Khánh Hoà:

Phụ bếp, lái xe du lịch... "nhọc nhằn” mưu sinh mùa dịch Covid-19

(Dân trí) - Dịch Covid-19 khiến hàng ngàn lao động ở Khánh Hòa mất việc, trong đó đa phần là lao động ngành du lịch. Nhiều người là nhân viên, phụ bếp, tài xế chạy tour... nay “nhọc nhằn” tìm kế mưu sinh.

Phụ bếp, lái xe du lịch... nhọc nhằn” mưu sinh mùa dịch Covid-19 - 1

Một khu chung cư trên đường Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang vắng vẻ mùa dịch Covid-19

Trần Trọng T. (27 tuổi), quê Quảng Trị vào TP Nha Trang làm việc cho một nhà hàng gần 2 năm nay trên đường Trần Phú - con đường có nhiều khách sạn cao cấp men theo bờ biển. Thế nhưng, dịch bệnh bất ngờ xảy ra khiến T. phải mất việc, mất thu nhập.

Sáng nay (10/4), Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến bàn và thông qua gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự kiến, gói hỗ trợ nêu trên sẽ lên tới khoảng 62.000 tỷ đồng. 

“Mức lương phụ bếp của em được 5-6 triệu đồng/tháng. Nhưng vì dịch Covid-19, em đang nghỉ việc không lương 2 tháng qua. Trước lúc nghỉ làm, bên nhà hàng cũng có hỗ trợ cho các nhân viên mỗi người một suất quà như 10kg gạo, một thùng mì tôm, dầu ăn, bột ngọt...”, T nói.

Theo T, bên nhà hàng cho nghỉ 3 tháng không lương rồi tính tiếp. "Nói là 3 tháng chứ kỳ thực em nghĩ có thể sẽ lâu hơn", T mông lung nói.

Sau khi mất việc ở nhà hàng, T. chuyển sang chạy Grabbike để tìm kế sinh nhai. Chủ phòng trọ nơi T. tạm trú thấy hoàn cảnh khó khăn cũng giảm 50% tiền phòng cho anh.

Phụ bếp, lái xe du lịch... nhọc nhằn” mưu sinh mùa dịch Covid-19 - 2

Nhiều lao động trước đây làm trong ngành du lịch nay chuyển sang chạy grab công nghệ

Nói về công việc chạy xe grab tạm thời hiện nay, T nói như mếu: “Mùa dịch nên nhu cầu đi lại giảm hẳn, chẳng thấy ai đi đâu cả! Nếu may mắn thì mỗi ngày em chạy được 3-4 lượt, còn ít thì chỉ 1-2 lượt nên chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng mỗi ngày”.

Bởi hiện nay du khách nước ngoài thì về nước, người dân địa phương cũng ngại ra ngoài trong thời gian “cách ly xã hội” để phòng, chống dịch bệnh.

Tương tự, anh Duy H. (32) quê ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) vốn là một tài xế chạy xe du lịch 16 chỗ cho khách nước ngoài. Mức lương mỗi tháng 6-8 triệu đồng, chưa bao gồm phụ cấp. Thế nhưng dịch Covid-19 khiến nhà xe nơi anh làm tạm dừng hoạt động.

Phụ bếp, lái xe du lịch... nhọc nhằn” mưu sinh mùa dịch Covid-19 - 3
Phụ bếp, lái xe du lịch... nhọc nhằn” mưu sinh mùa dịch Covid-19 - 4

“Giờ về quê thì cũng chẳng biết làm gì và cũng không có tiền để trang trải cuộc sống. Do mất thu nhập, tôi đành phải trả phòng trọ để giảm chi phí, cũng như ở lại nhà người quen để chạy grab xe máy kiếm thêm thu thập, chứ giai đoạn này khó khăn quá”, anh D. tâm sự.

Ban đầu, trong tháng 2 và tháng 3, sau khi du khách nước ngoài về nước, các khách sạn ở Nha Trang đã cắt giảm nhân sự khiến lượng lao động trong ngành lưu trú, khách sạn mất việc.

Đến nay, Nha Trang triển khai các biện pháp “cách ly xã hội”, tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác như karaoke, quán bar, rạp phim, quán cà phê, tiệm trà chanh, quán ăn... Điều này khiến lượng lao động mất việc tăng lên.

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hoà (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa), trong tình hình diễn biến của Covid-19, nhóm lao động mất việc nhiều nhất ở Khánh Hòa thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn nhà hàng.

Phụ bếp, lái xe du lịch... nhọc nhằn” mưu sinh mùa dịch Covid-19 - 5

Đến đầu tháng 4, Trung tâm này đã chuyển sang tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị trợ cấp thất nghiệp bằng hình thức bưu điện, trực tuyến. Đến nay, Khánh Hòa đã có hàng nghìn lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong khi đó, đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp 3 tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tăng mới là hơn 1.500 người.

Tổng số người đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp đến tháng 3/2020 tại Khánh Hòa là hơn 3.700 người, với tổng số tiền phải chi trả là gần 40 tỷ đồng.

Thực hiện giao dịch bảo hiểm thất nghiệp qua bưu điện

Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa (Sở LĐ-TB&XH Khánh Hoà) vừa thông báo tạm dừng giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp và người lao động, đồng thời chuyển sang hình thức giao dịch qua đường bưu điện.

Thời gian tạm dừng được thực hiện từ ngày 1/4 -15/4.

Về tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần chuẩn bị: chứng minh nhân dân photocopy, bản sao có chứng thực các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, phô tô sổ bảo hiểm xã hội.

Sau đó thực hiện giao dịch qua các hình thức: gửi qua email công vụ dvvl.sldtbxh@khanhhoa.gov.vn hoặc bhtnkhanhhoa2016@gmail.com;

Về trả quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm sẽ thực hiện gửi qua đường bưu điện bằng thư bảo đảm cho người lao động có xác nhận phản hồi.

Liên quan tới thông báo việc tìm kiếm việc làm hàng tháng, người lao động thực hiện bằng các hình thức theo địa chỉ trên hoặc qua Zalo qua số điện thoại: 0867.159.101.

Cũng theo Trung tâm dịch vụ việc làm Khánh Hoà, sau ngày 15/4, người lao động phải cung cấp bản giấy để lưu hồ sơ. Đối với doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm thì qua số điện thoại: 0258.3510.199.

Hải Đăng