1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

An toàn lao động:

Tai nạn lao động đang gia tăng, lặp lại về tính chất nghiêm trọng

“Vụ đổ cần cầu ở Hải Phòng, sập hầm tại Hòa Bình làm 2 người chết, 2 bị thương ngày 18/11 đã dấy lên nhiều lo ngại về công tác an toàn lao động. Có dấu hiệu cho thấy việc tái xuất hiện các vi phạm đã từng diễn ra với mức độ nguy hiểm hơn…”.


Hiện trường vụ sập mỏ than ở Hòa Bình hôm 18/11. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Hiện trường vụ sập mỏ than ở Hòa Bình hôm 18/11. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với PV Báo Dân trí về 2 vụ tai nạn lao động liên tiếp diễn ra tại Hải Phòng và Hòa Bình hôm 18/11.

Thưa ông, trong ngày 18/11 đã xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn lao động gây chết người tại Hải Phòng và Hòa Bình, gây ảnh hưởng không tốt tới dư luận. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Ngày 18/11 đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động gây chết và làm bị thương nhiều người tại Hải Phòng và Hòa Bình. Qua báo cáo nhanh của địa phương cho thấy, việc vi phạm an toàn lao động đang có xu hướng gia tăng và lặp lại về tính chất nghiêm trọng.

Vụ sập cần cẩu ở Hải Phòng, vụ sập mỏ than ở Hòa Bình là tình trạng lặp lại của sập cần cẩu ở Hà Nội cuối năm 2014 và đầu năm 2015, vụ sập mỏ than ở Quảng Ninh năm 2014.

Qua khảo sát ban đầu cho thấy, các chủ sử dụng lao động tại các nơi làm việc có nhiều dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn, vận hành và các quy chuẩn trong hoạt động và sản xuất.

Riêng chiếc cần cẩu gây tai nạn ở Hải Phòng mới được một công ty kiểm định của Bộ Xây dựng kiểm định tại hiện trường và chưa công bố kết quả cuối cùng.

Vụ tai nạn cần cẩu tại Hải Phòng và sập hầm mỏ ở Hòa Bình vừa qua, dấu hiệu vi phạm này thể hiện ra sao, thưa ông?

Mặc dù nguyên nhân chính thức sẽ được cơ quan chức năng công bố sau này, nhưng có nhiều dấu hiệu có thể khẳng định ngay được.

Như vụ sập mỏ than ở Tân Lạc (Hòa Bình) diễn ra ở một vùng khoáng sản có lịch sử là khai thác than thổ phỉ từ hàng chục năm trước. Việc khai thác này đã để lại rất nhiều mối nguy hiểm, cụ thể là những hố tích nước, bùn đất và rất khó kiểm soát về độ ổn định địa chất.

Trong khi đó, đơn vị khai thác không đủ năng lực khảo sát, không có những biện pháp kiểm soát đầy đủ rất dễ xảy ra tai nạn, rất dễ xảy ra sập lò. Khi tiến hành khảo sát với những vùng lò trước kia đã có sẵn và nền đất yếu, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp chống đỡ và công nghệ hiện đại như tại Quảng Ninh thì các tai nạn sẽ khó xảy ra.

Liên quan đến vụ sập cần cẩu tại Hải Phòng. Với những thiết bị nâng có tầm hoạt động rộng đáng ra không được cho phép hoạt động trong những khung giờ có nhiều người qua lại. Đồng thời, việc lưu giữ các thiết bị cũng phải đảm bảo trong phạm vi công trường.


Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) 

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) 

Tuy nhiên, việc tai nạn xảy ra giữa buổi sáng cho thấy quy định này đã phần nào bị vi phạm.

Hai vụ tai nạn mới xảy ra có tính lặp lại những vụ tai nạn lớn trước đây. Điều này chứng tỏ công tác giám sát của cơ quan quản lý địa phương và ý thức chấp hành của chủ sử dụng lao động tại các công trình chưa tốt?

Để giảm tai nạn lao động, Cục An toàn lao động đã có nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền pháp luật cũng như huấn luyện cho cả người đào tạo, người lao động và chủ sử dụng lao động về những việc cần làm nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

Tuy nhiên, sự việc trên cũng cho thấy thực tế là công tác giám sát còn chưa được thường xuyên và thực chất.

Nếu như thời gian trước đây, chúng ta tăng cường tuyên truyền, giám sát thì tình hình có thuyên giảm. Nhưng do cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu nhân lực trong công tác thanh tra.

Mặt khác, nếu cơ quan quản lý chưa chú ý đến tăng cường kiểm tra sẽ khiến các doanh nghiệp sao nhãng công tác an toàn tại công trình xây dựng. Thực  tế sự cố nghiêm trọng đã xảy ra.

