1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai:

Nỗi ám ảnh của nhóm thanh niên tìm "việc nhẹ, lương cao" nơi... đất hứa

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Bảy thanh niên làng Kloong (Gia Lai) đã trở về với buôn làng sau những ngày bị lừa bán sang Campuchia vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về ngày ở "hang cọp" vì bị sập bẫy "việc nhẹ, lương cao".

Những ngày bị giam cầm ở "hang cọp"

Những ngày qua, chuyện nhóm thanh niên người Jrai ở làng Kloong (xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) bị sập bẫy, tin lời kẻ xấu lừa sang Campuchia để làm "việc nhẹ, lương cao" khiến buôn làng xôn xao.

Mong mang lại cuộc sống đầy đủ cho bố mẹ, giúp vợ con đỡ khổ nhưng vì thiếu hiểu biết và cả tin mà 7 thanh niên làng Kloong đã lẳng lặng bỏ làng trong đêm đi tìm "miền đất hứa".

Nỗi ám ảnh của nhóm thanh niên tìm việc nhẹ, lương cao nơi... đất hứa - 1

Sau hơn một tháng bị lừa sang Campuchia, nhóm thanh niên làng Kloong đã được hỗ trợ, giải cứu, về với buôn làng.

Nhóm thanh niên 7 người cùng ra đi khiến cả làng Kloong ngày đêm thấp thỏm. Ngay khi nắm được thông tin, UBND xã Ia O cùng với Biên phòng, Công an tỉnh Gia Lai và cơ quan chức năng lập tức khẩn trương rà soát.

Ngày đêm, cơ quan chức năng bám sát từng cuộc gọi đòi tiền chuộc, từng thông tin mập mờ về vị trí mà nhóm thanh niên đang bị giam cầm trên đất Campuchia.

Sau hơn một tháng, nhóm thanh niên làng Kloong đã được giải cứu, đưa về nhà trong sự vui mừng của gia đình, người thân.

Vừa trở về từ "hang cọp", em Puih Thái (SN 1994) vô cùng mừng vui dù khó tránh chút ngại ngùng với dân làng vì việc dính bẫy lừa đảo, xuất cảnh trái phép, trốn đi làm công việc không rõ ràng.

Nỗi ám ảnh của nhóm thanh niên tìm việc nhẹ, lương cao nơi... đất hứa - 2

Người nhà và chính quyền địa phương vui mừng, phấn khởi vì những thanh niên làng được giải cứu khỏi "hang cọp".

Thái nhớ lại: "Ban đầu, Quyết gặp và thuyết phục mình đi Campuchia làm việc, mình không đồng ý vì phải ở nhà chăm vợ bầu, mẹ già. Sau nhiều lần thuyết phục không thành, nó lừa mình đi Tây Ninh làm việc với mức lương từ 18-20 triệu đồng. Nghĩ mọi việc đơn giản, mình cũng muốn kiếm chút tiền lo việc sinh nở cho vợ, sau đó mới biết mình bị lừa sang Campuchia".

Theo Thái, khi sang Campuchia, em bị nhốt trong một tòa nhà. Tiếp đó, các đối tượng thông qua hợp đồng, giao chỉ tiêu công việc, ép các nhóm lao động bị bán vào đây đi lừa đảo người khác.

Mỗi ngày, Thái bị bắt làm việc từ sáng đến khuya, nhiều hôm làm cả đêm. Thấy không phù hợp với công việc nên Thái xin nghỉ để về nhà nhưng chủ quản lý không cho.

"Vì không làm đủ chỉ tiêu nên họ đánh đập, bỏ đói bọn mình nhiều ngày và dọa giết. Mấy anh em trong làng đều bị hành hạ thường xuyên như vậy. Sau đó, bọn họ bắt gọi điện về nói người nhà gửi tiền sang chuộc, ban đầu là 150 triệu đồng, về sau giảm dần xuống 90 triệu đồng" Thái kể.

Nỗi ám ảnh của nhóm thanh niên tìm việc nhẹ, lương cao nơi... đất hứa - 3

Biên phòng và chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động các thanh niên trong xã không nghe lời kẻ xấu mà vượt biên, đi làm việc không rõ ràng, trái quy định.

Vì quá lo lắng cho con, người nhà đã chạy vạy khắp nơi vay mượn 90 triệu đồng để chuộc Thái ra khỏi "hang cọp".

