Phát hiện 1.700 vi phạm ở 152 DN dệt may, phạt 594 triệu đồng
(Dân trí) - Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố kết quả chiến dịch thanh tra 152 doanh nghiệp dệt may trên toàn quốc, qua đó phát hiện hơn 1.700 sai phạm về lĩnh vực việc làm, tiền lương, an toàn lao động…
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH trao đổi với PV Dân trí về những tồn tại phát hiện qua chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực dệt may từ tháng 5-9 vừa qua.
Thưa ông, trong các lĩnh vực xây dựng, thủy sản, dệt may, giao thông, vậy lý do gì khiến thanh tra Bộ LĐ-TB&XH chọn dệt may để triển khai thanh tra thí điểm trong thời điểm này?
Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của VN, chiếm 13,6 % doanh thu xuất khẩu và 10,5 GDP cả nước. Cả nước có hơn 6.000 doanh nghiệp dệt may, thu hút 2,5 triệu lao động (chiếm 25 % lao động trong khu vực kinh tế công nghiệp).
Trong khi đó, lao động trong ngành dệt may chủ yếu là lao động phổ thông trình độ không cao, nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng chấp hành ý thức kỷ luật lao động chưa tốt.
Với tốc độ tăng trưởng hàng năm khá nhanh 14,5 %, ngành dệt may luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các sai phạm về lao động. VN vừa tham gia Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này càng đòi hỏi ngành dệt may tuân thủ thêm những ràng buộc của luật pháp trong nước và quốc tế.
Đó cũng là lý do khiến chúng tôi quyết định chọn thí điểm thanh tra trong lĩnh vực này.
Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng LĐLĐ VN, VCCI thực hiện thí điểm tại hơn 150 doanh nghiệp dệt may tại 12 tỉnh, thành phố lớn. Công tác thanh tra tập trung vào thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, huấn luyện ATVSLĐ…
Sau 4 tháng triển khai chiến dịch, kết quả thanh tra đã cho thấy điều gì? Những sai phạm chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nào, thưa ông?
Qua công tác thanh tra 152 doanh nghiệp, chúng tôi đã phát hiện hơn 1.700 sai phạm. Đoàn thanh tra đã lập 19 biên bản vi phạm hành chính, phạt 19 doanh nghiệp với tổng số tiền 594 triệu đồng. Những vi phạm của doanh nghiệp chủ yếu về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi.
Cụ thể: 60 doanh nghiệp huy động người lao động làm thêm quá số giờ theo quy định; 36 doanh nghiệp chưa trả lương những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày; 40 doanh nghiệp chưa xây dựng định mức lao động, hệ thống thang lương, bảng lương và không gửi tới cơ quan quản lý lao động cấp quận huyện…
Kết quả thanh tra phát hiện 112 doanh nghiệp (gần 80%) chưa trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và thực hiện chưa đầy đủ quy định phòng chống cháy nổ.
Đặc biệt, gần 70% chủ sử dụng lao không tham gia huấn luyện an toàn lao động hoặc tham gia không đầy đủ, 87 doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động mới vào làm việc hoặc huấn luyện không đầy đủ…
Ông từng nói, thanh tra không đơn thuần là công việc xử phạt mà thanh tra còn đưa ra kiến nghị giúp doanh nghiệp làm tốt hơn. Vậy, ông nhìn nhận sự lan tỏa của quan điểm trên trong cuộc thanh tra này ra sao?
Mục đích của đoàn thanh tra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo tốt các quy định về lao động việc làm, chăm lo đời sống người lao động, qua đó tăng năng suất lao động.
Trước khi tổ chức chiến dịch thanh tra, chúng tôi đã triển khai truyền thông tuyên truyền pháp luật cho người lao động. Chỉ riêng việc này đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt.
Khi kiểm tra thực hiện tại các DN, mức độ vi phạm chỉ còn dưới 10% số người không sử dụng bảo hộ lao động cá nhân. Trước đó, chúng tôi khảo sát nội dung trên ở doanh nghiệp cho thấy mức độ vi phạm vào khoảng 80 %.
Một ví dụ khác ở Hà Nam, đoàn thanh tra kiểm tra 77 doanh nghiệp và đưa ra 80 kiến nghị. Ngay sau đó, doanh nghiệp đã thực hiện tới 80% đúng hạn. Còn một số ít kiến nghị chưa đến thời hạn thực hiện do doanh nghiệp chuẩn bị thêm các điều kiện cơ sở vật chất, máy móc…
Không đơn thuần là những việc trước mắt, doanh nghiệp còn được hưởng lợi sâu xa hơn từ công tác thanh tra. Doanh nghiệp có được xác nhận tuân thủ pháp luật.
Điều này có có nghĩa là sản phẩm làm ra không có yếu tố làm thêm giờ, không vi phạm các quyền của người lao động, đảm bảo tuân thủ quy định an toàn vệ sinh lao động…Đây là những “chứng chỉ” quan trọng khi tham gia vào thị trường xuất khẩu hàng dệt may - lĩnh vực được hưởng lợi nhiều khi VN tham gia TPP.
Xin cảm ơn ông
Hoàng Mạnh (thực hiện)
Theo ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, Chiến dịch thanh tra lao động năm 2015 trong ngành may mặc có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo sự tuân thủ những quy định pháp luật của VN, đồng thời đảm bảo những nguyên tắc cơ bản và quyền cơ bản tại nơi làm việc, duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Ông Lê Đình Quảng - Phó Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ VN: Tôi đánh giá cao sự phối kết hợp giữa các bên khi thực hiện trong chiến dịch. Trong năm 2016, chúng ta có thể thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch cập nhật và điều chỉnh hoạt động. Đặc biệt, công tác truyền thông cần chú trọng hơn nữa để tạo sự lan tỏa tới các doanh nghiệp chưa tham gia thanh tra, giúp họ cùng hưởng ứng với các tiêu chí của cuộc thanh tra, qua đó nâng cao chất lượng và năng suất lao động.