“Phòng ngừa tác động bất lợi của cách mạng 4.0 tới lao động dệt may, thuỷ sản…”

(Dân trí) - “Chúng ta cần chuẩn bị công tác nhân lực trước tác động của cách mạng 4.0 ở nhiều khía cạnh: Đào tạo lại đội ngũ lao động để thích ứng yêu cầu mới, phòng ngừa tác động tới các ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng, nhất là những ngành thâm dụng lao động cao như dệt may, giầy da, chế biến thủy sản…

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ thông tin với báo giới về một số định hướng trong chính sách phát triển nguồn nhân lực sẽ được ngành chú trọng trong năm 2020.

Thưa Bộ trưởng, mục tiêu đột phá mà ngành LĐ-TB&XH đặt ra trong năm 2020 là gì?

- Năm 2020, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục xác định là năm phấn đấu rất lớn. Trước hết, ngành sẽ tập trung cao vào công tác xây dựng thể chế. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề với trên 200 nhiệm vụ khác nhau, xây dựng khoảng 80 đề án và 25 dự thảo nghị định, thông tư liên quan. 

Ngành cần đảm bảo lộ trình hoàn thành và trình Quốc hội xem xét và thông qua Dự thảo Luật đưa người lao động nước ngoài theo hợp đồng(sửa đổi), Pháp lệnh người có công với cách mạng (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét và phê chuẩn Công ước 105.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Trên cơ sở đó tạo ra một hệ thống pháp lý đầy đủ toàn diện để thực hiện phát triển quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động và hình thành thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục đột phá mạnh vào công tác xây dựng hệ thống thị trường lao động đồng bộ lành mạnh và hội nhập, trong đó quan tâm đến việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng của giáo dục nghề nghiệp, chất lượng việc làm và giảm nghèo bền vững. 

Một giải pháp cần thực hiện đồng bộ là nâng cao kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam. Đây là cách để nâng cao chất lượng và năng suất lao động, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Bên cạnh đó, những vấn đề khác sẽ được ngành tiếp tục triển khai đồng bộ trong năm 2020, như: Chăm sóc, giải quyết hồ sơ tồn đọng, chăm sóc người có công, người yếu thế, bạo lực xâm hại trẻ em bình đẳng giới…

“Phòng ngừa tác động bất lợi của cách mạng 4.0 tới lao động dệt may, thuỷ sản…” - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng có nhắc tới yếu tố chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển toàn diện. Vậy trong năm 2020, Bộ sẽ có chiến lược gì nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế?

- Muốn phát triển bền vững và thoát bẫy thu nhập trung bình, việc đầu tiên là cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và coi đó là một trong những giải pháp then chốt nhằm nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đặc biệt cần chú trọng vào chuyển dịch lao động nhanh hơn, nhất là từ lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức từ khu vực nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp. Lao động nông nghiệp hiện chiếm tới 60-70 % cơ cấu nhân lực, nhưng khả năng đóng góp vào GDP chỉ dừng ở mức 16 %. 

Chúng ta cần đào tạo lại đội ngũ lao động để thích ứng với yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 và phòng ngừa những tác động của công nghiệp 4.0 tới những ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng, nhất là những ngành thâm dụng lao động cao như dệt may, giầy da, chế biến thủy sản.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn đội ngũ tiên phong đi đầu thích ứng với những yêu cầu của thời kỳ mới là vấn đề căn bản. Muốn như vậy cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phân luồng. Những học sinh không điều kiện học lên bậc cao cần được chuyển sang tham gia giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận thị trường lao động sớm hơn. 

Đồng thời, chúng ta phải có một cái tầm nhìn dài hơn đó là liên kết phối hợp đào tạo giữa doanh nghiệp với nhà trường làm sao để mỗi doanh nghiệp trở thành một nhà trường.

Cụ thể cần phát triển việc đào tạo “kép” giữa doanh nghiệp và nhà trường nhà nước, qua đó tăng cường bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực trẻ.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng

Hoàng Mạnh thực hiện