1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Những người cưỡi gió Lào, leo cột điện, ăn cơm trên đỉnh trời

Hoàng Lam

(Dân trí) - Trưa, Thắng và đồng nghiệp trải bạt, ngồi dưới lán tạm ăn cơm. Đĩa rau vừa bày ra đã héo quắt dưới mặt trời đổ lửa và gió Lào thổi ràn rạt trên đỉnh núi.

"Cưỡi" gió thi công công trình trên đỉnh núi

Đường lên vị trí xây dựng cột điện 299 (xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An) quanh co theo triền đồi. Sau quãng đường trầy trật, cuối cùng con "chiến mã" cũng bò lên được điểm thi công. Cả khoảng đồi phơi dưới ánh mặt trời.

Tốp công nhân nương theo bóng râm của chiếc xe cẩu đang ngày càng hẹp lại khi mặt trời tiến dần lên đỉnh. "Nay gió quá, leo lên cột không an toàn nên anh em làm dưới mặt đất thôi", anh Trương Văn Thắng (36 tuổi), vừa xoắn lại sợi dây cáp, vừa giải thích.

Những người cưỡi gió Lào, leo cột điện, ăn cơm trên đỉnh trời - 1

Gió to, không thể leo lên cao để lắp cột, tốp công nhân siết ốc khu vực chân cột điện tại vị trí 299, đường dây 500kV mạch 3, đoạn qua xã Nam Kim, huyện Nam Đàn (Ảnh: Hoàng Lam).

Anh Thắng quê ở thành phố Cần Thơ, theo công ty ra Nghệ An thực hiện gói thầu thi công đường dây 500kV mạch 3, đoạn qua địa phận tỉnh Nghệ An. Tổ thợ của Thắng ở nhờ trụ sở UBND xã Nam Kim, sáng lên núi, chiều tối trở về tắm táp, nghỉ ngơi.

Vị trí 299 đang thực hiện giai đoạn lắp cột. Theo thiết kế, vị trí cột nằm gần đỉnh núi, xung quanh chỉ có những bụi cây dại và dành dành. "Cột cao 86m, hiện mới lắp được gần 50m. Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng và gió Lào thổi mạnh, ảnh hưởng đến tiến độ thi công", anh Nguyễn Minh Sơn, đồng nghiệp cùng quê với anh Thắng, cho biết.   

"Dân công trình" điện như anh Thắng, anh Sơn đã quá quen với nắng nóng, nhưng lại bị ám ảnh bởi gió Lào xứ Nghệ. "Mỗi khi lên cột cũng ớn. Càng lên cao, gió càng mạnh. Có dây bảo hộ rồi nhưng vẫn sợ gió thổi bật ra khỏi vị trí. Lúc nào gió to thì anh em xuống đất, gió lặng mới lên cột", anh Sơn cho biết thêm.

Những người cưỡi gió Lào, leo cột điện, ăn cơm trên đỉnh trời - 2

Anh Thắng cho biết nắng nóng và gió Lào thổi mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công công trình (Ảnh: Hoàng Lam).

Tầm 10h, nắng đã đổ thẳng xuống đỉnh đầu nhưng gió có vẻ lặng hơn. Anh Thắng tổ trưởng, phân công anh Sơn và Trầm Cao Kỳ (25 tuổi) lên cột, siết chặt những con ốc to bằng nắm tay. Mang đai bảo hộ, 3 công nhân leo lên cột điện, đu từ nơi này sang nơi khác, dùng cờ lê siết chặt từng con ốc.

Sau khoảng 30 phút, gió bắt đầu nổi lên, anh Thắng lập tức ra hiệu cho cả tổ xuống mặt đất. Lúc này, người đưa cơm cũng vừa đến nơi. Cơm, canh, thức ăn được dọn ra trên bạt, dưới góc lán tạm. Gió Lào thổi ràn rạt trên mái lán, đĩa rau xào vừa dọn ra đã khô quắt, ngả màu thâm xì.

"Trưa anh em tranh thủ ăn trên này chứ mỗi lần xuống núi lích kích lắm. Ăn xong, tranh thủ chợp mắt tí chiều lại leo cột, hi vọng gió Lào giảm bớt để công trình kịp tiến độ", khuôn mặt anh Thắng đỏ gay dưới cái nóng hầm hập trong lán.

