Phạt người lao động “lờ” thiết bị bảo hộ

(Dân trí) - UBND TPHCM vừa có kiến nghị cho phép người sử dụng lao động được phạt người lao động không chấp hành quy định an toàn khi làm việc.

Theo báo cáo tình hình thực hiện Luật Lao động trong 13 năm qua (1995 - 2007) của UBND TPHCM, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 7.000 vụ tai nạn lao động, trong đó có nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết gần 800 người. 

 

Điều đáng nói là con số tai nạn lao động có xu hướng ngày càng tăng. Cao nhất là năm 2002 xảy ra đến gần 1.200 vụ, năm 2006 chỉ xảy ra 782 vụ nhưng có đến 100 người chết.

 

Nguyên nhân chủ yếu là ở khu vực sản xuất, kinh doanh ngoài quốc doanh, đặc biệt là với các cơ sở sản xuất cá thể, người sử dụng lao động chỉ chú trọng đến lợi nhuận, thiếu quan tâm đến công tác bảo hộ lao động, nhiều đơn vị sử dụng máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, nhà xưởng chật hẹp… nên dễ xảy ra tai nạn.

 

Điều kiện làm việc của người lao động (NLĐ) cũng không được đảm bảo (về ánh sáng, tiếng ồn, bụi, nóng, độc hại…); về các quy định, quy trình, quy phạm và tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn cho NLĐ cũng chưa được quan tâm thực hiện…

 

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là chính NLĐ xem thường tính mạng và sức khỏe của bản thân, không sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động theo yêu cầu dù đã được trang bị, không tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn đã được hướng dẫn, khuyến cáo…

 

Do vậy, UBND TP đề nghị bổ sung Điều 98 Bộ Luật lao động cho phép người sử dụng lao động được áp dụng chế tài tài chính đối với NLĐ không sử dụng các trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân mà người sử dụng lao động đã trang bị hoặc không tuân thủ các quy định về an toàn - vệ sinh lao động.

 

Theo UBND TP, việc này nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định của NLĐ và đảm bảo an toàn lao động cho NLĐ. 

 

Tùng Nguyên