Nhân sự trẻ, nhiều người rất giỏi sao... không ai chơi?
(Dân trí) - Nhân sự GenZ giỏi, năng động, tự tin nhưng... cần thêm sự khiêm tốn, biết mình biết ta.
Thái độ của lao động trẻ là vấn đề được các chuyên gia nhân sự đặt ra tại tọa đàm "Nhân sự Gen Z và những xu hướng tuyển dụng mới nhất" thuộc khuôn khổ ngày hội việc làm do Trung tâm hỗ trợ học sinh - sinh viên TPHCM tổ chức ngày 3/4.
Ngày hội thu hút hơn 150 doanh nghiệp tham gia, mang đến 8.000 việc làm chuyên môn, bán thời gian, thực tập.
Nhân sự Gen Z cần... khiêm tốn
TS Đinh Mộng Kha, Giám đốc điều hành công ty chuyên cung cấp các giải pháp tiếp thị cho hay, từ năm 2021, doanh nghiệp bắt đầu nhắc nhiều đến thuật ngữ VUCA nói về sự bất ổn, biến động, mơ hồ. Nay những điều đó đã ứng nghiệm, trở thành thực tế. VUCA là từ viết tắt, dùng để mô tả về thế giới "đa cực", được xác lập khi thỏa mãn 4 điều kiện: Biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity)
Thị trường lao động hiện đang ở thời điểm khó khăn nhưng theo bà Kha, người giỏi luôn có "đất dụng võ". Đặc biệt, nhà tuyển dụng giờ đây rất quan tâm đến thái độ của ứng viên, trong đó, trung thực luôn là tiêu chí hàng đầu.
"Trung thực không phải là "có gì nói đó" mà là việc nói, suy nghĩ và hành động có sự nhất quán với nhau, là sự cam kết với những gì mình nói, mình nghĩ và hành động", bà Kha cho hay.
Bên cạnh trung thực là thái độ làm việc, hợp tác. Bà Kha cho biết, có người rất giỏi nhưng không làm việc được với ai, không chơi được với ai và không ai chơi với họ.
TS Đinh Mộng Kha nhận xét, các bạn Gen Z hiện nay rất giỏi, rất tự tin, rất tài năng, năng động hơn thế hệ trước rất nhiều.
"Tuy nhiên, các bạn Gen Z cần thêm một chút khiêm tốn, biết mình biết ta. Thông thường thì mình giỏi, mình đẹp, mình có quyền "chảnh" nhưng nếu biết tiết chế điều đó, các bạn sẽ trở thành món hàng đắt giá, có giá trị trong mắt nhà tuyển dụng", bà Kha nêu quan điểm.
Nữ giám đốc chia sẻ, ranh giới giữa tự tin và tự cao rất mong manh. Tự tin là tin vào chính mình, còn tự cao là nghiêng về thái độ trịnh thượng, hay chỉ trích người khác. Đây là "lỗi" mà nhiều nhân sự Gen Z gặp phải, có thể xuất phát từ việc họ kỳ vọng cao từ sếp, từ những người đi trước.
Bà Kha cũng nói thêm, nhiều bạn Gen Z nhanh nhạy nhưng khả năng chịu áp lực chưa cao. Có nhiều bạn muốn dấn thân và được tạo cơ hội nhưng chỉ cần "đụng" chút chuyện là than khó ngay. Có khi khách hàng mới than "sao trễ vậy" là có bạn ngồi góc khóc rồi nộp đơn xin nghỉ vì cho rằng mình chọn sai ngành.
"Chắt chiu" hơn trong tuyển dụng
Ông Võ Hùng Thái Thụy, Phó tổng giám đốc một công ty công nghệ cho rằng, tình hình kinh tế biến động, các doanh nghiệp rất đắn đo, cân nhắc về chi phí, trong đó có chi phí nhân lực. Doanh nghiệp sẽ nâng tiêu chí tuyển dụng lên và "chắt chiu" kỹ lưỡng hơn trong tuyển dụng.
Nói thêm về sự "chắt chiu" này, ông Thụy phân tích, nhà tuyển dụng rất quan tâm đến thái độ của ứng viên, chiếm đến 70% khi tuyển dụng. Thái độ ở đây gồm tính trung thực, tính cam kết và tư duy hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Minh, lãnh đạo một công ty thời trang và mỹ phẩm cho biết, dù khó khăn, các doanh nghiệp vẫn miệt mài tìm người, nhu cầu tuyển dụng vẫn rất lớn.
"Rất nhiều cơ hội cho sinh viên ra trường nhưng điều quan trọng là các bạn có thật sự muốn tham gia vào thị trường lao động và sẵn sàng để làm việc hay không?", ông Minh đặt vấn đề.
Cùng góc nhìn, ông Ngô Cao Hoài Linh, Giám đốc Trung tâm phát triển năng lực sinh viên, trường Đại học Văn Lang bày tỏ, tác động của dịch Covid-19 và sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, suy thoái kinh tế dẫn đến quá trình đào thải nhân sự rất khốc liệt trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Nhưng theo ông Linh, các doanh nghiệp đang "ém" mình lại, chuẩn bị để tái cấu trúc, lo cho kế hoạch dài hạn. Việc làm sẽ không thiếu, vấn đề là các bạn sinh viên cần phải làm gì để luôn có tâm thế sẵn sàng.
Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, mỗi năm TPHCM sẽ có khoảng 310.000 - 330.000 chỗ làm việc, trong đó khoảng 135.000 - 140.000 chỗ làm việc mới.
Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm và hóa chất - nhựa cao su) có 65.100 - 69.300 chỗ làm việc/năm; 9 nhóm ngành kinh tế - dịch vụ (như tài chính - ngân hàng, giáo dục, bất động sản, du lịch, viễn thông...) có 170.500 - 181.500 chỗ làm/năm.
Đến năm 2025, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 87%, trong đó trình độ đại học chiếm 19%, cao đẳng chiếm 16%, trung cấp chiếm 28%...
Khảo sát từ doanh nghiệp, ông Triết cho hay, nhà tuyển dụng hiện nay yêu cầu ở sinh viên 4 tiêu chí gồm: nắm vững nghiệp vụ chuyên môn; trang bị các kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm, lắng nghe...; hiểu về nội quy, quy định tác phong trong lao động và hiểu biết về các quy định về pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động.
"Khi ứng viên có năng lực, thái độ tốt thì họ sẽ đứng ở vị trí đi chọn nhà tuyển dụng chứ không phải nhà tuyển dụng chọn mình", TS Đinh Mộng Kha bày tỏ.