Nông dân được phát thẻ học nghề

(Dân trí) - Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đầu tháng 4/2009 này với phương châm “3 biết”. Theo đó nông dân sẽ được phát thẻ học nghề nông nghiệp.

Cụ thể, “3 biết” là: biết nhu cầu thị trường lao động, biết cơ chế chính sách đối với quyền và trách nhiệm của người đi học nghề, biết cơ hội việc làm của mình tại địa phương sau khi học nghề.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, phải phấn đấu đến năm 2020 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng người nông dân không được đào tạo cơ bản. Bên cạnh đó, cũng cần chuyển mạnh đào tạo theo khả năng sang hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội. Để giải quyết vấn đề này phải quy hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo nghề trên cả nước theo chuẩn hóa; phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan có khả năng đào tạo, bao gồm cả nhà nước và tư nhân.

Theo đó khi chương trình được triển khai, Hội nông dân sẽ có trách nhiệm kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện triển khai chương trình đào tạo nghề này với Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thí điểm việc phát thẻ học nghề nông nghiệp.

Nghĩa là khi người nông dân có nhu cầu học nghề sẽ đăng ký với xã (phù hợp với nhu cầu của vùng đó) và được phát thẻ.  Trên thẻ sẽ ghi rõ tên người học, số chứng minh thư, năm sinh, hộ khẩu thường trú, nơi phát hành, số tiền học (số tiền này phụ thuộc vào đối tượng đi học ) và series thẻ.

Thẻ học nghề nông nghiệp cũng được chia theo ngành nghề học, thứ nhất là người trực tiếp về sản xuất nông nghiệp, thứ 2 là đối tượng đi học về làm dịch vụ nông nghiệp (mức học phí cũng sẽ khác nhau và sẽ được thể hiện rõ trên thẻ).

Thời gian học từ 1 đến 3 tháng. Đối tượng lao động nông thôn đủ điều kiện sẽ được cấp 1 thẻ và sẽ xuất trình thẻ này tại cơ sở đào tạo ở địa phương.

Theo dự thảo Đề án, Nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng mới 30 trung tâm dạy nghề cho các huyện nghèo, 74 trung tâm dạy nghề cho ở các huyện vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc. Hỗ trợ trang bị phương tiện đi lại cho 20 trường trung cấp, trung tâm dạy nghề huyện để chuyên chở thiết bị, cán bộ giáo viên đi dạy nghề lưu động và hang loạt chế độ chính sách hỗ trợ đào tạo dành cho đối tượng là nông dân có hoàn cảnh khó khăn.

P. Thanh