1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghề nữ cửu vạn

Không chỉ vất vả vì phải gánh trên đôi vai mềm những bao tải hàng cồng kềnh, những nữ cửu vạn còn ấm ức vì bị đối xử thiếu công bằng…

6h. Chợ Đồng Xuân đã tấp nập người mua kẻ bán. Len giữa dòng người đông đúc là trên 100 nữ cửu vạn đang bước vào một ngày làm việc mới. Trên tay cầm chiếc đòn gánh và mấy sợi dây thừng, dăm ba chị tạo thành một nhóm chiếm lĩnh một góc chợ, nhận khuân vác, gánh hàng thuê cho những người đi mua sắm hoặc bốc hàng cho các chủ sạp tạp hóa trong chợ.

 

Tôi để ý một chị trạc 30 tuổi, quấn chiếc khăn len quanh trán, đầu đội chiếc nón cũ mèm, chân đi dép lê đang cố lấy đà đưa một chiếc bao tải to gấp đôi thân hình mảnh khảnh của mình lên vai. Sức nặng của chiếc bao tải khiến chị phải khom lưng, lò dò từng bước một xuống từng bậc cầu thang từ tầng 3 xuống cổng chợ. Thi thoảng, người đi đường lại va phải chiếc bao tải khiến chị lảo đảo vài bước, khi thì ngã sang trái, lúc chạy sang phải để lấy lại thăng bằng. Mãi rồi nữ cửu vạn cũng cõng được đống hàng đến đích. Chiếc bao tải từ trên vai chị rơi xuống đất nghe "bịch" một cái.

 

Trời đang trở gió mùa đông bắc nhưng mồ hôi lấm tấm lưng áo người phụ nữ. Vừa thở hổn hển, chị vừa đưa tay nhận mấy nghìn bạc lẻ từ chủ bao hàng. Đợi nữ cửu vạn trở lại vị trí chờ chủ hàng khác đến thuê, tôi lân la hỏi chuyện. Chị là Đinh Thị Thái (ngụ tại huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây). Nhà có hai vợ chồng và ba đứa con nên để có tiền trang trải cho cuộc sống hằng ngày, đóng tiền học cho bọn trẻ, trong những lúc nông nhàn, chị Thái cắp đòn gánh lên Hà Nội gánh hàng thuê. Số tiền kiếm được sau mỗi cuốc hàng tùy thuộc vào quãng đường vận chuyển và trọng lượng của hàng hóa, nhưng thông thường chị Thái và những nữ cửu vạn ở đây chỉ nhặt nhạnh được từ 500 đồng đến 5 ngàn đồng. Chị Thái chép miệng: "Số tiền tuy ít, nhưng nếu ở quê tôi cũng chẳng biết làm gì để mỗi ngày kiếm được vài ba chục ngàn đồng. Vất vả thật đấy nhưng vẫn phải làm…".

 

Tại tầng 2 của khu chợ, tôi bắt gặp một nữ cửu vạn đang đứng chờ việc. Hễ thấy ai đó khệ nệ là chị nhanh nhảu mời chào: "Anh/chị để em gánh hộ hàng cho". Trò chuyện với tôi, chị Nguyễn Thị Rui (tên người phụ nữ), là hàng xóm của chị Thái, cho biết: "Làm nghề này như người đi câu ấy. Hôm nào "xuân", khách đông, kiếm được chút đỉnh. Gặp những ngày đen đủi, đứng mỏi cả chân, mời chào đến mỏi miệng cũng chỉ kiếm được dăm cuốc". Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang bởi một người đi chợ đến thuê chị Rui vác mấy túi xách, lỉnh kỉnh hàng hóa xuống cổng chợ với giá 2 ngàn đồng.

 

12h30. Tôi bắt gặp chị Thái và chị Rui đang đứng ăn trưa tại một góc chợ. Suất ăn chỉ có cơm, mấy gắp rau, ít dưa và 2 miếng thịt ba chỉ thái mỏng. Chị Thái thật thà: "Mỗi ngày tôi ăn 3 bữa, tổng cộng hết 10 ngàn đồng. Phải tiết kiệm vì tiền làm ra có được bao nhiêu đâu. Phải chắt bóp còn để dành gửi về quê nuôi con nữa chứ !".

 

Qua trò chuyện, tôi được biết, ngoài nỗi vất vả mưu sinh, những nữ cửu vạn còn phải chịu nhiều điều tiếng, đôi khi bị đối xử một cách thô bạo. Chuyện các nữ cửu vạn bị chửi, bị sờ soạng, bị bạo hành bởi những chủ hàng diễn ra như cơm bữa. Ngay sáng tôi có mặt tại chợ cũng bắt gặp một nữ cửu vạn bị chủ một sạp tạp hóa trên tầng 2 vo mấy tờ giấy lộn ném vào giữa mặt và quát: "Đi ra chỗ khác cho bố mày bán hàng. Đ.M, đứng đó làm tắc đường bây giờ !"... Chị Rui cho biết: "Có một số ít người gánh thuê hay ăn cắp vặt, rảnh ra là lấy đồ của khách. Ai làm, người đó chịu chứ cứ đánh đồng rồi coi chúng tôi như vậy là không công bằng. Chúng tôi đi làm thuê, bán sức lao động lấy tiền đấy chứ !”...

 

20h. Tôi theo chị Thái về khu nhà trọ bên phố Hàng Khoai. Đó là một căn phòng rộng chưa đầy 18m2 nhưng có tới trên 20 người trú ngụ. Trong phòng không có lấy một thứ đồ đạc gì ngoài mấy chục chiếc đòn gánh và đống dây thừng. Lấy manh chiếu cũ trải xuống nền nhà, cầm chiếc chăn mỏng trên tay, chị Thái cho biết: "Chị em chúng tôi thuê chỗ ngủ theo ngày. Mỗi đêm, bà chủ nhà thu 4 ngàn đồng. Ngủ đêm nào trả tiền tươi đêm đó". Ngồi xuống manh chiếu, chị Thái móc trong túi ra một nắm tiền lẻ, cẩn thận vuốt phẳng từng đồng 500, 1.000, 2.000 một rồi lẩm nhẩm đếm... 34 ngàn đồng cả thảy. Tôi ra về trước khi nhìn thấy mấy chục nữ cửu vạn đang nằm, ngồi la liệt như cá mòi trong căn phòng chật chội.

 

6h sáng mai, chị Thái và những người bạn gánh gồng của mình lại vác đòn gánh ra chợ bắt đầu một ngày mới. Ở quê nhà, những đứa con của các chị đang ngóng chờ những đồng bạc ít ỏi từ Hà Nội gửi về qua đường bưu điện...

 

Theo Thanh Niên