Tài xế công nghệ khổ sở khi đi đâu cũng bị xua đuổi, kỳ thị
(Dân trí) - Các tài xế công nghệ trên thế giới đồng loạt chia sẻ về không ít khó khăn, thách thức của nghề trong bối cảnh bão hòa nhân lực ở lĩnh vực này, mức cạnh tranh ngày càng lớn.
Nghỉ ngơi là điều xa xỉ
Tờ Rest Of World (Mỹ) đã khảo sát 104 tài xế, nhân viên giao hàng và người dọn dẹp trên các ứng dụng tại 10 thành phố Dhaka, Hà Nội, Hồng Kông, Jakarta, Johannesburg, Karachi, Lagos, Mexico City, Nairobi và São Paulo, để tìm hiểu về tần suất nghỉ giải lao, cách sinh hoạt khi làm việc của họ.
Theo đó, hơn 50% số người bị cảnh sát, chủ và bảo vệ của các trung tâm thương mại, nhà hàng xua đuổi.
Basil Faraz, một tài xế xe công nghệ ở Karachi (Pakistan), chia sẻ anh thường nghỉ mát trên những tảng đá hoặc dưới nền gạch, nơi có bóng mát trong thành phố.
"Rõ ràng là tôi không thể vào bên trong một trung tâm mua sắm có máy lạnh để nghỉ ngơi. Họ sẽ nhìn tôi và bảo tôi biến đi, Basil chua chát nói.
Theo Tariq Noor, một tài xế giao hàng đến từ Karachi, đồng phục của tài xế chính là thứ khiến họ bị miệt thị. Người đàn ông 39 tuổi nói rằng: "Nếu tôi mặc chiếc áo này, đi đến bất cứ nơi nào thì tôi cũng bị xem thường. Ngược lại, nếu tôi đến một cửa hàng và không mặc chiếc áo này, tôi sẽ được đối xử tốt hơn và không bị yêu cầu phải đợi bên ngoài.
Ngoài ra, hơn 33% số người trong khảo sát cho rằng họ hầu như không hề nghỉ giải lao, dù chỉ thư giãn một chút. Ngay cả khi có thời gian, những tài xế không thể thư giãn vì lúc nào cũng lo sợ bị quấy rối và cướp bóc.
Gần một nửa số người được hỏi cho biết họ từng bị quấy rối và cướp trong lúc đang ngủ ở các trung tâm thương mại, nhà hàng, bãi đậu xe và khu dân cư.
Ở một số quốc gia, luật pháp cấm tài xế công nghệ làm việc quá 8 tiếng/ngày. Vì thế, các tài xế thường tận dụng làm việc cho nhiều ứng dụng cùng lúc, đôi khi họ làm việc đến 19 tiếng/ngày.
Theo Tobias Kuttler, cộng tác viên nghiên cứu tại Fairwork, một dự án lao động của Viện Internet Oxford và Trung tâm Khoa học Xã hội WZB Berlin, trung bình tài xế làm việc 17 tiếng/ngày.
"Họ thường làm việc trong tình trạng bị thiếu ngủ, sức khỏe kém và phải dùng thuốc giảm đau", Kittler nói.
Có gần 435 triệu tài xế trên toàn cầu và các cuộc khảo sát đều chỉ ra rằng nghỉ ngơi đối với họ là một điều xa xỉ. Nhiều tài xế cho hay họ không có khả năng, điều kiện để nghỉ ngơi mặc dù cơ thể đã kiệt quệ.
Trần Văn Tú, tài xế xe công nghệ tại Hà Nội, chia sẻ rằng anh làm việc 13-16 tiếng/ngày. Nhờ đó, thuật toán của ứng dụng sẽ cho anh nhiều đơn hàng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn.
Để tối đa hóa thời gian di chuyển trên đường, một số tài xế ở Nairobi (Kenya) chọn không về nhà vào ban đêm. Thay vào đó, họ ngủ trong những chiếc ô tô đậu tại Sân bay Quốc tế Jomo Kenyatta, nơi có nhà tắm và chỗ ngủ miễn phí.
Đưa ra nhiều giải pháp
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cho thấy các nữ tài xế xe công nghệ thường dễ bị tổn thương hơn khi đi làm.
Angela Chukunzira, nhà hoạt động và nhà nghiên cứu lao động tại Thư viện Ukombozi ở Kenya, cho hay một số nữ tài xế còn phải chật vật tìm chỗ thay băng vệ sinh. Thậm chí, họ phải trả thêm tiền để được sử dụng nhà vệ sinh ở trung tâm thương mại. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng nữ giới làm nghề này sẽ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Sophia Ibrahim Gedo (40 tuổi), một tài xế công nghệ ở Nairobi, đã phải nhịn đi vệ sinh trong thời gian dài, đến mức tưởng chừng như không nhịn được nữa. Thông thường, Gedo sẽ tìm trạm xăng, trung tâm mua sắm hoặc nhà hàng gần nhất để đi vệ sinh, nếu may mắn được người quản lý ở đó cho phép.
Có lúc, cô dừng ở trạm xăng thì nhà vệ sinh đã bị khóa. Khách hàng của cô ngày càng mất kiên nhẫn nên Gedo quay lại xe và tiếp tục lái trong cơn buồn vệ sinh kinh khủng.
Phượng Mùi Mấy (26 tuổi, ngụ tại TP Hà Nội) chia sẻ rằng cô từng bị một người qua đường quấy rối khi đang chờ lấy hàng. Vì thế, giờ đây cô chỉ dám dừng xe khi có những đồng nghiệp khác hoặc có đông người đứng gần.
Ở một số thành phố, các tài xế xe công nghệ đã tự gom góp tiền, xây dựng các lều trại tạm thời bằng gỗ hoặc lều để cùng đến nói chuyện, nghỉ ngơi, ăn uống.
Tại Việt Nam, hơn 100 nhà hàng, quán cà phê ở TPHCM cũng treo biển nhà vệ sinh miễn phí cho người lao động. Tại São Paulo, nền tảng giao đồ ăn iFood cung cấp hơn 170 "điểm hỗ trợ" tại các nhà hàng.
Nhưng phần lớn các điểm này chỉ cung cấp nước, nhà vệ sinh và không gian để chờ gọi món cho tài xế. Họ không cung cấp nơi nghỉ ngơi hoặc bố trí các tiện ích như lò vi sóng hay cổng sạc điện thoại.
Ngoài ra, các ứng dụng như InDrive, Grab,… cũng đã vận hành các phòng chờ cho tài xế để họ được nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi trong quá trình làm việc.