Sáng 3/11: 112 câu hỏi trực tuyến về BHXH, BHYT, BHTN được giải đáp

(Dân trí) - “Các nội dung về mức lương đóng BHXH, điều chỉnh khám chữa bệnh BHYT, quyền lợi khi đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp…được nhiều bạn đọc gửi về buổi giao lưu. Điều này cho thấy sự quan tâm lớn của dư luận tới việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp”.

Sáng 3/11: 112 câu hỏi trực tuyến về BHXH, BHYT, BHTN được giải đáp - 1

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH VN, cho biết về Buổi giao lưu trực tuyến giải đáp chính sách BHXH, BHYT trên Trang tin điện tử BHXH Việt Nam (www.baohiemxahoi.gov.vn) sáng ngày 3/11, tại Hà Nội.

Việc làm xin trích lại một số phần hỏi - đáp về lĩnh vực BHXH, BHTN và BHYT được thực hiện tại Buổi giao lưu trên.

Nghỉ 14 ngày liền kề, có được đóng BHXH trong tháng không?

Tôi được biết theo quy định BHXH người lao động nghỉ từ 14 ngày trở lên trong tháng thì công ty và người lao động không phải đóng BHXH, BH thất nghiệp trong tháng đó.

Nếu trường hợp người lao động xin nghỉ không lương 2-3 tháng nhưng bản thân người lao động vẫn có nguyện vọng tham gia BHXH và xin nộp tiền (32.5% lương, bằng mức đóng tháng trước khi nghỉ) nhờ công ty đóng hộ như bình thường thì công ty có được phép đóng hộ không?

Trường hợp người lao động nghỉ ốm trên 14 ngày/tháng và có nguyện vọng tham gia BHXH thì công ty có được phép thu tiền NLĐ để đóng bảo hiểm tháng đó không? (Bạn đọc từ địa chỉ email Tăng Thị Thu Lộc).

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 85 và Khoản 1 Điều 86 Luật BHXH năm 2014, hằng tháng người lao động đóng BHXH trên mức lương tháng, người sử dụng lao động đóng BHXH trên quỹ tiền lương của người lao động.

Do đó, trường hợp người lao động xin nghỉ không lương thì không có căn cứ để trích nộp BHXH tháng đó.

2. Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014, trường hợp người lao động không làm việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó.

Do đó, trường hợp nghỉ ốm trên 14 ngày thì không phải đóng BHXH tháng đó, không có căn cứ để người lao động tự nguyện đóng BHXH cả phẩn trích nộp của người sử dụng lao động.

Khoản nào trong lương phải trích nộp BHXH?

Tôi được biết từ năm 2016 - 2017, căn cứ đóng BHXH là tiền lương, tiền công và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng. Còn từ năm 2018 trở đi, căn cứ đóng BHXH là tiền lương, tiền công, phụ cấp lương và phụ cấp bổ sung.

Nhưng công ty tôi đang có thực tế là: Tiền lương ghi trong hợp đồng lại khác so với bảng thanh toán tiền lương hàng tháng.

Ví dụ cụ thể:

Trong hợp đồng ghi tiền lương cơ bản gồm: Phụ cấp xăng xe, chuyên cần, ăn ca, các khoản khác theo quy định.

Bảng thanh toán tiền lương hàng tháng có các khoản sau: Lương cơ bản, làm thêm giờ, phụ cấp tổ trưởng, phụ cấp thâm niên, xăng xe, ăn ca, chuyên cần, hỗ trợ nhà ở .

Các khoản khác, như: Tiền thưởng, khen thưởng con công nhân học giỏi, hỗ trợ ốm đau, gia đình khó khăn.

Câu hỏi 1: Như vậy, công ty tôi phải trích nộp BHXH các khoản nào nói trên, chỉ căn cứ vào hợp đồng lao động hay cả 2 (hợp đồng và bảng lương)?

Câu hỏi 2: Hiện nay công ty tôi chưa thực hiện đăng ký thang bảng lương với Phòng LĐTBXH huyện, khi giao dịch với cơ quan BHXH, họ yêu cầu công ty chúng tôi phải thực hiện đăng ký thang bảng lương để có căn cứ trích nộp BHXH.

