1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền:

"Tăng 26% lao động đi xuất khẩu, ổn định chính sách bảo hiểm xã hội"

(Dân trí) - Trong những ngày đầu xuân Bính Thân 2016, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã dành thời gian chia sẻ với PV Báo điện tử Dân trí về những điểm mới trong chính sách lao động, bảo hiểm, tiền lương của năm 2015 và kế hoạch triển khai trong năm 2016.


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền ra sân bay Nội Bài (Hà Nội) tặng hoa người lao động đi XKLĐ từ Lybia về Việt Nam.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền ra sân bay Nội Bài (Hà Nội) tặng hoa người lao động đi XKLĐ từ Lybia về Việt Nam.

Thưa Bộ trưởng, năm 2015 đã qua đi với nhiều thành tích của ngành LĐ-TB&XH như công tác tạo việc làm, xuất khẩu lao động…

Năm 2015, ngành LĐ-TB&XH đã tạo cơ hội đi làm việc nước ngoài cho 120.000 lao động, vượt khoảng 26% so với kế hoạch đặt ra (kế hoạch là 95.000) và bằng 113% so với năm 2014 (số đưa đi năm 2014 là 106.840). Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đưa được trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đóng góp vào số lao động đưa đi nêu trên thì Đài Loan và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường có tỷ trọng lớn nhất, trong đó Đài Loan khoảng 70.000 (chiếm gần 60%) và Nhật Bản trên 26.000 lao động (chiếm gần 22%). Các thị trường truyền thống vẫn tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam là Malaysia (trên 7.000), Hàn Quốc (gần 6.000 người), Ả rập Xê út (gần 4.000)…

Việc ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với Thái Lan và việc Thái Lan cho phép hợp pháp hóa lao động Việt Nam làm việc cho 4 ngành nghề cũng sẽ là điểm mới cho thị trường tiếp nhận lao động của Việt Nam. Về đưa lao động tay nghề cao, năm 2015 chúng tôi đã đưa 100 ứng viên điều dưỡng sang Đức và 150 ứng viên điều dưỡng sang Nhật.

Cuối năm vừa qua, các cơ quan chức năng của ngành đã khá quyết liệt để thực hiện các biện pháp giảm tỉ lệ lao động VN cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Vậy, công tác này đã triển khai tới nay ra sao, còn những vướng mắc gì?

Hàn Quốc là thị trường trọng điểm tiếp nhận lao động của Việt Nam. Hiện có gần 55.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc với thu nhập từ 1.000 -1.500 USD/tháng. Tuy nhiên, một tỷ lệ khá lớn trong số này là lao động làm việc bất hợp pháp.

Thời gian vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng với các bộ, ngành và địa phương thực hiện quyết liệt, như: Ký quỹ với người lao động; lập Văn phòng quản lý lao động tại Hàn Quốc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động cư trú bất hợp pháp về nước; hỗ trợ người lao động tái hòa nhập, tìm việc làm mới trong nước; tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lên 80-100 triệu đồng…

Bộ đang cử các đoàn công tác về làm việc với các địa phương có nhiều lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc để chỉ đạo, quán triệt và yêu cầu các địa phương tích cực hơn trong việc đẩy mạnh vận động lao động về nước, tìm các giải pháp tạo việc làm cho lao động về nước và các biện pháp phù hợp khác nhằm giảm hơn nữa số lao động bất hợp pháp của địa phương tại Hàn Quốc.

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát các tỉnh có nhiều lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có biện pháp hạn chế tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với những địa phương này.

Năm 2015 cũng là năm ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành khác thực hiện việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công. Đây là việc làm lớn và tác động tới nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội, thưa Bộ trưởng?

Chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công đã giúp cho các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công được đầy đủ, công bằng. Qua đó, Chương trình còn giúp chỉ ra những thiếu sót, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách để có biện pháp khắc phục.

Có thể khẳng định việc triển khai Chương trình tổng rà soát chính sách người có công với cách mạng đã đạt được mục tiêu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg và Chương trình phối hợp số 4836/Ctr-BLĐTBXH-MTTW giữa Bộ LĐ-TB&XH, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN.

"Qua rà soát cho thấy, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công của các cấp, các ngành về cơ bản là đúng: 95,75% đối tượng đã được hưởng đầy đủ chế độ chính sách; 4,16% còn hưởng chưa đầy đủ và 0,09% hưởng sai chế độ, chính sách" - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.

Tới thời điểm này, sau khi tiến hành tổng kết Chỉ thị 23/CT-CP thì sau công tác rà soát vẫn còn một số vướng mắc như: Khắc phục thiếu sót trong thực hiện chính sách đối với người có công; giải quyết các hồ sơ còn tồn đọng.

Đây là những vấn đề sắp tới đòi hỏi Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương xây dựng giải pháp khắc phục, nhằm góp phần giải quyết một cách cơ bản những thiếu sót, bất cập trong thực hiện chính sách người có công.

Sau ngày 1/1/2016, Luật BHXH ban hành năm 2014 có hiệu lực. Bộ trưởng đánh giá ra sao về lợi ích của người lao động khi triển khai Luật này?

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bổ sung nhiều điểm mới có lợi hơn cho người lao động, đó là: Diện bao phủ của chính sách BHXH được mở rộng hơn; quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản; quy định trợ cấp một lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội; chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; chế độ hưu trí bổ sung... nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động được thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Còn thách thức, thưa Bộ trưởng?

Đúng là việc triển khai thực hiện chính sách sẽ đặt ra không ít những khó khăn, thách thức. Người lao động, người sử dụng lao động chưa thật sự chủ động tham gia BHXH sẽ là một thách thức để tăng độ bao phủ và tính tuân thủ tham gia BHXH khi thực thi các quy định này. Việc ban hành kịp thời, đồng bộ hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH để tổ chức thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, việc thực hiện đòi hỏi sự công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan tới việc quản lý đối tượng đóng, hưởng các chế độ đối với người lao động; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người lao động.

Thưa Bộ trưởng, năm 2016 là điểm nhấn đánh dấu việc Việt Nam áp dụng cách đánh giá mới khi đo lường mức độ nghèo giai đoạn 2016-2020 với tiêu chuẩn nghèo đa chiều. Vậy điều cần lưu ý trong việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới này là gì, thưa Bộ trưởng?

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 về phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Đến cuối tháng 1/2016, các tỉnh, thành phố sẽ báo cáo chính thức việc tổ chức điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo mới. Đây là cơ sở để thực hiện các chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Tiêu chí giảm nghèo đa chiều sẽ đánh giá thực chất hơn. Tuy nhiên để đảm bảo thực hiện các chính sách giảm nghèo theo hướng mới, công tác triển khai cần lưu ý thường xuyên cập nhật tiến độ thực hiện, bổ sung hướng dẫn kịp thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các địa phương trong tổ chức điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo; Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương; đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư những địa bàn đặc biệt khó khăn, (huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi).

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng

Hoàng Mạnh thực hiện