"Khi nhận được tiền, chúng đã dẫn em đến đường biên về Việt Nam. Tuy nhiên, chúng còn định lừa em quay trở lại làm hoặc môi giới cho một đơn vị thứ 3. May có bộ đội biên phòng Việt Nam giải cứu kịp thời. Cũng nhờ báo chí đăng thông tin rầm rộ đánh động nên chúng mới hạ mức tiền chuộc xuống và ít hành hung hơn", Thái nhớ lại.

Từ nạn nhân thành… "cò buôn người"

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, đến thời điểm hiện tại, có 9 nạn nhân ở 2 huyện Chư Prông và Ia Grai bị lừa đảo qua Campuchia đã hồi hương an toàn bằng nhiều cách khác nhau như người nhà gửi tiền chuộc, ngành chức năng giải cứu, mạnh thường quân hỗ trợ tiền. Số tiền chuộc với mỗi trường hợp là 50-150 triệu đồng.

Nỗi ám ảnh của nhóm thanh niên tìm việc nhẹ, lương cao nơi... đất hứa - 4

Một trong những thanh niên làng Kloong kể lại, từ nhiều mối quan hệ, Trần Quang Quyết (SN 2001, trú tại xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum) đã kết nối với nhiều người trong làng.

Quyết cho biết đang cần tìm người vào tỉnh Tây Ninh làm việc với mức lương 18-20 triệu đồng/tháng, có xe ô tô chở vào tận nơi miễn phí.

Khi 7 thanh niên trong làng Kloong tin lời đường mật, Quyết đã hào phóng chi tiền hoa hồng môi giới tìm người, trả tiền thuê xe ô tô. Vào đến TPHCM, các nạn nhân được chở đi ăn uống, rồi mới dụ dỗ vượt biên sang Campuchia. Đến nơi, chủ sòng bạc yêu cầu những thanh niên ký hợp đồng lao động kèm điều khoản đền tiền nếu vi phạm.

Nỗi ám ảnh của nhóm thanh niên tìm việc nhẹ, lương cao nơi... đất hứa - 5

Khi các thanh niên bị giam lỏng và làm việc ở Campuchia thì người nhà liên tục nhận được cuộc gọi yêu cầu gửi tiền chuộc.

Công việc chính của các nạn nhân là ngồi máy tính "đào" bitcoin hoặc gọi điện thoại về nước lừa đảo. Các nạn nhân bị ép làm việc với cường độ cao, đánh đập, bỏ đói để buộc phải thối lui, vi phạm hợp đồng, chủ sử dụng viện cớ đó để bắt người thân gửi tiền sang chuộc.

Sau khi nhận tin báo, Công an tỉnh Gia Lai đã thành lập 3 tổ công tác phối hợp với Biên phòng và các Cục nghiệp vụ - Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh và  các tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, Kon Tum điều tra, mở rộng vụ án.

Qua điều tra, cơ quan điều tra xác định Trần Quang Quyết có liên quan trực tiếp đến vụ lừa đưa các thanh niên người đồng bào dân tộc Jrai tại xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) sang Campuchia làm việc.

Nỗi ám ảnh của nhóm thanh niên tìm việc nhẹ, lương cao nơi... đất hứa - 6

Để cứu được các con, người dân làng nghèo cũng ôm nợ hàng trăm triệu đồng.

Được biết, vì thiếu tiền trả nợ nên Quyết lên mạng xã hội đăng tuyển dụng việc làm rồi thực hiện hành vi lừa đảo.

Sau khi nắm được thông tin nạn nhân, Quyết liên lạc với nhiều đối tượng trong đó có Phan Ngọc Đức (SN 1990, trú tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) để móc nối với các đối tượng ở nước ngoài đưa những người trong nước vượt biên sang Campuchia. 

Tại cơ quan công an, Đức khai đã bán 7 nạn nhân ở xã Ia O, huyện Ia Grai cho một đối tượng ở Campuchia, thu về số tiền trên 300 triệu đồng và chia cho Quyết 128 triệu đồng. 

Quyết cũng đã đến Đồn Biên phòng Ia O, huyện Ia Grai đầu thú. Ngày 5/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Phan Ngọc Đức về hành vi mua bán người.

Nỗi ám ảnh của nhóm thanh niên tìm việc nhẹ, lương cao nơi... đất hứa - 7

Các thanh niên được biên phòng hỗ trợ, giải cứu từ khu vực biên giới và đưa về nhà (Ảnh: T.T).

Khi đến Đồn Biên phòng Ia O đầu thú, Quyết khai nhận, bản thân đã vào TPHCM làm thuê rồi 2 lần bị lừa bán sang Campuchia làm việc cho công ty do người Trung Quốc quản lý. Sau đó, Quyết không làm được việc nên bị ép nợ hơn 100 triệu đồng mà không có tiền trả.

