1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Nam:

Sau lũ lớn, nông dân hối hả khôi phục rau màu cung ứng Tết

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Mất trắng sau những đợt bão lũ liên tiếp, nông dân tại các làng rau Quảng Nam gượng dậy để khắc phục thiệt hại và xuống giống toàn bộ diện tích để phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2021 sắp đến.

Giữa tháng 12, vùng trồng rau chuyên canh Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam), thủ phủ rau sạch của Quảng Nam, bùn non vẫn còn bám chặt trên các tuyến đường bê tông.

Sau lũ lớn, nông dân hối hả khôi phục rau màu cung ứng Tết - 1

Bên cạnh chuẩn bị vụ đông, người dân cũng đang tất bật xuống giống để phục vụ thị trường Tết sắp đến

Ở vùng trồng rau rộng hơn 40 ha với 300 hộ dân tham gia sản xuất, đây là vựa rau quả lớn nhất cung cấp nguồn hàng cho cả Quảng Nam lẫn TP Đà Nẵng. Sau nhiều đợt bão lũ dồn dập, những cánh đồng rau xanh tốt chạy dọc triền sông Thu Bồn đã không còn "diện mạo" cũ, thay vào đó là khung cảnh tả tơi, xơ xác.

Sau lũ lớn, nông dân hối hả khôi phục rau màu cung ứng Tết - 2

Những giàn tre bị cuốn trôi sau lũ lớn, người dân dựng lại để cây leo choái

Hàng chục ha bí đao, đu đủ, dưa leo, khổ qua, đậu ve... xuống giống phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021 ở Bàu Tròn hư hại nặng, nông dân không trở tay kịp.

Sau lũ lớn, nông dân hối hả khôi phục rau màu cung ứng Tết - 3

Sau những thiệt hại nặng nề của bão lũ, người dân lại gượng dậy để khôi phục sản xuất

Khi lũ đi qua, tranh thủ những lúc nắng ráo, nông dân vùng bãi biền Vu Gia, Thu Bồn lại vất vả kéo bùn non, thu dọn lưới bạt trong mớ hỗn độn.

Khoảng gần 2 tháng sau thiên tai, lũ lụt, các diện tích cao ráo đã được khôi phục xong, những rãnh, luống rau quả trở nên thẳng tắp, mầm xanh đã kịp bao phủ. Nhiều thửa ruộng trồng mướp, khổ qua, đậu tây, dưa leo cũng đã cao hơn đầu gối, bắt đầu bò choái.

Những chân ruộng thấp do đất còn ẩm ướt nên công tác xuống giống trở lại có phần chậm hơn; song cơ bản đã có hơn 70% diện tích đã xuống giống xong.

Sau lũ lớn, nông dân hối hả khôi phục rau màu cung ứng Tết - 4

Để tiết kiệm tiền cây giống sản xuất, người dân tự ươm giống

Ông Nguyễn Năm - 60 tuổi (trú thôn Phú Phước, xã Đại An) - cho biết, nhà ông trồng 2 sào với 500 cây đu đủ đang kỳ ra quả. Thường thì mỗi cây đu đủ hái được khoảng gần 100 kg. Nhưng do đợt đợt lũ vừa qua khiến toàn bộ bị ngã đổ hư hỏng dẫn đến trắng tay.

Sau lũ lớn, nông dân hối hả khôi phục rau màu cung ứng Tết - 5

Mầm xanh dần phủ kín những cánh đồng

Đu đủ ra quả phải mất khoảng 6 tháng, ngoài công sức bỏ ra chăm sóc cũng tốn hàng triệu đồng tiền mua phân bón. Thế rồi nước lũ dâng lên quá nhanh gây ngập dẫn đến ngã đổ hoặc bị thối rễ.

