Tại sao người lao động Nhật mất niềm tin chủ doanh nghiệp?
Chỉ 22% người lao động Nhật có niềm tin mạnh mẽ vào chủ doanh nghiệp của họ...
Công việc làm trọn đời có thể là một điều tuyệt vời mà nhiều người lao động trên thế giới mơ ước. Thế nhưng đó phải là khi họ thích công việc đó, còn nếu không thích thì càng ở lâu trong công ty, họ càng cảm thấy khó chịu.
Đó là cảm giác của nhiều người lao động Nhật, theo kết quả báo cáo nghiên cứu của công ty kiểm toán Ernst & Young, được Bloomberg đăng tải.
Theo E&Y, chỉ 22% người lao động Nhật có niềm tin mạnh mẽ vào chủ doanh nghiệp của họ, mức thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng trung bình của 8 nước mà E&Y thực hiện khảo sát và rất thấp so với mức chung của toàn cầu.
8 nước được E&Y nêu tên trong báo cáo nghiên cứu lần này bao gồm: Brazil, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Mexico, Anh và Mỹ. Trong khi tại các nước khác, tỷ lệ người lao động tin chủ doanh nghiệp và đồng nghiệp dao động từ trên 40% đến hơn 60% thì tỷ lệ đó tại Nhật lại thấp đáng ngạc nhiên.
Không những không tin chủ doanh nghiệp, người lao động Nhật cũng không tin tưởng vào đồng nghiệp và nhóm làm việc chung. Tỷ lệ 21-22% tại Nhật đặc biệt thấp nếu so với Ấn Độ hay Mexico. So với các nước trong khu vực châu Á, tỷ lệ người Nhật tin sếp và đồng nghiệp cũng chỉ bằng một nửa.
Trước đó, hãng bán lẻ Aon của Nhật và công ty truyền thông Edelman cũng đã thực hiện khảo sát và thu được kết quả tương tự.
Từ khi lên nhậm chức, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã rất cố gắng đưa ra nhiều chương trình với mục tiêu minh bạch hóa môi trường doanh nghiệp Nhật. Những thông tin mà báo cáo của E&Y đưa ra không khỏi khiến nhiều người bất ngờ bởi nó khác hoàn toàn so với những gì đã được truyền thông về Nhật trước đó.
Năm 1995, tác giả Francis Fukuyama tại đại học Standford, Mỹ, đã viết cuốn sách với tựa đề “Trust: The Social Virtues and the Creation of Prosperity” với nội dung chính về một xã hội Nhật giàu đức tin. Cuốn sách đó suốt nhiều năm đã tác động đến suy nghĩ của không ít người trên thế giới về xã hội Nhật.
Trong doanh nghiệp Nhật tồn tại quan hệ thứ bậc rất khắt khe. Đó là kể cả không có việc gì để làm nhưng nhân viên vẫn buộc phải ngồi lại văn phòng nếu sếp chưa về.
“Quan điểm mọi thứ đều phải tuân lệnh sếp sẽ không có giá trị nếu chính sếp là người không tuân thủ tốt các quy định”, giám đốc bộ phân nghiên cứu tại Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, ông Marcus Noland, nhận xét.
Tuy nhiên, cũng theo phân tích của E&Y, việc người lao động Nhật không tin chủ doanh nghiệp và đồng nghiệp có thể bắt nguồn từ việc kinh tế Nhật đã ở trong tình trạng suy giảm trong thời gian quá lâu, đến hơn hai thập kỷ. Những nước đạt được thành tích tăng trưởng kinh tế cao như Ấn Độ hay Mexico đều có tỷ lệ người lao động tin vào chủ doanh nghiệp và đồng nghiệp cao.
Theo chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại E&Y, bà Karyn Twaronite, một trong những yếu tố có thể "hủy diệt" niềm tin của người lao động vào chủ doanh nghiệp chính là việc người chủ không thực hiện đủ những cam kết đã đưa ra trước đó với người lao động. Trong khi với văn hóa Nhật, người Nhật luôn yêu cầu rất gắt gao về việc giữ cam kết cũng như minh bạch hóa mọi vấn đề.
Theo VNeconomy.vn