1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai:

Nữ hộ lý rơi nước mắt khi ngày đi làm, đêm chạy vác đá thuê

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Chế độ, thu nhập thấp khiến nhiều nhân viên ngành y ở Gia Lai gặp khó khăn trong đời sống. Nhiều người ngoài thời gian trực ở bệnh viện phải đi làm thêm việc chân tay để nuôi sống gia đình.

Ngày làm hộ lý, đêm làm công nhân

Hơn 17h chiều, nữ hộ lý Phùng Thị Lan (SN 1981, trú tại phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai, thuộc Bệnh viện Y Bệnh viện Y dược Cổ truyền và Phục hồi Chức năng tỉnh Gia Lai) đang tất bật cố gắng hoàn thành công việc ở bệnh viện.

Xong việc ở bệnh viện, chị Lan phải về nhà thay đồ ngay để kịp ra nhà máy đá làm thêm ca đêm, từ 19h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau.

Nữ hộ lý rơi nước mắt khi ngày đi làm, đêm chạy vác đá thuê - 1

Nhiều năm nay, ngoài thời gian đi làm hộ lý ở bệnh viện thì chị Phùng Thị Lan phải tìm việc lao động chân tay buổi tối để làm thêm.

Chị Lan đang phải nuôi 3 con ăn học, trong đó, một cháu đang học đại học, 2 cháu học THPT và THCS. Toàn bộ tiền làm ra, chị đều dành để gửi cho các con ăn học. Mấy mẹ con đang phải ở trong một căn nhà trọ tồi tàn tại tổ 5, phường Thắng Lợi (TP Pleiku, Gia Lai).

Chị Phùng Thị Lan ngậm ngùi: "Nhiều năm nay, khoảng 3 tháng thì chúng tôi mới được chi trả lương một lần. Lương tôi 5 triệu đồng/tháng. Tôi phải tìm thêm công việc làm thêm vào ban đêm thì mới đủ thu nhập nuôi 3 con đang tuổi ăn tuổi học. Có lúc tiền kiếm không đủ trang trải cuộc sống trăm thứ phải lo, tôi đã nhiều phen phải bấm bụng đi vay mượn để xoay xở, đắp đổi".

Nữ hộ lý rơi nước mắt khi ngày đi làm, đêm chạy vác đá thuê - 2

Chị Lan rơi nước mắt kể chuyện nhiều tháng bị chậm lương, chế độ thấp trong khi tiền nhà, tiền cho con ăn học đều một đôi vai chị gồng gánh.

Mỗi sáng, chị Lan lại khoác trên mình bộ áo hộ lý màu xanh, tất tả thu dọn chăn, ga, quần áo bệnh nhân, lau, dọn bệnh viện… Tối đến, chị lại ra nhà máy đá lạnh để phụ việc đóng đá, bốc xếp đá khối lên xe tải…

Thời gian chị Lan ngủ chỉ khoảng tầm 30 phút buổi trưa và 30 phút lúc 17h chiều, khi tan ca. Có lẽ vì vắt sức làm việc nên nữ hộ lý gầy gò, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ.

Nữ hộ lý rơi nước mắt khi ngày đi làm, đêm chạy vác đá thuê - 3

Vừa hết ca làm ban ngày đã phải xoay sở làm thêm ca đêm, chị Lan chỉ ngủ được hơn một giờ đồng hồ mỗi ngày.

"Chúng tôi hiểu, đối với một bệnh viện đặc thù, bệnh nhân đến khám ít nên không đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Tâm lý của tôi cũng như các bác sĩ đều chia sẻ khó khăn với bệnh viện. Tôi mong Nhà nước sớm có những thay đổi về chế độ, chi trả lương để chúng tôi có thể sống được với nghề, chị Lan gạt nước mắt.

Nữ hộ lý rơi nước mắt khi ngày đi làm, đêm chạy vác đá thuê - 4

Ngày làm hộ lý trong bệnh viện, đêm về chị Lan lại làm việc tay chân nặng nhọc trong nhà máy đá lạnh.

Vợ chồng bác sĩ đi làm 13 năm, căn nhà vẫn là mơ ước

Vợ chồng bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn và vợ là Huỳnh Thị Như Tài (SN 1984) đã có 13 năm làm việc tại Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Gia Lai. 13 năm, tổng thu nhập hàng tháng của cả hai vợ chồng chỉ khoảng hơn 11 triệu đồng.

Từ khi lấy nhau về, anh chị gửi con ở nhà nội tại xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh, Gia Lai) rồi ra TP Pleiku để thuê trọ gần bệnh viện để tiện cho việc đi lại và lúc trực đêm.

Nữ hộ lý rơi nước mắt khi ngày đi làm, đêm chạy vác đá thuê - 5

Vợ chồng bác sĩ trẻ đang chật vật vì tiền lương thấp. Hơn 13 năm nay, anh chị sống trọ, không dám mơ ước mua được căn nhà vùng ven.