Tai nạn lao động đang gia tăng, lặp lại về tính chất nghiêm trọng - 3

Qua vụ sập hầm ở Hòa Bình cho thấy việc cấp phép và thẩm định công trình khai thác dường như còn chưa đi đôi với nhau. Ông có ý kiến gì về điều này?

Hiện nay vấn đề cấp phép cho hoạt động kinh doanh nói chung cũng như hoạt động khai thác mỏ, các công trình chủ yếu là các cơ quan chuyên ngành.

Các cơ quan ngành LĐ-TB&XH chỉ được tham gia ở khâu hậu kiểm. Tức là các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra rồi mới tiến hành kiểm tra, chứ không tham gia từ đầu khi phê duyệt dự án đó. Đây là một thực tế cần điều chỉnh.

Từ nay tới khi Luật An toàn vệ sinh lao động sẽ có hiệu lực (1/7/2016), chúng tôi sẽ ban hành các văn bản quy định yêu cầu các đơn vị liên quan có báo cáo đánh giá rủi ro để kiểm soát những nguy cơ tai nạn từ nguồn, ngay trong quá trình lập các báo cáo hoặc khi phê duyệt các dự án.

Vì như vậy, kèm theo quá trình phê duyệt dự án đó có những đánh giá về nguy cơ mất an toàn khi chúng ta xây dựng án cũng như tiến hành sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Mạnh (thực hiện)

TIN LIÊN QUAN:

Quy định bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Nghị định quy định về trách nhiệm tham gia bảo hiểm bắt buộc, điều kiện triển khai bảo hiểm bắt buộc…trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất của công trình xây dựng phát sinh từ mọi rủi ro, trừ các tổn thất quy định.

Tai nạn lao động đang gia tăng, lặp lại về tính chất nghiêm trọng - 4

Thời hạn bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc tư vấn đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định của pháp luật. Số tiền bảo hiểm tối thiểu, đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng. Đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng, số tiền bảo hiểm tối thiểu bằng giá trị hợp đồng tư vấn, thiết kế. Đối với bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường, số tiền bảo hiểm tối thiểu 100 triệu đồng/người/vụ. Mức bồi thường cụ thể trong trường hợp người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Nghị định có hiệu lực ngày 10/2/2016.

H.T

Hà Nội:  23 vụ tai nạn lao động làm chết 25 người

Đây là số liệu thống kê sơ bộ của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2015 đến nay. Tình hình này dấy lên lo ngại về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn lao động tại các công trình thi công. Hà Nội đang có rất nhiều công trình cao tầng được thi công bằng cẩu tháp. Ẩn họa từ tai nạn cẩu tháp là rất khó lường. Một số vụ tai nạn đáng lo ngại gần đây đã xảy ra, như: Vụ sập cần cẩu và một vụ tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông; vụ cần cẩu đang vận hành bất ngờ đổ sập tại công trình xây dựng Tòa nhà Lilama (Hà Nội)… UBND thành phố Hà Nội cùng các đơn vị chức năng đã có nhiều nỗ lực đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn những vụ tai nạn lao động có thể xảy ra. Được biết, năm 2014, Hà Nội Là một trong những địa phương có số vụ tai nạn lao động cao của cả nước với 132 vụ, trong đó có 33 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 34 người…

V.M

Mỗi năm phát hiện 7.000 người mắc bệnh nghề nghiệp

Trung tuần tháng 12/2015 tại TP. HCM, Cục quản lý môi trường y tế (Bộ y tế) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tai nạn thương tích, vệ sinh lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2011-2015, định hướng 2016-2020 khu vực phía nam.

Tai nạn lao động đang gia tăng, lặp lại về tính chất nghiêm trọng - 5

Hội nghị là dịp đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm về những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2011-2015 và đề xuất định hướng công tác công tác vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020. Trung bình một năm có khoảng 2-3 triệu lượt người lao động được khám sức khỏe định kỳ. Tỉ lệ người lao động có sức khoẻ loại loại 4 và 5 chiếm trên 10%, tăng hơn so với giai đoạn 2006 - 2010; trung bình mỗi năm khám bệnh nghề nghiệp cho gần 100.000 người lao động, phát hiện 7.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, và có 500 trường hợp được giám định bệnh nghề nghiệp, trong đó có 8,2% người lao động được hưởng trợ cấp 1 lần, và 34,8% người lao động được hưởng trợ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp còn một số hạn chế: Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực còn rất thiếu, chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu nhiệm vụ…

V.K