Người thợ cơ khí với những chiếc máy thương hiệu Việt
(Dân trí) - Sinh năm 1934, ông Phạm Xuân Tuất được gia đình cho ăn học tử tế, những mong sau này sẽ trở thành ông nọ bà kia. Nhưng cả sự nghiệp của ông lại gắn với nghề cơ khí. Chiếc máy nghiền búa đa năng do ông chế tạo là niềm tự hào suốt nhiều thập niên của nền cơ khí Hà Nội.
Phải hẹn mấy lần tôi mới gặp được ông Tuất. Nhà ông ở ngõ 82 Kim Mã, Hà Nội. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông bận bịu suốt ngày.
Thương hiệu cơ khí Phúc Long
Những năm 30 của thế kỷ XX, phố Phùng Hưng (Hà Nội) lúc đó thường gọi là phố Hăng-ri-đốc-lê-ăng, là nơi tập trung nhiều cửa hàng sửa chữa cơ khí và bán các sản phẩm cơ khí nhập từ Pháp. Ông nội của ông Tuất mang nghề rèn từ làng nghề Vân Canh - Hoài Đức ra lập nghiệp ở số 173 trước đó cả mấy chục năm.
Đến đời bố ông Tuất, xưởng sửa chữa ô tô mang tên Phúc Long của gia đình làm ăn rất phát đạt. Ông cụ lập thêm một xưởng cơ khí chuyên sản xuất cửa hoa, cửa xếp. Sản phẩm không có bất cứ mối hàn nào, chỉ ghép nối với nhau bằng mộng thép và được tán rất khéo. Rất nhiều ngôi biệt thự ở Hà Nội đã dùng cửa Phúc Long và còn tồn tại đến ngày nay.
Ông Tuất nhớ lại, mới hơn chục tuổi đầu mà ông đã rất quen thuộc với nghề cơ khí. Những năm 1946-1947, người Hà Nội mới hồi cư. Phố phường lúc đó vắng hoe, thợ thuyền rất thiếu. Vì thế mà ông Tuất vừa đi học, vừa làm giúp gia đình. Chính từ đó, ông đã học được rất nhiều ngón nghề cơ khí. Tới khi trưởng thành, ông quyết định theo nghề tổ tiên, chú tâm vào cơ khí.
Thời bấy giờ Việt Nam không tự sản xuất được xích lô mà phải nhập từ Pháp. Ông Tuất - lúc ấy đã là chủ hãng cơ khí Phúc Long - quyết tâm nghiên cứu mẫu xích lô Omic của Pháp cải tiến cho phù hợp với người Việt Nam. Những chiếc xích lô hiệu Phúc Long ra đời, đẹp và thanh nhã. Ông Tuất bồi hồi: “Thời ấy xích lô của chúng tôi bán toàn miền Bắc. Làm xích lô cho Hà Nội một kiểu, nhưng cho Hải Phòng hoặc các nơi khác lại phải theo một kiểu khác”.
Xích lô Phúc Long đã đánh bại xích lô Pháp ngay từ ngày đầu: Kiểu dáng đẹp, thanh lịch, chất lượng tốt mà giá cả lại rẻ hơn từ 30-40%. Những ông chủ cho thuê xích lô lớn nhất của Hà Nội như Đức Âm (chủ rạp Đại Nam), Đức Kim đều đặt hàng của Phúc Long, tới hàng trăm chiếc. Ông Tuất còn nhớ, hồi ấy xưởng chỉ được nghỉ đúng ngày mùng 1 Tết, còn trước và sau đó vẫn hoạt động bình thường. Xích lô làm ra cái nào bán hết cái ấy.
Xích lô của Pháp bán với giá 6.000 đồng Đông Dương mà phải làm hợp đồng đặt hàng trước tới vài tháng, trong khi đó nhà ông bán khoảng 3.000-4.000 đồng Đông Dương/chiếc, hàng lại sẵn có. Khi ấy, mới mười mấy tuổi ông đã là chủ hãng xích lô Phúc Long nổi tiếng.