Sau lũ lớn, nông dân hối hả khôi phục rau màu cung ứng Tết - 6

Tất bật đánh luống, bên cạnh những thiệt hại do bão lũ thì cánh đồng rau cũng được bồi lấp bởi phù sa, kỳ vọng một vụ mùa xanh tốt

"Giờ trồng đu đủ thì không kịp, nên tôi canh tác khổ qua, mướp, dưa leo… để cung ứng thị trường Tết sắp đến. Chưa có năm nào như năm nay, dịch bệnh khiến giá rau quả giảm thê thảm, không có đầu ra, rồi sau bão lũ vừa qua khiến rau màu gần như mất trắng thì giá cả lại tăng cao. Tôi xuống giống cũng gần hai tháng rồi, các loại la-ghim đang leo giàn, nhưng nghe nói sẽ còn mưa kèm theo gió rét không biết có bị ảnh hưởng không, giờ chỉ biết cố chăm sóc, phân bón mong cây tươi tốt để gỡ gạc phần nào", ông Năm mong mỏi.

Sau lũ lớn, nông dân hối hả khôi phục rau màu cung ứng Tết - 7

Đã có hơn 70% diện tích tại vùng chuyên canh rau Bàu Tròn-xã Đại An đã xuống giống xong, sẵn sàng cung ứng vụ đông và dịp Tết

Bà Nguyễn Thị Mười (thôn Phú Phước, xã Đại An) chia sẻ, đợt bão số 9, số 13 và các đợt lũ liên tiếp khiến nhiều hộ trồng rau quả ở đây bị thiệt hại nặng nề.

"Nhà tôi trồng 8 sào dưa leo, khổ qua, mướp, đậu tây cũng bị hư sạch, toàn bộ choái bị cuốn sạch, thiệt hại gần 20 triệu đồng. Gần 2 tháng nay tôi xuống giống xong 8 sào đất, chủ yếu cũng vẫn là giống khổ qua, bí đao, mướp, đậu tây, dưa leo bán vụ đông và còn ít bán tết", bà Mười nói.

Sau lũ lớn, nông dân hối hả khôi phục rau màu cung ứng Tết - 8
Sau lũ lớn, nông dân hối hả khôi phục rau màu cung ứng Tết - 9

Tại làng rau Trà Quế, cánh đồng rau đã lên xanh, người dân chuẩn bị xuống giống phục vụ Tết Nguyên đán

Ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch xã Đại An, huyện Đại Lộc - cho biết: "Qua thống kê sơ bộ, mưa lũ đã gây thiệt hại 180 ha hoa màu; ngô, đu đủ, chuối bị thiệt hại nặng nhất. Xã đã giao cho hợp tác xã nông nghiệp Đại An hỗ trợ người dân về cơ chế, giá cả và kiến nghị lên huyện để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, giúp họ yên tâm tiếp tục sản xuất vụ mùa tiếp theo".

Trong những trận mưa lũ vừa qua, huyện Đại Lộc có hơn 790ha bị thiệt hại, trong đó cây lúa 31ha còn rau màu, củ quả các loại hơn 499ha, cây trồng hằng năm hơn 115ha… ước tính thiệt hại hơn 55 tỷ đồng.

Tất bật khôi phục sản xuất tại vùng chuyên canh rau Quảng Nam

Không chỉ cánh đồng rau Bàu Tròn, ở Quảng Nam còn có làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP Hội An) nổi tiếng với hơn 200 hộ trồng rau chuyên cung ứng cho thị trường Hội An, các siêu thị lớn tại Đà Nẵng... cũng gần như bị mất trắng. Nhiều hộ nông dân vì thế rơi vào tình cảnh đối mặt nhiều gian truân trong việc tìm lại sinh kế sau bão lũ.

Bà Nguyễn Thị Hoa - người dân làng rau Trà Quế chia sẻ: "Tôi trồng các loại xà lách, húng quế, rau muống… đều hư hại hoàn toàn sau mưa bão. Hiện tại các luống rau đã được khôi phục cung ứng thị trường, còn rau phục vụ Tết thì chuẩn bị xuống giống. Nghe thông tin thời tiết sẽ mưa rét nên cũng khá lo lắng, hết dịch bệnh khiến bế tắc đầu ra rồi tới mưa bão, chưa năm nào người dân gặp khó như năm nay".