Phóng sự: Về làng cũ

“Tụi tui xuất thân từ làng, chỉ thạo nghề đi biển với làm vườn. Vô trong phố tìm biển mô ra mà thả lưới, đất mô để cắm cọng rau, nuôi con gà? Không quay lại đây thì còn cách chi nữa khi đầu đã hai thứ tóc?...”, ông Nguyễn Đức Em (55 tuổi, người dân làng Vân) bỏ lửng nỗi ngậm ngùi.

Người dân làng Vân trở về sau buổi đánh cá trưa tại làng cũ. Ảnh: Giang Thanh.
Người dân làng Vân trở về sau buổi đánh cá trưa tại làng cũ. Ảnh: Giang Thanh.

Những người dân làng Vân (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã quay về ngôi làng nghe tiếng sóng vỗ dưới chân đèo Hải Vân của họ sau cuộc di dân lịch sử vào tháng 5/2012. Cuộc sống nơi phố phường đem lại nhiều ánh sáng hơn nhưng không trút được gánh nặng áo cơm và cho họ sự an yên như những ngày xưa cũ.

Tìm đường mưu sinh

Sau ngày di dân, làng Vân rơi vào cảnh đìu hiu buồn tẻ, những mái nhà sát bên chân sóng đứng chơ vơ. Cả làng ngậm ngùi ra đi và không dám hy vọng ngày quay về vì đoán chắc chẳng bao lâu nữa, nơi đây sẽ thành khu du lịch sầm uất. Vậy mà lần này PV trở lại, chưa kịp nghe sóng vỗ rì rào thì tiếng cười nói của những người con làng cũ đã rộn lên. “Vẫn còn nhớ tui chứ? Tui quay lại đây mấy năm rồi!”, anh Nguyễn Đức (39 tuổi) vừa vỗ vai tôi vừa nhắc lại lần gặp cách đây 5 năm lúc anh đang dọn dẹp ngôi nhà mới ở phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu).

Trong căn lều nhỏ dựng bằng gỗ che vài tấm tôn đã thủng lỗ chỗ, anh Đức cùng vợ ngồi gỡ vội mớ cá mới kéo về. Chị Hường, vợ anh bảo vào trong phố ở đúng là con cái tiện học hành, nhà cửa nhộn nhịp cũng vui, nhưng vợ chồng chẳng biết làm chi.

Chị không ít lần đi xin làm công nhân, khổ nỗi không có tay nghề, hơn nữa nhiều nơi còn ái ngại ba chữ “dân làng Vân” (làng hủi) nên toàn nhận được cái lắc đầu. Sau vài tháng, anh Đức vác lưới về làng cũ, dựng lều làm lại nghề biển. Còn chị mỗi sớm ra lấy cá đi bán kiếm đồng ra đồng vào.

Anh Đức vừa đem mớ cá cất vào thùng đá, vừa tâm sự: “Mấy chục năm ni tui chỉ biết sóng nước lưới thuyền, sướng khổ đều nhờ biển. Chừ kéo tui lên bờ thì khác chi bắt cá lên cạn. Tui nhiều tuổi, không còn đủ thời gian để bắt đầu một nghề mới như lớp trẻ, chỉ có đường quay về đây mới gồng gánh nổi gia đình thôi”. Anh khoe những ngày biển êm, thuyền anh trúng cá bán được cả triệu đồng. Khoản tiền mà chuỗi ngày ở phố anh không dám mơ tới.

Bữa cơm ngập tiếng cười của vợ chồng ông Em - bà Liễu trước căn chòi nhỏ. Ảnh: Thanh Trần.
Bữa cơm ngập tiếng cười của vợ chồng ông Em - bà Liễu trước căn chòi nhỏ. Ảnh: Thanh Trần.

Căn chòi cạnh bên, chị Nguyễn Thị Dinh (40 tuổi) cũng “thất bại” với cuộc sống phố thị bởi mấy lần đi nộp đơn làm công nhân đều bị từ chối chỉ vì không đủ sức khỏe và không còn trẻ. Chán cảnh ngồi không, chị để lại 4 đứa con gái tự chăm nhau quay về làng cũ mưu sinh. Ngày ngày, thân cò đơn độc trèo ghe đánh cá.

Những ngày này, đang hè, mấy đứa con ra ở cùng mẹ, bày thêm gánh hàng trước căn chòi bán chai nước, hộp thuốc cho dân phượt xuống đây tham quan. “Trông cực rứa mà ngày mô tui cũng kiếm được ít chục, hên thì vài trăm ngàn. Ở trong nớ biết kiếm mô ra?”, chị bảo.

Trưa nắng, phía biển in đậm bóng người đàn ông đứng tuổi vác thúng đi về căn chòi khuất sau hàng cây nhãn rợp bóng. Ông Nguyễn Đức Em (55 tuổi) vừa đem về mẻ cá mòi tươi roi rói thì bà Liễu, vợ ông cũng vừa thảy xong rá thóc cho đàn gà.

“Tụi tui xuất thân từ làng, chỉ thạo đi biển, làm vườn, nuôi gà vịt. Vô trong phố muốn có nhúm đất cắm cọng rau cũng chịu, lưới thúng phơi đến mục. Không quay lại đây thì còn cách chi nữa?...”, ông Em bỏ lửng câu nói. Bây giờ, gà đã bán được mấy lứa, vịt đẻ trứng đầy lồng. Cuộc sống bỗng chốc dễ thở hơn khi đôi vợ chồng già kiếm được tiền từ đất cũ.