Từ xích lô tới máy nghiền đa năng
Rồi thì thời của xích lô cũng qua. Đó là những năm 1954, ta tiếp quản Hà Nội. Ông Tuất không sản xuất xích lô nữa mà chuyển sang sản xuất máy galôgen gắn vào xe ô tô để chạy than thay thế cho xăng, vốn là nhiên liệu rất khan hiếm lúc bấy giờ. Việc làm không hết, ông Tuất nói: “Cái khó nó ló cái khôn. Trong hoàn cảnh khó khăn mình mới nảy sinh ra được các sáng kiến. Rồi làm nhiều sẽ có kinh nghiệm”.
Đến năm 1959, miền Bắc bấy giờ đi lên Chủ nghĩa xã hội, phong trào thi đua sản xuất đâu đâu cũng mạnh. Ông Tuất gia nhập tổ cơ khí của HTX Hoàng Diệu. Bấy giờ ông nhận thấy nhu cầu xay xát của nhân dân rất nhiều mà máy móc thì thiếu. Thế là ông quyết tâm nghiên cứu tính năng máy nghiền Gonda của Nhật chuyên nghiền khoáng sản, để cải tiến thành máy nghiền đa năng có thể nghiền nhiều loại nguyên liệu: “Tôi nhặt lại một chiếc máy từ đời cổ lai hy của một hãng sơn, đem về tháo tung ra nghiên cứu. Máy móc phức tạp, thất bại nhiều, nhưng tôi không nản”. Cuối cùng thì chiếc máy nghiền đa năng của ông cũng ra đời.
Thay vì chỉ nghiền được khoáng sản, nó có thể nghiền... đủ thứ: Nguyên liệu từ nông sản, lâm sản, khoáng sản, dược... Ngay sau đó, chiếc máy nghiền của ông đã trở nên thông dụng ở khắp nơi, khắp các nông trường, nhà máy. Năm ấy ông Tuất mới hơn hai chục tuổi đầu.
Có điều, chiếc máy luôn thuộc về HTX Hoàng Diệu, chứ nó chẳng thuộc về ông. Ông Tuất trầm buồn: “Mặc dù chính tay tôi làm từ đầu đến cuối, nhưng bao giờ trên thân máy cũng ghi HTX Hoàng Diệu chế tạo, chứ chẳng ghi tên tôi”. Chỉ tới năm 1975, khi mô hình HTX trở nên rời rạc, ông Tuất bỏ về mở xưởng sản xuất riêng thì đứa con ấy mới được mang tên ông.
Cho mãi tới sau này, chiếc máy nghiền vẫn luôn tỏ ra rất lợi hại. Nó không chỉ xay nghiền nông lâm sản, mà còn xay nghiền khoáng sản cho ngành hoá chất, xay ôxít đồng cho quân đội, xay dược liệu cho các nhà máy dược, xay nguyên liệu chế biến xuất khẩu... Đến mức, tới tận bây giờ mặc dù ông Tuất đã già nhưng vẫn có người đặt hàng. Máy ông bán tới hàng chục triệu, đắt gấp rưỡi giá thị trường, nhưng “tiền nào của ấy”, người ta vẫn đặt hàng ông đều đều. Và thế là ông vẫn túc tắc, đỡ buồn chân buồn tay.
Giờ đã hơn 70 tuổi, nhưng chưa bao giờ ông Tuất tỏ ý hối tiếc vì đã theo nghiệp thợ. Giờ đây, nhiều kỹ sư vẫn tìm đến ông, truyện trò trao đổi một cách tôn kính. Ông nhận xét, họ có học có hơn. Họ có nhiều lý thuyết mà nếu biết tiếp thu, ông sẽ vận dụng được nhiều thứ. Phần ông, ông có cả một bề dày kinh nghiệm. “Mình ứng dụng được mà không diễn đạt được nên lời - ông Tuất nói - còn họ thì nắm chắc lý thuyết nhưng lúng túng khi vận vào thực tiễn. Hai bên học hỏi lẫn nhau, rất tốt. Tôi còn phải học nhiều nữa anh ạ, học đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa hết...”.
Án Văn Long