Sinh viên giúp việc nhà

Sáng thứ bảy, 5h45, khi cả phòng còn say ngủ, Ngô Thị Trang (ký túc xá Trần Hưng Đạo, Q.1, TPHCM) đã dậy từ lâu, lặng lẽ kiểm tra lại lần nữa những vật dụng hành nghề: bộ đồ bộ mặc ở nhà, chiếc khẩu trang ngăn bụi...

Chạy sô cuối tuần

Địa chỉ đầu tiên cô SV này ghé ở chung cư Hồ Văn Huê (P.9, Q. Phú Nhuận), nhà chị Thùy Linh, lô A... Địa chỉ thứ hai, chung cư Hoàng Văn Thụ, lầu 6... Trang cho biết: “Tranh thủ hai ngày cuối tuần, chạy sô buổi sáng hai chỗ, tối một chỗ”.

Không chỉ Trang, riêng dãy lầu 3 của Trang hiện có hơn mười bạn đi phụ việc nhà vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Ngô Thị Minh Nguyệt (SV năm 4 ĐH Luật TPHCM) cho biết: “Mình từng đi dạy kèm, tiếp thị tour du lịch, bán bảo hiểm xe máy... Muốn có một công việc ổn định sao khó quá!”.

Hơn một năm nay, Nguyệt chạy sô phụ việc cho hai gia đình vào thứ hai, tư, sáu và ba, năm, bảy (17giờ-19giờ), cũng kiếm được 600.000 - 700.000 đồng/tháng. Có ngại không? Nguyệt cười: “Phụ việc nhà đang là phong trào trong SV. Lớp mình chạy sô đầy!”.

Trong khu trọ đoạn gần cầu Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) cứ đến cuối tuần là xôn xao chạy sô ở cư xá Thanh Thanh, cư xá Thanh Đa, chung cư Miếu Nổi... Nhiều sô nên có lúc kẹt, phải cầu cứu nhau! Mỗi giờ phụ việc được trả thấp nhất 7.000 đồng; chỉ cần mau mắn, nhanh nhẹn, thang giá cũng không cứng nhắc: 15.000 đồng/hai giờ, làm tốt chủ hào phóng chi “đẹp” 10.000 -15.000 đồng/giờ. Trong lúc các gia đình tìm người giúp việc đỏ con mắt, SV nhảy vào cuộc là một giải pháp.

Chị Nguyễn Thị Thu (chung cư 43 Hồ Văn Huê, P.9, Q. Phú Nhuận) nói như khoe: “Chị may mắn chứ nhà bên cạnh tuyển hoài mà không được”. Hương (ĐH Công nghiệp TPHCM) mau mắn lại cẩn thận nên chị Thu giới thiệu cho gia đình bên cạnh: làm cho nhà chị bốn giờ, làm cho nhà kia hai giờ.

Thay bộ đồ bộ đem theo từ nhà, Hương nhanh nhẹn bắt tay vào việc: bỏ quần áo vào máy giặt, quét dọn hai phòng ngủ, phòng khách, lau cửa kiếng, đồ dùng gia đình, nấu ăn, rửa chén bát, cuối cùng là ủi đồ. Hương đề nghị với chị Thu mỗi tuần nên “nhấn” một điểm: tuần này ưu tiên lau chùi trang thiết bị điện tử, tuần sau đến cửa kiếng, tiếp đến là nhà bếp...

“Làm được hai tháng nay, mình học được cách... xả tủ lạnh, sử dụng máy giặt, cách lau chùi đồ điện tử... Con gái biết tề gia nội trợ thế này cũng là điều cần thiết mà” - cô nữ SV ĐH Công nghiệp này cười, không giấu giếm “mục đích” thứ hai của mình.

“Trong nhờ đục chịu”?!

Hiện nay, bình quân mỗi tuần Trung tâm Hỗ trợ SV TPHCM có nhu cầu khoảng 20 SV làm công việc giúp việc nhà. Loại việc này mới rộ lên hơn một năm nay.

Giới SV chuyên “săn việc làm thêm” thì xôn xao chuyện giá cả, địa bàn...

“Theo giờ hay theo tháng thì cũng là... ôsin thôi!”. Nhiều thành kiến vẫn còn rất nặng nề. “Lau cửa kiếng gì mà nhanh vậy. Thấy vậy chứ bụi bám nhiều lắm, em lau lại cho chị rồi ra ủi đồ”.

N.L. cười... méo xẹo: “Chưa đâu! Có ngày chủ nhà kéo nhóm bạn 10 người về nhà nhậu. Phải dọn rửa cả đống ly tách, vỏ chai bia, nước ngọt...”. Đó là chưa nói những việc “phát sinh ngoài ý muốn” (theo cách nói của chị chủ) ngày càng nhiều: N.L. từ phụ việc nhà đã kiêm luôn đi chợ, nấu ăn...

Tuy nhiên, “việc cần người” nhiều hơn “người cần việc” nên SV có ưu thế để lựa chọn. Mỗi ngày cả chục người gọi đến: người đăng ký, người hối thúc..., nhiều SV bắt đầu biết “ra giá”: chỉ chọn gia đình ít người và làm một loại việc (hoặc dọn dẹp, hoặc nấu ăn, hoặc chỉ đưa đón trẻ và cho trẻ ăn) và kèo nài thù lao.

Chị Vân (đường Trần Hưng Đạo, Q.1) khổ sở hơn tháng mới tìm được một SV nhưng “lúc đầu giá 180.000 đồng, tăng lên 250.000, rồi 300.000 đồng/tháng (tuần ba buổi, buổi hai tiếng) mà cô giúp việc vẫn chưa hài lòng”. Thậm chí trả 300.000 đồng/tháng (tuần hai buổi) như chị Bình (CMTT, P.5, Q. Tân Bình) vẫn không giữ nổi họ.

Nhưng cũng có SV đã khéo léo hòa mình vào không khí gia đình chứ không chỉ làm “kỹ thuật” thuần túy. Chiều thứ bảy, khi chúng tôi tìm đến một căn hộ ở cư xá Thanh Thanh (đường D1, P.25, Q. Bình Thạnh), mới nhìn qua không ai nghĩ là người giúp việc và chủ nhà vì hai bên cứ tíu tít huyên thuyên đủ chuyện từ cơ quan, lớp học đến giá gạo, giá thịt...

Chị Trân - chủ nhà - cười giải thích: “Nhà có hai vợ chồng, nhiều lúc muốn có một người để “tám cho vui”. Nhặt rau, vo gạo, phụ nấu các món ăn… Hai tiếng đồng hồ chị Trân trả cho cô SV 16.000 đồng, có bữa đưa luôn 20.000 đồng; hôm nào trả hôm đó “cho khỏi mất công”.

“SV không ngại khó khăn, nhưng thành “phong trào” rồi thì rất nên tập huấn kỹ năng giao tiếp, giải quyết va chạm khi chén... bể, nhà dơ...” - các SV phụ việc nhà bày tỏ với chúng tôi như thế.            

Theo Tần Vy
Tuổi Trẻ