Như vậy có đúng không? và nếu công ty chúng tôi chưa thực hiện đăng ký thang bảng lương thì công ty chúng tôi có được tham gia đóng BHXH không? (Bạn đọc từ địa chỉ email sach0612@gmail.com ).

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH năm 2014; Khoản 1 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc:

a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động (sau đây được viết là Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH).

Phụ cấp lương theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

b) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

c) Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.

Đối chiếu quy định nêu trên, căn cứ các khoản lương, phụ cấp lương ông (bà) đã nêu tại câu hỏi thì hiện nay khoản lương cơ bản, các khoản phụ cấp lương (tổ trưởng; thâm niên) làm căn cứ tính đóng BHXH theo quy định.

Ông (bà) căn cứ quy định nêu trên đề nghị đơn vị nơi làm việc thỏa thuận ghi tiền lương, phụ cấp lương nêu trên vào hợp đồng lao động để đóng BHXH theo đúng quy định.

2. Căn cứ quy định tại Khoản 6 Điều 7 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại doanh nghiệp và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất của doanh nghiệp để theo dõi, giám sát.

Vì vậy, cơ quan BHXH đề nghị Công ty của ông (bà) khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương phải gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện là đúng quy định.

Tham gia BHYT 5 năm liên tục, khi khám chữa bệnh theo hình thức dịch vụ được hưởng gì?

Cha mẹ tôi được cấp thẻ BHYT có thời hạn tham gia BHYT 5 năm liên tục của Bộ quốc phòng (chế độ thân nhân sỹ quan quân đội). Nơi đăng ký KCB ban đầu là: Trung tâm y tế huyện Hưng Nguyên - Nghệ An. Trong thời gian tới đây, mẹ tôi có kế hoạch thay đục thủy tinh thể tại Bệnh viên mắt trung ương (theo dạng dịch vụ).

Vậy, BHXH Việt Nam có thể tư vấn giúp tôi mẹ tôi có được hưởng các quyền lợi khi tham gia BHYT hay không? Mức hưởng BHYT là bao nhiêu và thủ tục như thế nào để được hưởng quyền lợi 5 năm liên tục trên thẻ. (Bạn đọc từ địa chỉ email: leminhtu238@gmail.com)

BHXH Việt Nam trả lời:

Điều kiện để được hưởng quyền lợi không cùng chi trả trong năm khi đi KCB đúng quy định:

- Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục tính đến thời điểm đi KCB;

- Có chi phí đồng chi trả lũy kế trong năm (tính từ thời điểm đủ 5 năm liên tục) lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (hiện nay là 7.260.000 đồng), không bao gồm chi phí đồng chi trả khi tự đi KCB không đúng tuyến.

Vì vậy, mẹ của Ông/Bà đến thay thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt Trung ương không có giấy chuyển viện (theo dạng dịch vụ) thì không được hưởng quyền lợi BHYT như đi KCB đúng tuyến mà chỉ được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí KCB.

Trường hợp mẹ của Ông/Bà có giấy chuyển tuyến đến Bệnh viện Mắt Trung ương thì được hưởng quyền lợi KCB BHYT đúng tuyến theo phạm vi quyền lợi được hưởng.

Bị ốm khi nghỉ không lương có được hưởng chế độ BHXH?

BHXH Việt Nam cho em hỏi, theo quy định Thông tư 59/2016, thời gian ốm trùng với thời gian nghỉ không lương thì không được thanh toán chế độ ốm đau.

Trong tháng 6/2016, em có bị ốm và xin nghỉ 10 ngày, sau đó xin nghỉ tiếp không lương ở nhà dưỡng bệnh. Vì thế BHXH phải báo giảm không lương cả tháng 6. Vậy em có thanh toán được chế độ ốm trong tháng 6 đó không?(Bạn đọc từ địa chỉ email tamnguyen012013@gmail.com)

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo hướng dẫn tại Điểm 1 Công văn số 3432/LĐTBXH- BHXH ngày 08/9/2016 của Bộ Lao động thương binh và Xã hội về việc thực hiện chế độ BHXH theo Luật BHXH năm 2014:

Người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau, mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương), mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo, người lao động vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Do vậy trường hợp của bạn được thanh toán chế độ ốm đau trong tháng 06/2016./.

