Nỗi khổ của một nhân viên tốt bụng

Theo một nghiên cứu mới đây nhất, những nhân viên tốt bụng nhất luôn là những người kết thúc công việc muộn nhất ở chỗ làm nhưng lại nhận được ít lời khen ngợi nhất.

Tiến sĩ Nikos Bozionelos, đại học Shielffied ở Anh đã nghiên cứu về sự thành công trong sự nghiệp và trong đời sống cá nhân cho biết: Những nhân viên tốt tính, dễ thoả hiệp và nhạy cảm với suy nghĩ của đồng nghiệp thường ít có cơ hội thăng tiến.

 

Theo Bozionelos, lý do chính là họ không bao giờ đặt yêu cầu và mong muốn của mình lên đầu. “Những người dễ tính có xu hướng tự thoả mãn cao, thoả hiệp lợi ích của bản thân để giúp người khác hạnh phúc hơn”. Những người này cũng thường mắc phải nhiều rắc rối, đôi khi còn có thể huỷ hoại cả sự nghiệp chỉ vì quá tốt tính.

 

Nếu bạn tự nhận mình là một người tốt bụng, có thể bạn đang huỷ hoại sự nghiệp của mình theo 1 trong 5 cách dưới đây.

 

1. Để sai lầm của những người khác gây khó khăn cho bản thân

 

Trước khi có ý định sửa sai lầm cho ai đó, hãy nghĩ đến những rủi ro không mong đợi có thể xảy ra với bạn. Cũng có đôi khi bạn không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc nhảy vào cuộc. Nhưng có những lúc bạn có thể lùi bước và nói “Đây không thuộc vấn đề mà trước đây chúng ta thảo luận và đồng ý với nhau. Vì vậy tôi cần thời gian suy nghĩ trước khi tham gia. Tôi cũng không thể hoàn thành công việc như hạn định sớm như vậy”. Tóm lại, hãy thể hiện bạn là người biết điều nhưng không phải là người bảo gì làm nấy.

 

2. Để người khác hưởng lợi từ những ý tưởng của bạn

 

Trong công việc ý tưởng là cực kì quan trọng, bạn có thể được thăng tiến nhanh chỉ với một vài ý tưởng xuất sắc. Tuy nhiên có đôi lúc đồng nghiệp của bạn lại được hưởng lợi từ những ý tưởng của bạn. Để tránh những trường hợp như vậy tốt nhất khi bạn muốn nêu lên một ý tưởng, hãy công bố trước mặt mọi người và thể hiện một cách thật tự tin.

 

Nếu trong một cuộc họp, có ai đó đang đề cập đến ý tưởng của bạn, hãy mạnh dạn đứng lên, thu hút sự chú ý của mọi người và nói “Bạn đang xây dựng, bổ sung cho ý kiến của tôi. Tôi rất ủng hộ và đề cao điều này”.

 

3. Bạn xin lỗi một cách không cần thiết

 

Hãy để dành những lời xin lỗi khi bạn làm cho người khác rơi vào tình trạng khó xử. Khi bạn mắc lỗi thực sự cần một lời xin lỗi, chỉ xin lỗi một lần và chuyển ngay sang hướng giải quyết vấn đề. Luôn bắt đầu bằng một giọng điệu ôn hoà và công bằng, ví dụ “Dựa trên những thông tin ban đầu tôi được biết tôi không ngờ là không đúng với suy nghĩ của ông. Hãy cho tôi biết tôi sẽ sửa lại”.

 

4. Bạn phải làm việc liên tục

 

Hãy tận dụng những ngày nghỉ, thư giãn trong giờ ăn trưa. Làm việc liên tục sẽ khiến bạn mệt mỏi, làm việc không hiệu quả, thiếu nhiệt huyết. Đôi khi còn khiến bạn kiệt sức. Theo như lời khuyên của các nhà khoa học, để làm việc hiệu quả, sức tập trung cao bạn nên thư giản sau mỗi 90 phút làm việc.

 

5. Làm việc hộ các đồng nghiệp

 

Nhận ra khi đồng nghiệp nhờ vả mình một cách không thiện chí và tránh giải quyết hộ các vấn đề của họ. Tập nói câu “Tôi thực sự muốn giúp tuy nhiên tôi đang rất bận và tôi cũng không nắm rõ vấn đề này lắm. Mong anh/chị thông cảm”.

 

Luôn đối xử tốt và giúp đỡ các đồng nghiệp không có gì là xấu. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào bạn cũng nên đặt quyền lợi của mình lên trên hết trước khi muốn làm hài lòng một ai đó. Không phải lúc nào cũng chăm chăm giúp đỡ người khác trong khi công việc của mình vẫn chưa hoàn thành. 

 

Theo Sức trẻ Việt Nam