"Vượt nắng, thắng gió" 

Các vị trí trụ điện 299 mấy quả đồi là trụ 302. Đường dốc đứng, xe máy không thể leo lên nổi, muốn tới nơi phải cuốc bộ. Nắng hoa mắt, mồm miệng thi nhau thở, đá dưới chân trơn tuột cứ kéo người tụt lại. Chiếc xe cẩu rú ga kéo theo máy phát hơi nén lên dốc, nhích từng chút.

Tại vị trí này, toàn bộ phần dựng cột điện đã xong, đội thi công chính đã rút sang chi viện kéo dây ở vị trí khác, cách hơn 20km. Chỉ còn tổ máy xúc đào đường hào ngăn nước từ đỉnh núi xuống và tốp thợ thi công phần tiếp địa.

Những người cưỡi gió Lào, leo cột điện, ăn cơm trên đỉnh trời - 3

Các đơn vị đang chạy đua với thời gian và điều kiện khí hậu khắc nghiệt để đảm bảo tiến độ (Ảnh: Hoàng Lam).

Cột dựng gần đỉnh núi, tiếng máy nổ như rền vang xa hơn. Anh Nguyễn Văn Trung (quê xã Nam Kim, Nam Đàn) và tổ thợ của mình vừa hoàn thành việc đào trụ để lắp tiếp địa.

"Mỗi vị trí tiếp địa phải khoan sâu 15m. Tiến độ lắp tiếp địa còn phụ thuộc vào nền địa chất. Nếu khoan đúng khu vực đá thì mất nhiều thời gian hơn. Nắng nóng tuy vất vả nhưng phải tranh thủ chứ nếu trời mưa, nước cuốn đất đá xuống hố, sẽ mất nhiều thời gian hơn", anh Trung cho biết.

Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, công đoạn lắp tiếp địa kéo dài khoảng 10 ngày. Về cơ bản, các hố móng của tiếp địa đã hoàn tất, anh Trung và tổ thợ đang khẩn trương hàn các thanh tiếp địa để kịp hoàn thành, bàn giao cho đơn vị thi công kéo đường dây và lắp sứ.

Những người cưỡi gió Lào, leo cột điện, ăn cơm trên đỉnh trời - 4

Thi công khoảng néo đầu tiên thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3, đoạn qua tỉnh Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).

Ông Lê Văn Tám, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV xây lắp điện 2 (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị thực hiện 3 gói thầu thuộc Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch (Quảng Bình) - Quỳnh Lưu (Nghệ An) và 1 gói thầu thuộc Dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa.

Với 300 kỹ sư, công nhân và tinh thần quyết tâm cao, đến nay 47/47 vị trí móng do đơn vị thi công hoàn thành trước thời hạn. Công ty cũng hỗ trợ nhân lực cho một số đơn vị khác để đảm bảo các công trình về đích đúng tiến độ.  

Dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài 99,99km với 202 vị trí móng cột, 88 khoảng néo. Đến nay, các nhà thầu hoàn thành đúc móng 202/202 vị trí; dựng xong 76 vị trí cột, đang dựng 70 vị trí cột, 56 vị trí đã đúc xong móng, chưa chuyển bước dựng cột.

Những người cưỡi gió Lào, leo cột điện, ăn cơm trên đỉnh trời - 5

Gần 80 vị trí cột đã hoàn thành, các đơn vị thi công đang dồn nhân lực, phương tiện để phấn đấu hoàn thành dự án vào cuối tháng 6 (Ảnh: Hoàng Lam).

Từ ngày 16/6, đơn vị thi công bắt đầu kéo dây khoảng néo 337-338 thuộc địa bàn xã Nam Thái, huyện Nam Đàn với chiều dài 392m. Đây cũng là khoảng néo đầu tiên trên tuyến đường dây 500kV mạch 3 qua địa bàn tỉnh Nghệ An.

Dự kiến, đến ngày 19/6, đơn vị thi công hoàn thành việc kéo dây khoảng néo này. Các đơn vị thi công khác cũng đã có kế hoạch kéo lần lượt các khoảng néo còn lại trong thời gian tới, quyết tâm hoàn thành dự án năng lượng trọng điểm này trước ngày 30/6, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.