Nở rộ dịch vụ xin nghỉ việc hộ: Sao xin nghỉ việc ở Nhật Bản khó vậy?
(Dân trí) - Cứ 6 người lao động tại Nhật Bản thì có một người đã sử dụng dịch vụ xin nghỉ việc hộ. Tại sao xin nghỉ việc tại Nhật Bản có vẻ như một "nhiệm vụ bất khả thi", phải thuê người thực hiện?
Mari mới làm việc được 2 tháng tại một ngân hàng ở Tokyo, Nhật Bản, nhưng cô đã quyết định nghỉ việc, vì thường xuyên phải làm thêm giờ và chịu nhiều áp lực khi sếp quá khắt khe.
Áp lực tâm lý quá lớn khi đi làm và nỗi ám ảnh khi phải đứng trước sếp để xin nghỉ việc khiến Mari thậm chí không dám trực tiếp nộp đơn xin nghỉ. Cô đã liên hệ với công ty Momuri để sử dụng dịch vụ xin nghỉ việc hộ.
Đại diện công ty Momuri cho biết nhu cầu đối với dịch vụ mà họ cung cấp vẫn đang gia tăng, dù đây không phải một dịch vụ mới và đã có nhiều công ty cung cấp dịch vụ này tại Nhật.
Ông Shinji Tanimoto, người đứng đầu công ty Momuri, cho biết có nhiều lý do khiến người lao động sử dụng dịch vụ xin nghỉ việc hộ. Họ có thể đã quá "ngán" môi trường làm việc, tới mức không muốn trực tiếp gặp gỡ sếp và đồng nghiệp trong quá trình xin nghỉ.
Tại Nhật, hiện có khoảng 100 công ty cung cấp dịch vụ xin nghỉ việc hộ, bao gồm từ khâu tư vấn tới chuyện trực tiếp hoàn tất quy trình nghỉ việc giúp người lao động.
Giới chuyên gia tại Nhật rất quan tâm tới hiện tượng này, họ coi đây là một sự thay đổi quan trọng trong thái độ làm việc của lao động trẻ tại Nhật.
Hiện tại, nhiều thanh niên Nhật đề cao việc cân bằng giữa công việc và đời tư. Khi thấy công việc quá áp lực, khiến tâm lý trở nên tiêu cực, họ sẽ nhanh chóng xin nghỉ.
Trong khi đó, nhiều công ty tại Nhật lại thường phải đối diện với tình trạng thiếu nhân sự. Đây là một hệ lụy của tỷ lệ sinh thấp, dân số già hóa dẫn đến thiếu hụt lao động. Vì vậy, nhiều công ty tìm đủ mọi cách để giữ chân nhân sự, ngay cả khi nhân sự đã nộp đơn xin nghỉ việc. Một số lao động còn phải tự tìm được người thay thế mình sau khi nghỉ việc. Khi ấy, quy trình xin nghỉ của họ mới được công ty hoàn tất.
Công ty Momuri cho biết, khách hàng tìm tới dịch vụ này sẽ được yêu cầu trả lời các câu hỏi cần thiết, ký một bản hợp đồng và trả mức phí từ 12.300 tới 22.000 yên (tương đương từ 2 tới 3,7 triệu đồng), tùy vào mức độ phức tạp của quy trình kết thúc hợp đồng lao động.
Thanh niên ở tuổi ngoài 20 chiếm tới 60% lượng khách hàng của công ty Momuri, trong đó có nhiều người vừa tốt nghiệp đại học.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, hơn 30% sinh viên mới ra trường tại Nhật xin nghỉ việc trong vòng 3 năm đi làm đầu tiên. Lý do khiến nhân sự trẻ xin nghỉ bao gồm: làm thêm không được trả công, lương thấp, người tuyển dụng lao động có cách hành xử khắc nghiệt...
Theo ông Shinji Tanimoto, văn hóa công ty và yêu cầu của sếp vốn được người lao động tại Nhật đề cao thực hiện. Hành động xin nghỉ việc bị xem như một sự "đào tẩu", trốn tránh trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, không thể cải thiện bản thân để thích ứng với công việc.
Dù vậy, đang có sự "lệch sóng" giữa phong cách sống của lao động trẻ và tư duy của người tuyển dụng lao động truyền thống tại Nhật.
Trước đây, một nhân sự có thể gắn bó cả đời với một công ty, trung thành, tận tụy, nỗ lực cống hiến. Đổi lại, họ sẽ nhận được lương thưởng tốt, được thăng chức về lâu dài. Việc nhân sự trẻ hiện nay có thể nhanh chóng xin nghỉ việc sau khi mới đi làm là một cú sốc tâm lý đối với chính nhân sự và người tuyển dụng lao động. Cả hai bên đều cảm thấy khó khăn, thậm chí khó chấp nhận.
Các công ty xin nghỉ việc hộ thường chứng kiến sự gia tăng số lượng khách hàng sau những đợt nghỉ lễ dài ngày, kỳ nghỉ cuối tuần hay thậm chí sau... một ngày mưa. Bởi vào những dịp này, người lao động thường có thời gian tĩnh lặng để nhìn lại công việc và cuộc sống của bản thân.
Theo công ty Mynavi, một đơn vị chuyên phân tích xu hướng của người lao động tại Nhật, trong vòng một năm trở lại đây, cứ 6 người lao động tại Nhật lại có một người sử dụng dịch vụ xin nghỉ việc hộ.