Nợ BHXH lên tới tiền tỉ, có được giảm lãi suất chậm đóng ?

(Dân trí) - “Nợ bảo hiểm xã hội là nợ đối với người lao động chứ không phải nợ với cơ quan bảo hiểm xã hội. Do vậy, chủ doanh nghiệp cần phải quan tâm tới lao động nếu không quan tâm sẽ không giữ được nguồn lực phát triển sản xuất kinh doanh”.

Nợ BHXH lên tới tiền tỉ, có được giảm lãi suất chậm đóng ? - 1

Ông Nguyễn Đức Hoà - Giám đốc BHXH Hà Nội, nhận định tại Hội nghị giải quyết vướng mắc đối với doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN). Chương trình do cơ quan BHXH Hà Nội tổ chức hôm 22/5 tại Hà Nội.

Có được giảm lãi suất chậm đóng?

 Chia sẻ nhiều khó khăn của doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN, ông Nguyễn Đức Hoà cho rằng trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh gay gắt về vốn, nguồn nhân lực, đầu ra của sản phẩm và dịch vụ khiến nhiều doanh nghiệp phải chịu áp lực cao.

“Tuy nhiên nếu vì những điều trên mà chúng ta không đóng BHXH cho người lao động theo quy định pháp luật thì khi có đơn hàng có công việc, doanh nghiệp sẽ rất khó tìm người lao động có tay nghề, trình độ để làm việc. Điều này lại có ảnh hưởng nhiều tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp” - ông Nguyễn Đức Hoà cho biết.

Ông Nguyễn Đức Hoà - Giám đốc BHXH Hà Nội, nhận định về tình hình nợ BHXH của các doanh nghiệp

Cũng theo đại diện BHXH Hà Nội, Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xử lý nguồn nợ BHXH.

Theo đó, Quyết định số 60/2015 của Chính phủ đã quy định số nợ đóng BHXH của doanh nghiệp được bóc tách và không bị tình trạng “lãi chồng lãi”. Đây là sự tháo gỡ cho doanh nghiệp về số nợ BHXH.

Trả lời về mức tính lãi suất chậm đóng BHXH và BHYT, ông Nguyễn Đức Hoà cho biết: Quy định xử lý nợ và mức tính lãi suất đã được quy định tại Luật BHXH năm 2014, Luật BHYT sửa đổi và nhiều văn bản liên quan.

Do đó, việc giảm lãi suất chậm đóng BHXH theo đề xuất của nhiều doanh nghiệp là điều không thể thực hiện được.

“Những trường hợp người lao động bị ốm đau, thai sản trong doanh nghiệp đang nợ BHXH, chủ doanh nghiệp vẫn phải trả tiền khám chữa bệnh cho người lao động. Đồng thời, cơ quan chức năng vẫn tính lãi suất cho khoản tiền chậm đóng BHYT, BHXH, không bóc tách chi phí đã chi trả như trên của doanh nghiệp …” - ông Nguyễn Đức Hoà cho biết thêm.

Trả lời về đề xuất xin khoanh nợ hoặc giảm nợ BHXH của doanh nghiệp, đại diện BHXH Hà Nội cho biết, đây là vấn đề vượt thẩm quyền của cơ quan bảo hiểm, ngay cả Luật BHXH 2014 cũng chưa quy định tới điều này.

Nợ BHXH nhiều do đâu?

Cũng tại Hội nghị, đại diện BHXH Hà Nội cũng công bố số nợ BHXH, BHYT, BHTN đến ngày 30/4. Theo đó, toàn thành phố có hơn 37.500 đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN với gần 560.000 lao động. Số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là trên 2.000 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, các cơ quan chức năng đã thực hiện 808 cuộc thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ với tổng số tiền nợ 379 tỷ đồng, thu hồi được 142 tỷ đồng.

Thống kê của BHXH Hà Nội, hết tháng 4/2019, thành phố có hơn 1.030 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 12 - 24 tháng với 150,08 tỷ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi của 7.671 lao động; hơn 1.870 đơn vị nợ 115 tỷ đồng với thời gian từ 6 - 12 tháng, ảnh hưởng quyền lợi của 11.420 lao động…

Đánh giá về kết quả triển khai, ông Nguyễn Đức Hoà cho biết dù có nhiều cố gắng nhưng tình hình nợ BHXH vẫn còn khá nhức nhối và ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi hợp pháp của hàng trăm ngàn lao động.

“Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của nhiều người sử dụng lao động chưa nghiêm túc; nhiều đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động” - đại diện BHXH Hà Nội cho biết.

Bên cạnh đó, người lao động ở một số đơn vị có nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế. Họ đã thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia hoặc sợ mất việc làm không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình.

Cũng theo BHXH Hà Nội, nhiều đại lý thu hoạt động chưa thực sự hiệu quả do nhân viên đại lý thu đa số phải kiêm nhiệm. Mặc dù các địa lý trên đã được BHXH Thành phố đào tạo, tập huấn cập nhật hàng năm nhưng vẫn có tình trạng chưa nắm chắc về chính sách BHXH, BHYT, thậm chí còn làm sai quy trình.

Hoàng Mạnh