ngoài ra, chúng ta cũng đang đàm phán để mở rộng tuyển dụng ở lĩnh vực bán lẻ. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam rất muốn học hỏi từ Nhật Bản nhằm phát triển thị trường bán lẻ trong nước.
Báo chí Nhật Bản thông tin lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước này đang có chiều hướng tăng lên. Thông tin này có chính xác? Ông đưa ra khuyến cáo gì?
- Đúng là vừa qua, một số tờ báo ở Nhật thông tin về vấn đề này. Cụ thể, trong tổng số 5.800 lao động nước ngoài phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ở lại Nhật Bản có 1.700 lao động Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Tư pháp Nhật Bản để nắm rõ con số bỏ trốn, từ đó kiến nghị các biện pháp ngăn chặn.
Bộ LĐ-TB-XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tập trung chấn chỉnh thị trường Nhật Bản, trong đó có việc yêu cầu doanh nghiệp tăng cường quản lý lao động. Đây là việc làm cần thiết để chúng ta phát triển ổn định thị trường chủ lực này.
Tăng cường quản lý thực tập sinh
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều vụ việc bắt giữ lao động Việt Nam tại Nhật Bản do có hành vi bỏ trốn. Gần đây nhất, 3 lao động bỏ trốn bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của TP Sendai, tỉnh Miyagi - Nhật Bản trục xuất về nước.
Trước tình hình này, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường quản lý thực tập sinh. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng khuyến cáo người lao động cần tuân thủ luật pháp, không nên sang Nhật Bản tìm việc bằng các con đường không chính thống như du học, du lịch trá hình rồi bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp.
Theo Duy Quốc/Báo Người lao động