1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Những rào cản trên con đường thành công của nữ doanh nhân

(Dân trí) - Không được học chính quy và đào tạo đầy đủ các kỹ năng kinh doanh là rào cản lớn nhất trên con đường thành công của doanh nhân nữ. Kết quả này vừa được đưa ra sau cuộc điều tra về nhu cầu của doanh nhân nữ được tiến hành với gần 500 người tại Việt Nam.

Điều tra do Chương trình Phát triển Kinh tế Tư nhân (Công ty Tài chính quốc tế) thực hiện còn cho thấy một trở ngại lớn khác đối với nữ doanh nhân là những quy định pháp luật và chính sách cản trở sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, việc tìm kiếm và duy trì lao động giỏi.

 

“Tại Việt Nam, phụ nữ đại diện cho 52% lực lượng lao động, sở hữu khoảng 30% số doanh nghiệp và đóng góp rất đáng kể cho nền kinh tế. Nữ doanh nhân cũng như những người phụ nữ khác đang có kế hoạch thành lập doanh nghiệp, nếu có nhiều cơ hội được đào tạo và tăng cường các kĩ năng kinh doanh, sẽ có thể đóng góp nhiều hơn và có ý nghĩa hơn vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia”- bà Nguyễn Phương Quỳnh Trang, GĐ Chương trình Phát triển Môi trường Kinh doanh, IFC- MPDF nhấn mạnh.

 

Liên quan đến vấn đề này, nữ doanh nhân đề nghị các nhà làm chính sách nên thiết lập những quỹ tín dụng hoặc chương trình bảo lãnh tín dụng đặc biệt nhằm khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ. Họ cũng kiến nghị thành lập một ban tư vấn đặc biệt về các vấn đề phát triển kinh doanh cho phụ nữ. Ngoài ra, vấn đề được nhiều nữ doanh nhân đề cập đến là xây dựng các chương trình giáo dục và đào tạo về các kỹ năng kinh doanh cho phụ nữ.

 

Một phát hiện đáng ngạc nhiên từ cuộc điều tra này là, trong khi nữ doanh nhân rất lạc quan về tiềm năng phát triển của Việt Nam trong vòng 2 năm tới, họ lại không lạc quan lắm về triển vọng phát triển công ty của mình. Những điều tra tương tự được tiến hành tại những nơi khác lại không đưa ra kết quả như thể.

 

Những nữ doanh nhân tham gia cuộc điều tra đại diện cho nhiều doanh nghiệp khác nhau trên cả nước. Họ là chủ những doanh nghiệp có quy mô trên trung bình và cũng có uy tín trong kinh doanh tại Việt Nam.

 

Trong số những nữ doanh nhân này, gần 40% thành viên đã kinh doanh được trên 10 năm. Doanh nghiệp của họ thuê trung bình 70 nhân viên hợp đồng dài hạn và 25 lao động ngắn hạn.

“Nếu chủ doanh nghiệp lạc quan vào triển vọng phát triển của nền kinh tế của đất nước mình, thông thường họ ít nhất cũng sẽ lạc quan như vậy vào triển vọng doanh nghiệp họ. Tuy nhiên, trong khảo sát tại Việt Nam, mức độ lạc quan của nữ doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế của doanh nghiệp mình lại thấp hơn vào triển vọng phát triển của cả nền kinh tế nói chung. Phát hiện này có thể phản ánh một thực tế là, nữ doanh nhân Việt Nam vẫn cảm thấy có một số trở ngại đang cản trở họ phát huy hết tiềm năng của mình”- bà Julie Weeks, chuyên gia tư vấn kỹ thuật của IFC về dự án này cho biết.

 

Điều tra về nhu cầu của nữ doanh nhân là một hoạt động trong chương trình hỗ trợ kỹ thuật do IFC-MPDF phối hợp với GEM với mục tiêu đưa các vấn đề về giới vào phát triển khu vực kinh tế tư nhân. 

 

Bên cạnh điều tra này, IFC-MPDF và GEM cũng đã tổ chức một số nhóm thảo luận chuyên sâu tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam nhằm tìm hiểu kỹ hơn về các vấn đề mà nữ doanh nhân đang gặp phải để cung cấp cho Ban soạn thảo Luật Bình đẳng Giới, đồng thời tạo cơ hội để ban soạn thảo có thể trao đổi và nghe phản hồi từ các chuyên gia quốc tế về dự thảo luật.

 

Thời gian qua, IFC-MPDF đã tham gia rất tích cực trong việc hỗ trợ kỹ thuật cho ban dự thảo của hai luật quan trọng đối với giới kinh doanh: Luật Đầu tư Chung và Luật Doanh nghiệp Thống nhất.

 

Nguyễn Hiền - Trần Đức