Quy định về các mức đóng BHYT theo luật mới
Ông Cấn Đình Dũng, quê ở Thạch Thất (Hà Nội) hỏi: Gia đình tôi có thành phần cán bộ nhà nước, học sinh đi học phổ thông và người hưu trí. Vậy, việc tham gia BHYT sẽ theo những quy định nào? liệu có thể có mức đóng theo phí chung hay không?
Theo quy định tại Điều 13 Luật BHYT sửa đổi năm 2014, mức đóng BHYT sẽ tùy theo từng nhóm. Theo như lời ông nói, gia đình ông sẽ thuộc nhiều nhóm với mức đóng khác nhau.
1. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế được quy định như sau:
a) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014 tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;
b) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014 tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3;
c) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014 tối đa bằng 6% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;
d) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 12 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014 tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;
đ) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền trợ cấp thất nghiệp và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;
e) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng đối với người hưởng lương, tối đa bằng 6% mức lương cơ sở đối với người hưởng sinh hoạt phí và do ngân sách nhà nước đóng;
g) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 3 Điều 12 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014 tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do ngân sách Nhà nước đóng;
h) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm n khoản 3 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng đóng;
i) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng;
k) Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do đối tượng đóng theo hộ gia đình.
2. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014 thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014.
Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014 có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Trường hợp đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014 đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014 thì đóng bảo hiểm y tế theo thứ tự như sau: Do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, do ngân sách nhà nước đóng, do đối tượng và Ủy ban nhân dân cấp xã đóng.
3. Tất cả thành viên thuộc hộ gia đình theo quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014 phải tham gia bảo hiểm y tế. Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể như sau:
a) Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở;
b) Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
c) Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.