Nhân sự trẻ xin nghỉ làm, bị trừ lương vì đi trễ hậu lễ Quốc khánh
(Dân trí) - "Nếu đi làm ngay sau ngày lễ thì dễ bị tắc đường, đến cơ quan thì trở nên uể oải, không tập trung. Vậy nên tôi xin nghỉ thêm một ngày để lấy lại năng lượng", Phương Hằng nói.
Ngày đầu tiên trở lại công sở sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Phương Hằng (23 tuổi, ngụ tại quận 4, TPHCM), một nhân viên văn phòng, đã dậy từ sớm. Hằng xuất phát lúc 5h, đi từ quê nhà ở tỉnh Bình Dương để mong đến cơ quan ở trung tâm TPHCM lúc 8h, nhưng nhiều đoạn đường kẹt cứng.
Ngẫm việc đi trễ sẽ bị trừ lương, cộng thêm tinh thần uể oải khi vừa vượt qua "cơn" tắc đường, Hằng quyết định… cáo bệnh, xin sếp cho nghỉ thêm một ngày nữa.
"Mọi khi, tôi đi từ quê đến TPHCM chỉ mất khoảng 2 tiếng, nhưng hôm nay mất gần 3 tiếng mới đến. Về đến thành phố thì cũng gần 8h, quần áo tôi ướt nhem vì trời mưa. Tôi không còn tinh thần nào đến cơ quan nữa nên xin nghỉ đột xuất", Hằng chia sẻ.
Tương tự Phương Hằng, Huỳnh Như (25 tuổi, ngụ tại quận Hóc Môn) bộc bạch bản thân cũng trễ giờ làm vì bị tắc đường. Cô gái chia sẻ, vì nhà xa nên Như thường dậy từ sớm để đi làm. Huỳnh Như ngỡ sau ngày lễ, đường sá sẽ thông thoáng, thời gian di chuyển từ nhà đến cơ quan sẽ như thường lệ. Thế nhưng, Như đã bị trễ hơn 15 phút.
"Vì đi trễ nên tôi bị trừ lương, trách phạt trong nhóm chat của công ty. Có lẽ bản thân sẽ rút kinh nghiệm, kỳ lễ tiếp theo đi sớm hơn một chút để không phạm lỗi một lần nữa", Như bộc bạch.
Trong một nhóm nhân sự với hàng chục nghìn thành viên trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ đã chủ động xin nghỉ thêm một ngày để giữ đầu óc thoải mái, thoát khỏi sự vương vấn của kỳ nghỉ lễ.
Trâm Anh (26 tuổi, ngụ tại quận 12) cho hay trong số những ngày nghỉ phép trong năm, cô hầu như chỉ dùng để xin nghỉ thêm một ngày sau kỳ nghỉ lễ.
"Một phần là vì sợ đường sá còn đông đúc, một phần là do bản thân tôi thường dành rất nhiều thời gian cho các hoạt động bên cạnh gia đình trong kỳ nghỉ. Vì thế, điều này khiến tôi mất sức hơn thường ngày. Đó là nguyên nhân tôi cần thêm một ngày nữa để nghỉ ngơi", Trâm Anh bộc bạch.
Trâm Anh chia sẻ người thân là thứ quan trọng nhất đối với cô. Quê tại tỉnh An Giang, xa nhà hơn 5 năm để lập nghiệp tại TPHCM, cô gái hầu như nhớ nhà và gọi về cho ba mẹ mỗi ngày.
Thấu hiểu nỗi lòng của Trâm Anh, cấp trên cũng luôn đồng ý cho cô nghỉ thêm một ngày sau các kỳ nghỉ lễ. Đợt lễ Quốc khánh 2/9 này, Trâm Anh vừa được thưởng 2 triệu đồng.
Nữ nhân viên văn phòng đã trích một nửa để biếu ba mẹ, phần còn lại dành chi trả phí di chuyển, vui chơi trong những ngày này.