Bác sĩ Tuấn cho biết: "Tôi làm việc trong phòng hành chính - tổng hợp, vợ là bác sĩ trực tiếp thực hiện công việc khám chữa bệnh. Từ bao năm nay, lương của hai vợ chồng cộng lại chỉ hơn 11 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí phải trả hàng tháng quá lớn, từ tiền trọ, ăn uống và gửi về cho nội chăm giúp 2 con ăn học. Nhiều lúc chậm được trả lương, gia đình chỉ còn biết vay mượn khắp nơi để chi tiêu".

Cũng vì thế mà hơn chục năm nay, căn trọ của vợ chồng bác sĩ Tuấn mãi vẫn như thời sinh viên mới ra trường, tềnh toàng, không đồ dùng, tiện nghi cuộc sống nào. Ước mơ của đôi vợ chồng bác sĩ là tích cóp để mua một mảnh đất vùng ven thành phố, xây một căn nhà nhỏ để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên ước mơ này đã gần 15 năm qua vẫn chưa thấy "cửa" sáng nào, mãi vẫn vật vã với chuyện lương không đủ chi tiêu.

Nữ hộ lý rơi nước mắt khi ngày đi làm, đêm chạy vác đá thuê - 6

Chế độ đãi ngộ thấp, nhiều bệnh viện công đang đối mặt với việc "chảy máu" nguồn nhân lực.

"Thấy lương thấp, chế độ gần đây ngày càng cắt giảm, tâm lý của tôi cũng như các nhân viên, bác sĩ trong bệnh viện có chút xáo trộn, nhiều lúc không tập trung, toàn tâm toàn ý cho công việc được. Nhiều lần hoảng sợ vì ngành y là nơi không cho phép được chuyện sai sót vì mất tập trung. Chính vì vậy, tôi cũng phải tự động viên mình và vợ cố gắng. Nhiều bệnh viện tư cũng ngỏ lời mời gọi chúng tôi với mức lương cao hơn nhưng bệnh viện này tôi đã gắn bó bao năm, thật sự không muốn và cũng day dứt, không nỡ lòng rời đi. Tôi đang cố chờ sự điều chỉnh của ngành", anh Tuấn bộc bạch.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Y Bệnh viện Y dược Cổ truyền và Phục hồi Chức năng tỉnh Gia Lai cho biết: "Từ khi bắt đầu thực hiện tự chủ thì vấn đề nan giải nhất với bệnh viện chính là việc trả lương cho cán bộ, nhân viên. Đây là bệnh viện đặc thù, tiền chi trả lương lại đều phụ thuộc vào lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Hiện tiền lương của chúng tôi chỉ đáp ứng được yêu cầu chi trả cho khoảng 50% cán bộ, nhân viên trong đơn vị, còn 50% còn lại, bệnh viên đang kiến nghị lên cơ quan chức năng để xin hỗ trợ".

Nữ hộ lý rơi nước mắt khi ngày đi làm, đêm chạy vác đá thuê - 7

Cơ chế tự chủ đặt nhiều bệnh viện đặc thù trước thách thức, khó khăn với việc chi trả lương, duy trì hoạt động.

Hai năm qua, đại dịch Covid - 19 khiến cho các bệnh viện y học cổ truyền khó khăn chồng chất do không có nguồn thu. Đồng thời, những quy định về thanh toán Bảo hiểm y tế thường theo quý khiến việc chi trả lương với cán bộ, nhân viên cũng bị chậm theo.

Thường 3 tháng, các cán bộ, nhân viên trong bệnh viện mới nhận lương một lần. Nếu số tiền về còn thiếu thì y bác sĩ lại phải tiếp tục chờ đợi để bệnh viện trình xin cơ quan chức năng hỗ trợ.

"Tôi mong muốn phải có cơ chế đảm bảo được đời sống cho cán bộ y tế. Khi đó, anh em trong ngành mới yên tâm công tác. Bệnh viện cũng đề nghị có nhiều giải pháp để đổi mới chính sách đối với các bệnh viện đặc thù, nghiên cứu những chế độ phù hợp với cho từng khu vực và nâng cao tuyến y học cổ truyền cấp tỉnh", ông Hùng trình bày.  

Sở Y tế tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, vấn đề nổi bật nhất là việc nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc.

Cụ thể, năm 2021, ngành y tế tỉnh Gia Lai có 110 trường hợp các y, bác sĩ xin nghỉ việc; trong đó có 38 người xin thôi việc (18 bác sĩ), kỷ luật buộc thôi việc 11 người (10 bác sĩ).

Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành y tế Gia Lai tiếp tục có 23 người nghỉ việc. Trong đó có 6 bác sĩ, 14 viên chức thôi việc, kỷ luật buộc thôi việc 2 người.