Làm việc 18 năm 9 tháng, nghỉ hưu tính theo chế độ nào?

Tôi là nữ cán bộ chuyên trách ở xã phường có đủ 18 năm 9 đóng BHXH bắt buộc. Tháng 9/2016 tôi hưởng lương hưu. Vậy tỷ lệ hưởng lương hưu của tôi được tính từ năm thứ 16 trở đi mỗi năm được cộng thêm 3% theo khoản 2 Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP hay cộng thêm 2% theo khoản 4 Điều 56 Luật BHXH 2014? (Bạn đọc từ địa chỉ email thuyduong165@gmail.com)

BHXH Việt Nam trả lời:

Tại Khoản 4 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 quy định: “Mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 được tính theo số năm đóng BHXH và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH như sau: đủ 15 năm đóng BHXH tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này. Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%”.

Trường hợp của Bà là nữ cán bộ chuyên trách ở xã phường, hưởng lương hưu từ tháng 9/2016 được tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo quy định nêu trên.

Chế độ khám chữa bệnh cho người có công ra sao?

1. Mẹ tôi là nhân viên y tế của xã được nghỉ theo chế độ 130/CP và mẹ tôi được Chủ tịch nước tặng huy chương kháng chiến hạng Nhất. Như vậy, mẹ tôi thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Vậy mẹ tôi sẽ được cấp mã thẻ BHYT như nào là đúng? (mã thẻ hiện nay của mẹ tôi là XN 2). Có lần mẹ tôi đi KCB, nhân viên nhận thẻ bảo mã thẻ này không phải mã người có công nên không được hưởng theo quy định?

2. Theo như tôi tìm hiểu Luật BHYT - Điều 26: đăng kí KCB ban đầu thì người dân được đổi nơi đăng kí KCB ban đầu đến nơi mình đang sinh sống (kể cả tạm trú). Vì các con đang công tác và sinh sống ở Hà Nội, nên mẹ tôi phải chuyển ra sống cùng các con, nhưng không chuyển khẩu mà chỉ tạm trú và mẹ tôi muốn được đổi nơi đăng kí KCB ban đầu ra Hà Nội.

Mẹ tôi đã đề nghị nhiều lần với nơi được cấp thẻ là xã Thượng Lan, Việt Yên, Bắc Giang nhưng xã đều trả lời là Phòng BHXH huyện Việt Yên bảo không chuyển được. Vậy phải làm thế nào để chuyển được?

(Ông Đỗ Ngọc Tuấn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Về mã thẻ BHYT:

Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định, nhưng được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Theo đó, tại Quyết định số 1351/QĐ-BHXH thì mã ký hiệu của đối tượng cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước được ký hiệu là XN, còn mã quyền lợi hưởng của đối tượng có huy chương kháng chiến là số 2. Như vậy, mẹ ông được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT có mã thẻ XN 2 là đúng quy định.

Đối với các cơ sở KCB xác định mã quyền lợi hưởng của mẹ ông không phải là mã quyền lợi hưởng của người có công với cách mạng đề nghị ông cung cấp thêm thông tin để cơ quan BHXH yêu cầu cơ sở KCB đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT theo đúng mã quyền lợi ghi trên thẻ.

2. Đổi nơi đăng ký KCB ban đầu:

Theo quy định thì người tham gia BHYT được quyền đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB. Do đó, vào đầu mỗi quý đề nghị Ông mang thẻ BHYT còn giá trị sử dụng và giấy đăng ký tạm trú tại Hà Nội đến BHXH huyện Việt Yên để được hướng dẫn đổi nơi đăng ký KCB ban đầu phù hợp tại Hà Nội.

Hoàng Mạnh tổng hợp