Ông Phạm Trưng, cán bộ văn hóa - xã hội phường Hòa Hiệp Nam, phụ trách khu tái định cư của họ làng Vân cho biết: “Từ khi di dân vào đây, phường hết sức tạo điều kiện cho an cư lạc nghiệp. Phường giới thiệu việc làm cho người dân, đồng thời cũng tạo điều kiện cho con em họ được học tập với nhiều chế độ ưu đãi, để họ hòa nhập tốt với cộng đồng.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ nghề đi biển, làm vườn nên về lại làng cũ để mưu sinh. Một phần do họ còn chưa bắt nhịp được cuộc sống ở phố phường”.

Sống lại những ngày xưa cũ

Trên chiếc phản lấm cát, anh Đức dọn ra chai rượu với một đĩa ốc xào ngồi nhâm nhi với bạn chài sau chuyến biển mệt nhoài. Tấm bạt rách bươm bị gió đánh bay phần phật, giường chiếu ngổn ngang, chái bếp lem nhem bồ hóng và mấy đứa con nằm ngủ ngon lành bên cánh võng. Anh nhấp ngụm rượu thủ thỉ, đây mới là cuộc sống đích thực của anh.

Một cuộc sống thoáng đãng theo đúng chất dân biển, không cần giờ giấc đúng chóc, xe cộ, quần là áo lượt, miễn mỗi ngày được làm công việc mình thạo, lo đủ cơm áo cho vợ con. Chị Hương ngồi bên gật đầu theo ý chồng, bảo mình là dân “núi sống cũng được mà biển sống cũng xong” , do đặc thù nơi ở hàng chục năm qua trước mặt là biển sau lưng là núi. Vậy nên chỉ có về nơi này, chị mới thở phào ra, rằng đây mới là nơi thích hợp với gia đình chị.

“Ở đây lúc hết sạch tiền có thể thả lưới kiếm vài con cá, leo lên núi kiếm vài đọt rau qua bữa. Còn ở phố hết tiền là đói, không xoay xở đâu được”, chị nghẹn ngào. Ba giờ chiều, khi nắng đẩy ngôi nhà đổ bóng trùm lên bãi cát, anh chị và ba đứa con thơ vẫn say giấc trong ngọn gió mát lành và tiếng sóng êm tai. Đó có lẽ là giấc ngủ mà thời gian ở phố họ chưa lần nào có được.

Có đất, có vườn, về làng cũ, người dân nuôi thêm đàn gà để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Thanh Trần.
Có đất, có vườn, về làng cũ, người dân nuôi thêm đàn gà để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Thanh Trần.

Tôi bước sang căn chòi căng bạt trắng kề bên, đôi vợ chồng già bày mâm cơm toàn cá ra chiếc bàn gỗ kê dưới gốc cây gọi chúng tôi ăn cùng. Ông Em gắp con cá mòi kho ớt thơm nức mũi cho bà, trêu “cá chồng đánh riêng cho vợ” làm bà Liễu ngượng đỏ mặt chối đây đẩy. Hai mái đầu lấm tấm muối tiêu thủng thẳng xếp chân lên ghế, nhìn ra khoảng trời mênh mông.

Ông Em hỏi tôi: “Thấy điều hòa tự nhiên đã không? Ở đây không cần điện mà sướng hơn cả ở phòng lạnh nữa!”. Tôi chưa kịp đáp, ông ngắt lời rằng chỉ chịu được cái gió này và cả đời chỉ muốn hưởng mỗi ngọn gió này thôi. “Vậy ở trong phố ông sợ gì nhất?”, tôi hỏi. “Tui sợ những buổi chiều…”. Chiều ở trong ấy, ông như bị phố phường “cầm tù” giữa bốn bề bê tông, xe cộ ầm ầm, khói bụi bủa vây. Khi đó ký ức làng cũ trong ông ùa về...

Thế là cuối năm trước, ông vượt đèo Hải Vân chạy về ngôi làng dưới rặng dừa thơ mộng của mình. Hôm căn lều tuềnh toàng trên bãi cát dựng xong, ông khôi phục lại cuộc sống xưa. Trước bãi neo thuyền thúng với chiếc ghe, phía sân quẳng ụ lưới rối mù chờ khâu vá, trong chòi treo mấy lồng chim hót cho đời thêm rộn rã.

Vợ ông, người đã sống ở làng Vân từ những năm 80 của thế kỷ trước mỗi sớm đi bán cá, trưa về chăm đàn gà vịt, nấu bữa cơm cho chồng. Ông bà đang tua lại cuốn phim gia đình cách đây hàng chục năm về trước từng bị gián đoạn khi cả làng buộc phải di dời.

Sự trở về của những người con làng Vân còn đem lại niềm vui cho các chiến sĩ biên phòng. Đại úy Nguyễn Thảo, Phó trưởng trạm kiểm soát Hòa Vân không quên những ngày làng Vân còn tấp nập. “Họ còn là những kênh thông tin quan trọng của trạm. Khi phát hiện tàu cá lạ đánh bắt trên biển hoặc người săn bắt trái phép trên núi họ đều báo cho chúng tôi. Từ lúc bà con quay trở lại, một phần làng Vân như được hồi sinh”, đại úy Thảo nói.

Mặt trời khuất núi, chúng tôi tạm biệt những mái lều lúp xúp, bà con làng Vân chạy theo biếu xâu cá lưới tươi xanh, nằng nặc ép phải mang về. “Đây là quà của dân biển, dân làng Vân. Đừng ngần ngại vì bao năm qua tụi tui đã hiếu khách như vậy rồi”, anh ngư dân cười hiền khô.

Tháng 5/2012, toàn bộ làng Vân dưới chân đèo Hải Vân phải di dời vào nơi ở mới tại phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu). Dự án nghỉ dưỡng tại làng Vân cũ hiện vẫn chưa được triển khai.

Theo Báo Tiền Phong