"Hai người phụ nữ gốc Việt ở bên đó đã xúi giục tìm người khác đưa sang, mỗi trường hợp qua trót lọt sẽ trả khoảng 700 USD. Vì thế, tôi lên mạng xã hội tìm người quen để thực hiện hành vi lừa đảo. Tôi đã lừa 7 người ở làng Kloong vào Tây Ninh làm việc với mức lương đưa ra là 18-20 triệu đồng/tháng, sau đó thì đưa Campuchia bán", Quyết khai.

Niềm vui khi đón 7 thanh niên về lại quê hương

Sau hơn 2 tháng, cơ quan chức năng đã phối hợp để giải cứu 7 thanh niên làng Kloong, đưa về quê hương. Bà Puih Phyăn, người mẹ có hai con là Puih Thái và Puih Đại bị sập bẫy việc nhẹ, lương cao xúc động, vỡ òa khi gặp lại các con.

Ngồi bên hiên nhà, bà Phyăn ôm chặt người con trai thứ Puih Đại kể lại: "Khi nhận được điện thoại của con, tôi mừng lắm. Trước đó, nó gọi về bảo cố gắng vay mượn tiền gửi sang chuộc con về chứ bên này con khổ lắm, bị bỏ đói, đánh đập. Tôi gửi 160 triệu đồng tiền chuộc 2 cháu rồi đợi chờ trong vô vọng. Sau đó, nhờ biên phòng phối hợp giải cứu ở khu vực biên giới thì hai cháu mới về được".

Nỗi ám ảnh của nhóm thanh niên tìm việc nhẹ, lương cao nơi... đất hứa - 8

Nhóm thanh niên được hỗ trợ đưa về tận làng (Ảnh: T.T).

Tương tự, bà Ksor Sam cũng chẳng thể kìm nén, chạy đến ôm chầm lấy con trai Ksor Gum. Nước mắt mừng tủi lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo của người mẹ già sau bao ngày mong ngóng, đợi chờ con trở về.

Bà Sam nghẹn ngào nói: "Lúc này, gia đình chẳng thể nào vui sướng hơn. Nó đã trở về thật rồi, tôi sẽ không để nó đi đâu nữa, sẽ bảo ban các con làm ăn, trả nợ. Tôi hạnh phúc lắm, cảm ơn các cơ quan chức năng đã giải cứu, đưa con chúng tôi trở về an toàn, lành lặn".

Để có tiền chuộc các con trở về, các gia đình ở làng Kloong đã phải chạy khắp nơi vay mượn hàng chục triệu đồng từ người thân, hàng xóm… Cuộc sống của họ vốn đã chẳng thể dư giả, nay còn khó khăn hơn. Thế nhưng, điều quan trọng nhất đối với những gia đình này thấy các con trở về an toàn, bình yên.

Nỗi ám ảnh của nhóm thanh niên tìm việc nhẹ, lương cao nơi... đất hứa - 9

Sự việc cũng là bài học đắt giá cho các thanh niên mơ tưởng cuộc sống an nhàn, giàu có một cách dễ dàng.

Anh Gum rùng mình nhớ lại: "Em cứ nghĩ công việc máy tính đơn giản nên mới quyết tâm ra đi. Tuy nhiên, khi đến đó phải làm việc ngày đêm, bầm dập, bị bỏ đói, bị chích điện ngất lên ngất xuống. Em sợ nhất là trận đòn nhừ tử sau khi bạn đi cùng nhóm là Puih Phú (SN 2006) trốn thoát khỏi sòng bạc và được lực lượng chức năng Việt Nam hỗ trợ đưa về nước. Từ nay, em và những thanh niên trong làng đã có bài học nhớ đời để không mơ về chuyện việc nhẹ mà lương cao nữa".

Đại tá Trần Thanh Bình - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết, sau nắm được thông tin, các cơ quan của Trung ương và địa phương đã phối hợp để hỗ trợ, giải cứu các nạn nhân ở khu vực biên giới, đưa về địa phương an toàn. Qua xác minh, có thể thấy, việc dụ dỗ, tuyển chọn các nạn nhân vào phía Nam hoặc là lừa đảo sang Campuchia sẽ còn tiếp diễn.

"Hiện chúng tôi đang tích cực triển khai tuyên truyền ở khu vực biên giới. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục làm rõ và đấu tranh khai thác từ các đối tượng đã bắt giữ. Theo dự báo, thời gian tới vẫn có những diễn biến phức tạp hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, có biện pháp tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương và cấp trên để xử lý", Đại tá Trần Thanh Bình thông tin thêm.