Nguy cơ mất thị trường XKLĐ của Việt Nam
Gần đây ở những thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, tình trạng người lao động Việt Nam bỏ trốn đang ở mức báo động. Điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành xuất khẩu lao động Việt Nam. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, Việt Nam sẽ mất hoàn toàn các thị trường lớn.
Tại nhà tạm giữ người nước ngoài tại thành phố Đài Bắc. Phần lớn người bị giữ là lao động Việt Nam. Đây chỉ là số ít của hàng nghìn lao động Việt Nam xé bỏ hợp đồng lao động ở Đài Loan. Số lao động Việt Nam bỏ trốn chưa bắt được hiện nay là gần 9000 người.
Những người hiện đang bị giam giữ ở các đồn cảnh sát là do phạm thêm các tội khác như sử dụng giấy tờ giả. Do thiếu hiểu biết và bị dụ dỗ có một mức lương cao hơn, các cô gái đã nhờ ông bà chủ, hay một trung gian làm giấy tờ mà không biết rằng đó là giấy tờ giả mạo.
Ông Phạm Trấn Hoan, Phó trưởng Chi cục Cảnh sát TP Bát Đức, Đài Loan cho biết: "Đồn của chúng tôi trong trường hợp phát hiện có lao động bỏ trốn sẽ lập tức cử người đến bắt theo lệnh của cnh sát, có 2 trường hợp xử lý là: Nếu không vi phạm pháp luật sau khi hoàn tất thủ tục hồ sơ sẽ đưa về nước, còn nếu vi phạm pháp luật thì phải gửi hồ sơ đến toà án".
Trường hợp sử dụng giấy tờ giả sẽ phải đối mặt với án phạt tù hoặc tiền. Nếu đủ hồ sơ, trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan. Những người cố tình vi phạm luật pháp nước ngoài, vô hình trung đã phá hoại uy tín của lao động Việt Nam.
Trước tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn như hiện nay, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã tuyên bố sẽ đóng cửa thị trường. Và đã có lúc, phía nước ngoài đã không tiếp nhận lao động Việt Nam. Muốn thay đổi ý thức của người lao động và để đảm bảo lợi ích chung, rất cần có những quy định pháp lý có tính chất răn đe đối với những lao động cố tình bỏ trốn bị đưa về nước.
Theo VTV