Sắp có Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề giúp việc gia đình ở Việt Nam

Thị trường lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam đang có khoảng trống rất lớn khi thiếu bảng danh mục công việc.

Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề - Tổng cục Dạy nghề và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng đang lấy ý kiến tham vấn 06 nhóm công việc vào danh mục đơn vị năng lực nghề giúp việc gia đình ở Việt Nam, tiến tới hoàn thiện Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng đối với nghề này để công bố trên toàn quốc vào tháng 8 tới đây. Đây là nội dung trong vừa được công bố tại Hội thảo diễn ra chiều nay 20/3/2015 tại Hà Nội.

Theo đó, nghề giúp việc gia đình được đánh giá tổng quan là một nghề làm các việc nhà, không liên quan đến hoạt động thương mại, bao gồm 06 nhóm đơn vị năng lực là: chế biến món ăn - đồ uống; lau dọn nhà - sân vườn; Giặt - là; chăm sóc trẻ sơ sinh - trẻ nhỏ; chăm sóc người cao tuổi - người bệnh; và chăm sóc vật nuôi - cây cảnh thông thường trong gia đình. Các nhóm đơn vị này được phân chia thành 22 công việc với 82 nhiệm vụ cụ thể trong gia đình.

Trao đổi về cách tiếp cận của nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề cho biết, đã có nhiều khó khăn nảy sinh do tính chất rất đặc thù của nghề giúp việc gia đình.

Ông Nguyễn Quang Việt nói: “Phạm vi của nghề này là phi chính thức, người sử dụng lao động là các gia đình mà trong một gia đình có nhiều nhu cầu khác nhau. Người ta phải làm cho nhiều gia đình, nhiều vùng miền, khác biệt về vùng miền, tập quán nên rất khó khăn để tìm ra điểm chung của nghề này. Chính vì vậy chúng tôi chỉ xác định những cái chung nhất như cách tiếp cận của ILO”.

Góp ý tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề 20/10, hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, bảng danh mục sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng các chương trình đào tạo nghề ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đồng tình với ý kiến này, ông Ngô Xuân Liễu, Phó trưởng phòng phòng Thị trường Lao động, Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh xã hội cũng nhấn mạnh thêm, hiện nay, sự kết nối cung - cầu của thị trường lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam đang có khoảng trống rất lớn khi thiếu bảng danh mục công việc. Điều này dẫn đến tình trạng các trung tâm giới thiệu việc làm ở nước ta phải rất loay hoay trong việc kết nối nhu cầu. Bởi vậy, bộ Tiêu chuẩn này càng chi tiết sẽ càng mang ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống./.

Theo VOV.VN