1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Công nhân Singapore đối mặt thách thức kiệt quệ về tinh thần lẫn thể chất

Hạ Di

(Dân trí) - Một cuộc khảo sát gần đây của nhà cung cấp công nghệ y tế Telus Health cho thấy gần một nửa số công nhân ở Singapore cảm thấy kiệt sức sau ngày làm việc.

Mới đây, khảo sát của công ty Telus Health (Canada) đã chỉ ra nguy cơ kiệt sức và nhu cầu được hỗ trợ sức khỏe tâm thần của người lao động tại Singapore ngày càng tăng. Đây là cuộc khảo sát được thực hiện với sự tham gia của 1.000 công nhân tại nước này.

Theo đó, 47% công nhân ở Singapore cảm thấy kiệt sức về tinh thần và thể chất vì công việc của họ.

Công nhân Singapore đối mặt thách thức kiệt quệ về tinh thần lẫn thể chất - 1

Gần một nửa số lượng công nhân ở Singapore cảm thấy kiệt sức (Ảnh minh họa: Freepik).

Giám đốc Telus Health tại Châu Á, Haider Amir, cho biết, chán việc là 1 trong 3 triệu chứng chính của tình trạng kiệt sức, đặc trưng là hiệu suất làm việc giảm sút và thái độ hoài nghi.

Nghiên cứu cho thấy 2/3 số công nhân ở đây có ít nhất 1 trong 3 dấu hiệu kiệt sức này. Trong đó, số lượng những người dưới 40 tuổi có nguy cơ cảm thấy cực kỳ kiệt sức và không có động lực làm việc, cao gấp 3 lần so với những công nhân trên 50 tuổi.

27% công nhân cho biết lý do hàng đầu dẫn đến kiệt sức là do phải làm quá nhiều việc. Các lý do khác bao gồm có quá nhiều nhu cầu cá nhân (16%), thiếu sự công nhận (13%) và lo lắng về việc mất việc hoặc thiếu sự hỗ trợ cho công việc (9%).

Về việc không có động lực làm việc, 26% công nhân cho rằng là bởi họ cảm giác không được tôn trọng. Ngoài ra, họ cũng chia sẻ nguyên nhân là do cảm thấy công việc nhàm chán và thường xung đột với đồng nghiệp.

Đáng chú ý, 52% người lao động cho biết nơi làm việc của họ không cung cấp các chương trình sức khỏe tâm thần như tư vấn bí mật hay cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tiến sĩ John Shepherd Lim, Giám đốc phúc lợi của Trung tâm Tư vấn Singapore, cho biết tình trạng kiệt sức kéo dài mà không được giải quyết có thể dẫn đến trầm cảm lâm sàng và rối loạn lo âu.

"Việc bỏ bê những công nhân bị kiệt sức có thể khiến doanh nghiệp phải trả giá đắt về mặt kinh tế, chẳng hạn như mất năng suất và tăng chi phí y tế về lâu dài", ông nói.

Theo Giám đốc điều hành của PeopleWorldwide Consulting, David Leong, các công nhân cảm thấy kiệt sức vì không thể ngừng làm việc kể cả đã tan ca.

Văn hóa làm việc "luôn có mặt" với chiếc điện thoại lúc nào cũng phải mở chuông, khiến người lao động cảm thấy mệt mỏi.

 "Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của nhân viên mà còn làm giảm năng suất, tăng tình trạng vắng mặt và dẫn đến tỷ lệ thôi việc cao hơn", ông nói.

Ông chia sẻ thêm rằng các tổ chức nên chủ động tạo ra môi trường làm việc lành mạnh hơn. Họ có thể thường xuyên đánh giá, quản lý khối lượng công việc của nhân viên, đưa ra cách sắp xếp công việc linh hoạt và cung cấp hỗ trợ về sức khỏe tâm thần như dịch vụ tư vấn hoặc chương trình chăm sóc sức khỏe.

Ông Paul Heng, người sáng lập và huấn luyện viên điều hành của NeXT Career Consulting Group, Châu Á, cũng kêu gọi người lao động hãy làm chủ sức khỏe tinh thần của mình.

"Tìm kiếm sự giúp đỡ không có nghĩa là bạn không đủ năng lực. Mà có nghĩa là bạn đủ khôn ngoan để nhận ra rằng mình cần được giúp đỡ", ông cho hay.

Theo www.asiaone.com