Người giàu nhất châu Á tham vọng xây đế chế sánh ngang Google, Amazon
Mukesh Ambani, tỷ phú giàu nhất châu Á, muốn xây dựng tập đoàn của mình trở thành một “người khổng lồ” công nghệ toàn cầu.
Nếu Ambani thành công, thì nhà cung cấp dịch vụ di động và công nghệ do ông sáng lập, JioPlatforms có thể sớm sánh ngang với Google, Amazon, Alibaba và Tencent.
Jio Platforms đã có một hệ sinh thái các ứng dụng - bao gồm tất tật mọi thứ từ mua sắm tạp hóa trực tuyến đến phát trực tiếp video - phục vụ cho 388 triệu người đăng ký thông qua mạng di động Reliance Jio ở Ấn Độ.
Nhưng lúc này, tỷ phú giàu nhất châu Á đang nuôi tham vọng lớn hơn. Chỉ trong vài tuần, ông đã tích luỹ được một lượng tiền dự trữ tới 9 tỷ USD từ Facebook và một loạt các nhà đầu tư hạng A tại Mỹ nhằm thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của công cuộc thống trị Internet tại Ấn Độ, thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Ambani "chắc chắn muốn Jio Platforms không chỉ là một công ty viễn thông. Họ muốn trở thành Google hoặc Tencent của Ấn Độ", Wylie Fernyhough, nhà phân tích của PitchBook nói.
"Mục tiêu cuối cùng của Jio Platform là trở thành mọi thứ cho mọi người dân Ấn Độ và xây dựng một nền tảng không thể thiếu cho hàng trăm triệu người dùng internet tại nước này”, nhà phân tích Tarun Pathak của Counterpoint Research, nhận xét.
Xây dựng một kiểu "người khổng lồ" công nghệ mới
Nhưng để đưa kế hoạch của mình lên một tầm cao mới, Ambani cần hợp tác với Thung lũng Silicon, thể hiện qua mối quan hệ đối tác trị giá 5,7 tỷ USD của ông với Facebook và dịch vụ nhắn tin toàn cầu WhatsApp. Khi thỏa thuận được công bố vào tháng 4/2020, quy mô tham vọng của tỷ phú Ấn Độ đã rõ ràng.
Thỏa thuận trị giá 5,7 tỷ USD, vẫn đang chờ phê duyệt theo quy định, báo hiệu rằng Ambani và Facebook đang cố gắng tạo ra một loại nền tảng mà bạn có thể làm mọi thứ từ ngân hàng di động, nhắn tin, đến phương tiện truyền thông xã hội, mọi thứ về cơ bản chỉ được xây dựng trong một nền tảng. Nói cách khác, nó giống như một phiên bản dịch vụ WeChat cực kỳ phổ biến của Tencent tại Trung Quốc.
Nhưng không như Tencent, JioPlatform còn sở hữu một mạng lưới di động khổng lồ mà họ có thể dựa vào đó để xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng.
Facebook đã bác bỏ ý tưởng rằng họ đang giúp Ambani xây dựng một "siêu ứng dụng", khẳng định hai công ty sẽ tiếp tục hoạt động riêng rẽ ở Ấn Độ với các dịch vụ riêng. Thay vào đó, Facebook và JioPlatform đang cung cấp "các khối cho phép các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh trên mạng, sau đó cho phép nhiều công ty khác thực hiện điều đó", Ajit Mohan, Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành của Facebook Ấn Độ, nói với CNN Business.
Nhưng ngay cả mức độ hợp tác đó cũng mang lại cho Ambani rất nhiều ảnh hưởng ở Ấn Độ, cho phép ông tìm kiếm khách hàng mới bằng cách cung cấp các dịch vụ trực tuyến và những công cụ kỹ thuật số mà người Ấn Độ đang tìm kiếm.
Thống trị thông qua hệ thống bán hàng tạp hoá
Mua sắm hàng tạp hoá trực tuyến là mục tiêu đầu tiên của quan hệ đối tác giữa đế chế Ambani và Thung lũng Silicon. Cửa hàng tạp hóa chiếm tới 70% thị trường bán lẻ Ấn Độ, và hơn 90% thị trường này là không có tổ chức, chủ yếu vận hành dựa trên các cửa hàng nhỏ, được gọi là kirana.
Thị trường bán lẻ Ấn Độ dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô, từ 676 tỷ USD năm 2018 lên gần 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2025, theo công ty nghiên cứu thị trường Bernstein.
Trong khi đó, công ty nghiên cứu Forrester cho biết, thị trường tạp hóa trực tuyến của Ấn Độ hiện còn rất nhỏ, trị giá khoảng 3 tỷ USD trong năm nay. Nhưng con số này đang tăng nhanh, vì đại dịch COVID-19 đã nhanh chóng thay đổi thói quen mua sắm của người dân.
Khi Jio Mart của tỷ phú Ambani ra mắt vào cuối năm ngoái, họ đặt mục tiêu thuyết phục 30 triệu cửa hàng tạp hoá nhỏ kinh doanh trên nền tảng này.
Đại dịch COVID-19 và lệnh phong toả ở Ấn Độ đã thúc đẩy nhu cầu mở các kirana trực tuyến. Và WhatsApp sẽ là công cụ biến điều đó thành hiện thực, vì hơn 400 triệu người Ấn Độ đã sử dụng ứng dụng này làm công cụ nhắn tin chính của họ.
Một cuộc bắt tay JioMart và WhatsApp được dự báo sẽ làm khó cho Amazon và và Flipkart thuộc sở hữu của Walmart. Vì lệnh phong toả đã cho thấy Amazon và FlipKart không được trang bị để cung cấp hàng tạp hóa ở Ấn Độ theo định dạng hiện tại của họ. Flipkart đã ngừng hoạt động trong khi Amazon giới hạn đơn đặt hàng với 1,3 tỷ người Ấn Độ đang bị phong toả. Việc phải chờ giao hàng từ Amazon tới 10 ngày khiến nhiều người dân đang quay lại với các cửa hàng tạp hoá truyền thống, và nhiều trong số đó kinh doanh trên WhatsApp.
Nếu JioMart của tỷ phú Ambani có thể thu hút hàng triệu kirana vào nền tảng của mình, đó sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi.
Theo Thu Hằng
Baotintuc.vn