1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tấn công thị trường thu nhập cao

Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam đã và sắp “tấn công” vào được một số thị trường mới hấp dẫn, nơi mà thu nhập của người lao động rất cao, các quyền lợi được bảo đảm.

Đáng kể trong những thị trường đó là Mỹ, Anh, Canada, Italia, Ảrập...

 

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Thanh Hoà khẳng định, việc xúc tiến mở thêm thị trường mới là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xuất khẩu lao động năm 2005. Ông Hoà nhấn mạnh sẽ khuyến khích các doanh nghiệp mở những thị trường có thu nhập cao như Châu Âu và Bắc Mỹ...

 

Ông cho rằng, nếu chỉ trông vào thị trường truyền thống thì rất nguy. Như Đài Loan chẳng hạn, khi lãnh thổ này ngừng tiếp nhận lao động giúp việc gia đình và khán hộ công thì ngay lập tức hàng loạt doanh nghiệp lao đao...

 

Lương cao ngất ở Bắc Mỹ và Châu Âu

 

Cách đây hơn một tháng, lần đầu tiên có 9 nông dân Việt Nam sang Mỹ làm nghề nông theo diện visa H-2A do Công ty Airserco đưa đi.

 

Trước đó, Công ty Vinamex cũng đã phối hợp với Trung tâm Horizon (Mỹ) tuyển chọn lao động cho chương trình thực tập sinh ở Mỹ. Giám đốc Vinamex Bùi Hải Hoà cho biết, người lao động làm việc 18 tháng, hưởng lương 1.250 - 1.600 USD/tháng. Những lao động trên chính là những người đầu tiên cắm mốc đánh dấu việc Việt Nam bước vào một thị trường lao động hoàn toàn mới.

 

Công ty Sona mới đây cũng ký được hợp đồng đưa lao động đi Canada. Ông Lê Quang Đạt - Giám đốc Sona - cho biết mức lương lao động được hưởng là 1.500 USD/tháng (đã trừ mọi chi phí ăn ở, thuế, bảo hiểm và chưa tính tiền thưởng, tiền làm thêm giờ).

 

Trong thời gian làm việc (ba năm), người lao động được cấp thẻ lao động của Canada và được phép bảo lãnh vợ con sang sinh sống, học tập (miễn phí), tìm việc làm hợp pháp. Đây chỉ là "hợp đồng thí điểm", nếu thực hiện tốt, phía Canada sẽ tăng thêm chỉ tiêu. Canada cũng đang thực hiện chương trình này với lao động Trung Quốc, Philippines.

 

Một tin cũng rất đáng quan tâm, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có thể ngay trong năm nay, Việt Nam và Italia sẽ ký thoả thuận về hợp tác lao động. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Tralacen - một trong những doanh nghiệp đầu tiên khảo sát và tìm kiếm hợp đồng tại Italia - đánh giá, Italia là thị trường tốt, người lao động làm việc theo hợp đồng 3 năm, nếu làm tốt, chủ sử dụng có thể bảo lãnh cho ở lại đến 6 năm và tiếp tục bảo lãnh cho ở lại đến khi tròn 50 tuổi, bảo lãnh để mang cả vợ, chồng hoặc con sang...

 

Hấp dẫn Trung Đông

 

Cuối tháng 9/2005, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng đã đi khảo sát một số nước ở khu vực Trung Đông. Hiện khu vực này đã và đang thu hút hàng triệu lao động nước ngoài đến làm việc, chủ yếu trong ngành xây dựng, sản xuất ở nhà máy.

 

Tuy nhiên, Việt Nam hiện mới chỉ có vài nghìn lao động làm việc ở UAE. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đây là thị trường tiềm năng cần được mở rộng. Riêng Saudi Arabia có thể tiếp nhận 100.000 lao động Việt Nam, với mức lương cho lao động kỹ thuật là 400 - 1.000 USD/tháng. Một điều thuận lợi tại thị trường Trung Đông là người lao động không bị đánh thuế thu nhập.

 

Ngoài ra, thị trường này có thể tiếp nhận cả người lao động có tay nghề, lao động phổ thông và lao động giúp việc nhà. Mới đây nhất, Airserco nhận được chỉ tiêu đưa 2.000 lao động các nghề phổ thông, dịch vụ, xây dựng... đi làm việc tại Dubai (UAE).

 

Cũ mà mới

 

Hàn Quốc - một thị trường cũ thời gian qua cũng đã có thêm một số kênh tiếp nhận lao động mới (ngoài kênh tu nghiệp sinh nhà máy trước đây), đó là: Chương trình Thẻ vàng (dành cho lao động kỹ thuật cao và chuyên gia), chương trình cấp phép lao động mới, tu nghiệp sinh nông nghiệp và xây dựng.

 

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngày 12/11 tới đây là thời điểm các doanh nghiệp của Hàn Quốc sang Việt Nam trực tiếp tuyển lao động theo chương trình Thẻ vàng tại 5 công ty: Vạn Xuân, Châu Hưng JSC, LOD, Vietcom, và Sona. Đây là một kênh hoàn toàn mới. Người lao động sẽ được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như lao động bản địa.

 

Theo ông Trần Hồng Hà (Phòng xuất khẩu lao động, Công ty Vạn Xuân), Công ty này đã nhanh chóng đưa được hàng trăm lao động nông nghiệp sang Hàn Quốc với mức lương khoảng 800 - 1.000USD. Công ty Simco, theo Chủ tịch Hội đông quản trị Chu Minh Tuấn, cũng đã đưa được trên 200 lao động xây dựng, trong kế hoạch 700 người năm 2005.

 

Theo ông Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Hàn Quốc Kwon Hong Sa trong chuyến thăm Việt Nam mới đây cũng đã ký bản ghi nhớ với Tổng hội Xây dựng Việt Nam khẳng định sẽ giúp đỡ các công ty thành viên của mình cùng thực hiện các dự án xây dựng và đưa tu nghiệp sinh...

 

Còn Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh thì nói: "Từ tháng 8/2004 đến nay, Trung tâm Hợp tác lao động thuộc cục cũng đã đưa được 7.000 người sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép lao động mới"...

 

Theo Lao Động