XKLĐ tiến tới thị trường thu nhập cao:
Phải có nguồn lao động chất lượng
(Dân trí) - Thời gian gần đây, Việt Nam đã và sắp “tấn công” vào một số thị trường XKLĐ chất lượng cao như: Mỹ, Anh, Canada, Italia, Arập Xêút... Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lĩnh vực này, để có thể vướn tới những thị trường tiềm năng này thì cần phải có nguồn lao động tốt, chất lượng.
Thị trường rộng mở
Tính từ đầu năm 2001 đến nay, nước ta đã đưa được gần 300 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng gấp 3 lần giai đoạn 1996- 2000. Cho đến thời điểm này, VN đã có hơn 400 nghìn lao động đang làm việc trên 40 nước và vùng lãnh thổ, với thu nhập bình quân tính theo đầu người khoảng 1,5 tỉ USD/năm. Thị phần lao động VN ở một số thị trường cũng tăng lên đáng kể: Hàn Quốc (trên 30 nghìn người), Malaysia (trên 100 nghìn), Đài Loan (trên 90 nghìn)…
Trong đó, Hàn Quốc - một thị trường cũ - thời gian qua cũng đã có thêm một số kênh tiếp nhận lao động mới (ngoài kênh tu nghiệp sinh nhà máy trước đây). Đó là: Chương trình Thẻ vàng (dành cho lao động kỹ thuật cao và chuyên gia), chương trình cấp phép lao động mới, tu nghiệp sinh nông nghiệp và xây dựng. Hiện, VN đã có 7.000 lao động đi Hàn Quốc theo chương trình mới.
Theo ông Trần Hồng Hà (Phòng XKLĐ, Công ty Vạn Xuân), công ty này đã nhanh chóng đưa được hàng trăm lao động nông nghiệp sang Hàn Quốc với mức lương khoảng 800 - 1.000 USD. Công ty Simco cũng đã đưa được trên 200 lao động xây dựng, trong kế hoạch 700 người năm 2005.
Cuối tháng 9/2005, Bộ trưởng LĐTBXH Nguyễn Thị Hằng đã đi khảo sát một số nước ở khu vực Trung Đông là UEA, Arập Xêút, Kuwet và Quata. Hiện khu vực này đã và đang thu hút hàng triệu lao động nước ngoài đến làm việc, chủ yếu trong ngành xây dựng, sản xuất ở nhà máy. Tuy nhiên, VN hiện mới chỉ có vài nghìn lao động làm việc ở UEA.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đây là thị trường tiềm năng cần được mở rộng. Riêng Arập Xêút có thể tiếp nhận 100.000 lao động VN, với mức lương cho lao động kỹ thuật là 400 - 1.000 USD/tháng. Một điều thuận lợi tại thị trường Trung Đông là người lao động không bị đánh thuế thu nhập. Ngoài ra, thị trường này có thể tiếp nhận cả người lao động có tay nghề, lao động phổ thông và lao động giúp việc nhà.
Chính sách thông thoáng
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, sở dĩ thị trường XKLĐ VN có được như vậy là do chúng ta có một hệ thống chính sách hoàn chỉnh, bên cạnh công tác đẩy mạnh việc xúc tiến mở thêm thị trường mới. Công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động được thể hiện bằng những quy định, chính sách cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.
Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động với 8 điều quy định về XKLĐ. Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003, Chính phủ cũng đã có hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động về lĩnh vực XKLĐ. Mới nhất là Nghị định số 141/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về quản lý lao động VN làm việc tại nước ngoài.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp tăng cường công tác quản lý, đấu tranh phòng chống các hoạt động tiêu cực, lừa đảo trong XKLĐ…
Vẫn còn nhiều hạn chế
Đánh giá về chất lượng lao động của ta, Cục trưởng Nguyễn Thanh Hòa nhận xét: Lao động của ta có khả năng tiếp thu nhanh, cần cù, chịu khó, trình độ văn hóa khá. Nhưng nếu so với lao động các nước trong khu vực thì lao động VN còn khá nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh XKLĐ.
Theo các chủ sử dụng lao động nước ngoài, điểm yếu nhất của lao động VN chính là ngoại ngữ kém, sức khỏe, tay nghề yếu, kỉ luật lao động và ý thức chấp hành pháp luật còn kém… Thậm chí, hiện tượng vi phạm hợp đồng, bở trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài; hiện tượng một bộ phận lao động của ta ở nước ngoài sống buông thả, cờ bạc, rượu chè và hay gây gổ… trong những năm gần đây đã làm ảnh hưởng không ít đến uy tín của lao động VN, đến việc phát triển thị trường XKLĐ.
Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi VN đang tiến gần đến với xu hướng hội nhập quốc tế, với các thị trường có thu nhập cao, thì những hiện tượng trên đang làm đau đầu không ít đến các nhà quản lý và các công ty XKLĐ.
Nguyễn Hiền