Nỗi niềm nghề giúp việc
Nhiều bà chủ hay “dằn mặt” Ôsin bằng cách so sánh: “Ở nhà tôi, nắng mưa không tới mặt, toàn là máy móc, sướng hơn công nhân nhiều”.
Thanh Diệp, quê ở Tam Quan (Bình Định) theo NGV đã 10 năm. Do giúp việc qua nhiều gia đình, chị giàu kinh nghiệm trong nghề. Có bà chủ vừa bước ra khỏi sảnh nhà hát, đã gọi điện: “Cô sắp về rồi đấy, em bật hết máy lạnh lên cho mát cả nhà”. Ra khỏi nhà, lại dặn chị “tắt hết”. Ngày nào cũng vậy, lau hết ba tầng lầu là chị toát hết mồ hôi. Một tháng sau, vừa quen công việc thì bà chủ cho chị... nghỉ việc. Lý do: vợ chồng họ ly dị, nhà được bán đi, chia đôi.
Có chủ nhà bận rộn đi giao dịch làm ăn, đi tập thể dục, mua sắm... Nhưng về đến nhà mình, lại không vui như... ở ngoài đường. Không sao, chỉ sợ nhất là tủ quần áo của bà chủ phong phú hơn... shop thời trang. Trong đó, có áo phải được giặt bằng xà phòng gội đầu, không được vắt, vò, có áo không được phơi ngoài nắng... Chị hãi hùng khi bà chủ chỉ tay vào cái áo bị hỏng sau khi giặt “giá mấy triệu đấy!”. Sợ bị trừ lương, chị chủ động xin nghỉ.
Lần này, vào nhà chủ mới, chị đã có cảm giác tự tin “mình có kỹ năng đầy mình”, lại được bà chủ dễ tính “muốn nấu món gì cũng được, nhà cửa lau kiểu gì cũng được, miễn sạch sẽ thì thôi...”. Bà chủ cũng phó mặc cho con cái trong nhà sống theo ý mình. Cầm tiền đi chợ “mua gì, tùy”, khiến chị có cảm giác thư thái, nhưng rồi chị cũng không thể ở lâu. Một hôm, bà chủ bảo chị vào dọn phòng cô con gái. Không dè đó là một... bãi chiến trường: quần áo đầy giường, vắt vẻo trên bàn, dưới gầm tủ... Chị phải giặt hết vì không thể phân biệt đồ dơ, đồ sạch. Thế nhưng, khi cô con gái về nhà, nhìn căn phòng ngăn nắp, sạch sẽ, lại la lối ầm ĩ: “Trời! Đảo lộn mọi thứ hết! Đồ nhà quê, biết gì mà đụng vào. Tiền bạc tôi để lung tung, có mất, tôi cũng không biết...”. Chị tự ái xin nghỉ.
Lần kế tiếp, chị chọn một gia đình ở chung cư bình dân, vợ chồng cậu chủ khá trẻ, không giàu, có hai đứa con nhỏ. Xong việc trong nhà chủ, chị nhận làm thêm việc quét dọn cầu thang chung cư. Cô chủ nhà đồng ý để chị kiếm thêm tiền học phí cho con. Nhiều nhà trong chung cư quý mến chị, cho chị những thứ không dùng nữa, nên chị là mối ruột của mấy bà ve chai. Lâu lâu, chị nhặt ra cái quạt còn chạy, cái bếp gas chưa hư... mang đến phòng trọ cho thằng con.
Tuy nhiên, cũng có không ít NGV thành công từ lần đầu tiên vào nhà người lạ. Đó là chị Trần Kim Phượng, có thâm niên 15 năm giúp việc tại một gia đình ở Q.Tân Bình. Đẳng cấp của chị đã đạt đến trình độ “quản gia”. Chị được coi như “bộ nhớ” của gia đình: “Cái gì để ở đâu, không ai rành hơn chị”. Chị nhớ lại thời gian đầu: “Có lần, bà chủ để quên cái nhẫn ngọc, tôi giữ rồi mang trả lại. Hôm ông chủ mất ở bệnh viện, bà chủ rối bời, tôi tự động gọi điện báo tin buồn cho những người thân của gia đình. Tôi làm những việc đó vì trách nhiệm chứ không vì đồng lương. Cứ như thế, bà chủ quý tôi như người trong nhà. Bà mua cho tôi bảo hiểm trọn đời, hay tặng quà cho cha mẹ tôi”.
Hợp tác từ hai phía
Bà Nguyễn Thị Thương, chuyên viên tư vấn tâm lý (Trung tâm tư vấn gia đình và ly hôn TP.HCM) nhận định: Xã hội phát triển, kéo theo sự phân công lao động khá chuyên biệt. Giúp việc nhà trở thành việc làm của những người phụ nữ có trình độ thấp, đa số đến từ nông thôn. Vì thế, giữa nhà chủ và NGV luôn có khoảng cách về lối sống, trình độ, thu nhập...
Bà Thương cho rằng, chịu thương, chịu khó là thái độ cần thiết nhất của một NGV. Có thái độ này, dù chưa giỏi giang, thạo việc thì họ cũng sẽ nhận được sự chỉ dẫn một cách cảm thông của chủ nhà. Phẩm chất hàng đầu của NGV là trung thực, đây là “chất liệu” xây dựng nên “thương hiệu”, uy tín của một người lạ, từ xa đến, tạo được niềm tin của chủ nhà. Ngoài ra, cần biết giữ mình không chen ngang, chen ngửa vào chuyện gia đình chủ. Tinh thần học hỏi, sáng tạo trong công việc hàng ngày, có ý thức tiếp nhận thông tin rất có lợi cho việc phát triển nghề nghiệp.
Về phía người sử dụng lao động, cần có ý thức hợp tác với NGV trong hướng dẫn đào tạo. Bởi lao động của NGV là một chuỗi công việc phức tạp, nhiều động tác, nhiều việc phát sinh...
Nếu đối tượng tác động của công nhân chỉ là máy móc, thì ở NGV, đối tượng tác động bao gồm cả con người. Điều này dễ nhận thấy trong gia đình có người già, trẻ em... Họ không chỉ làm việc với máy giặt, lò viba... mà còn thực hiện yêu cầu của các thành viên trong nhà. Biết được thử thách của NGV, chủ nhà sẽ khoan dung, kiên nhẫn, và cho họ cơ hội để thích nghi.
Người nào cũng có lòng tự trọng, vì thế, chủ nhà không nên “cao giọng”, dù là vô tình hay cố ý. Nhiều bà chủ hay “dằn mặt” Ôsin bằng cách so sánh: “Ở nhà tôi, nắng mưa không tới mặt, toàn là máy móc, sướng hơn công nhân nhiều”. Với ý thức “nhân vô thập toàn”, chủ nhà nên kiềm chế cơn giận dữ của mình, chuyển sang trạng thái bình tĩnh, giải thích, hướng dẫn khi không hài lòng về NGV.
Bà Hà Thu Vân, chuyên viên giáo dục của Trung tâm giá trị sống TPHCM, cho biết, NGV hay “tủi thân” khi bị sai bảo, nhất là những người phụ nữ có chồng con, cũng đã từng quyết định mọi sự trong gia đình mình. Để vượt qua cảm giác thấp bé, họ phải có lòng tự trọng, biết và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của mình.
Theo Trường Sơn
Phụ Nữ Online