1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người nuôi nghêu kể chuyện "hét giá" mà bất ngờ bán sạch trong một buổi

Hoàng Lam

(Dân trí) - Đưa ra mức giá 50.000 đồng/kg, ông Quyết sợ không bán được còn bị "úynh". Không ngờ, số nghêu dự kiến tiêu thụ trong 3 ngày đã được bán hết trong một buổi.

Tạo hơn 4.300 việc làm mới

Ngày 23/3, tại Nghệ An diễn ra hội thảo tổng kết dự án "Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam". Dự án do Liên minh châu Âu tài trợ, triển khai ở các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Tiền Giang, Trà Vinh và Bến Tre từ năm 2018 đến 2023.

Người nuôi nghêu kể chuyện hét giá mà bất ngờ bán sạch trong một buổi - 1

Dự án phát triển tre được triển khai tại 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa (Ảnh: BTC).

Năm 2018, khoảng 1,5 triệu người sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam có nguồn thu nhập từ sản xuất, chế biến nghêu và tre. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh từ tre và nghêu gặp nhiều khó khăn đầu vào, thị trường tiêu thụ, công nghệ chế biến... dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao.

Dự án được triển khai với mục tiêu góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam, thông qua hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ nâng cao thu nhập và vị thế của họ; hỗ trợ các nhà sản xuất và chế biến nghêu, tre áp dụng các thực hành sản xuất bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tiếp cận thị trường; thúc đẩy hợp tác công tư trong quản trị chuỗi công bằng và trách nhiệm.   

Người nuôi nghêu kể chuyện hét giá mà bất ngờ bán sạch trong một buổi - 2

Nhờ cải tiến kỹ thuật, tăng cơ hội hợp tác, quảng bá và mở rộng thị trường, giá trị kinh tế từ cây tre đã tăng cao theo hướng bền vững (Ảnh: BTC).

Sau 5 năm triển khai, dự án đã giúp hơn 34.000 người có thu nhập bền vững hơn từ sản xuất nghêu và tre; 125 nhóm sản xuất được tổ chức tốt hơn; 63 doanh nghiệp cải thiện sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng và có chính sách kinh doanh bao trùm; hơn 4.300 việc làm mới được tạo ra; góp phần tăng xuất khẩu nghêu của Việt Nam sang Châu Âu từ 38 đến 40%, xuất khẩu tre tăng 42%; đóng góp xây dựng chính sách quốc gia và định hướng phát triển vùng nghêu/tre cấp tỉnh. 

Người nuôi nghêu kể chuyện hét giá mà bất ngờ bán sạch trong một buổi - 3

Sản phẩm nghêu của các đơn vị tham gia dự án được cấp chứng chỉ quốc tế, tăng cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn (Ảnh: BTC).

Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam nhấn mạnh "Phát triển chuỗi giá trị toàn diện và nâng cao năng lực quản lý chuỗi không chỉ hướng tới tăng thu nhập của từng mắt xích trong chuỗi, mà quan trọng hơn là chuỗi giá trị được tổ chức công bằng, lợi ích và rủi ro được chia sẻ giữa các bên. Từ đó, người sản xuất nhỏ vốn chịu nhiều thiệt thòi trước đây sẽ được hưởng lợi ích công bằng từ tăng trưởng. Đó là động lực để họ phát huy vai trò chủ thể của những thực hành sản xuất bền vững, bảo tồn nguồn lợi thiên nhiên và tạo ra lợi ích xã hội cho cộng đồng". 

Tăng giá trị kinh tế tre, nghêu

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân trực tiếp tham gia dự án.

Người nuôi nghêu kể chuyện hét giá mà bất ngờ bán sạch trong một buổi - 4

Các thành viên tham gia dự án chia sẻ kinh nghiệm của mình tại hội thảo (Ảnh: BTC).

Bà Lương Thị Nguyệt (trú tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, cây tre, luồng có nhiều ở địa phương nhưng giá trị kinh tế mang lại cho người dân không lớn.

"Sau khi tham gia dự án ở công đoạn sơ chế cây luồng, tôi được trang bị nhiều kiến thức, kỹ thuật, học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong trồng, thu hoạch, chế biến để nâng cao giá trị cây luồng. So với 5 năm trước thì thu nhập của tôi và bà con trong nhóm sản xuất tại bản đã tăng cao hơn rất nhiều", bà Nguyệt cho hay.

Ông Nguyễn Văn Quyết - Giám đốc HTX nghêu Thịnh Lợi (Bến Tre) chia sẻ câu chuyện khác trong chế biến, tiêu thụ nghêu. Sau 5 năm tham gia dự án, tham dự nhiều lớp tập huấn trực tiếp, ông Quyết cho rằng thành quả lớn nhất là nắm vững cách thức điều hành bộ máy sản xuất và đã cung cấp cho thị trường sản phẩm nghêu sạch cát tự nhiên.

Người nuôi nghêu kể chuyện hét giá mà bất ngờ bán sạch trong một buổi - 5

Đầu năm 2023, Trà Vinh là vùng nuôi nghêu thứ ba trên thế giới đạt Chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council) dành cho nghêu (Ảnh: BTC).

Trước đây, người nuôi nghêu như ông Quyết chỉ bán nghêu nguyên liệu cho thương lái, phải đối mặt với tình trạng ép giá, thời gian thu hoạch kéo dài, chi phí tăng lên dẫn tới lợi nhuận giảm. Hiện nay, HTX đã ký kết bao tiêu sản phẩm với nhà máy, đồng nghĩa phải thay đổi quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, HTX cũng cung ứng ra thị trường, phục vụ khách lẻ sản phẩm nghêu đóng túi hút chân không.

Thông qua hỗ trợ của dự án, sản phẩm nghêu của HTX Thịnh Lợi đã tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài nước, tăng khả năng tiếp cận, khai thác thị trường tiêu thụ và khách hàng mới.

"Giá nghêu bán tại chỗ có giá 20.000 đồng/kg, ra hội chợ, chúng tôi dự định chào bán với giá 30.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc, thống nhất, trên cơ sở đánh giá chất lượng, tôi "quất" giá 50.000 đồng/kg. Nói thật là "hét" giá như vậy cũng sợ bị "úynh" (đánh-PV), khách mà không mua thì... hạ xuống. Không ngờ sản phẩm dự kiến bán trong 3 ngày nhưng chỉ trong một buổi sáng đã bán hết. Buổi chiều, khách mua lúc sáng quay lại khen nghêu ngon, hỏi mua tiếp nhưng không còn hàng để bán", ông Quyết chia sẻ.

Dự án do tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp triển khai cùng Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (thuộc Hội Thủy sản Việt Nam), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).