Gia Lai
Người dân phố núi "nơm nớp" lo cho vườn hoa thì thời tiết lạnh
(Dân trí) - Cái lạnh đang kéo dài, bà con trồng hoa cúc đều thấp thỏm sợ hoa sâu bệnh. Ngoài ra, do dịch bệnh trong năm, nông sản mất mùa cũng khiến bà con không dám bung ra để đầu tư trồng nhiều.
Ngay từ tháng 11/2020, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đón cái rét lạnh khiến nhiều nhà vườn trồng hoa phục vụ cho tết lo lắng vì sâu bệnh và hoa nở chậm. Bên cạnh đó, người dân lo lắng về thị trường tiêu thụ sẽ giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên đã thận trọng hơn so với những năm trước. Nhiều hộ đã giảm 1/3 quy mô so với năm trước để tránh thua lỗ.
Đang lo bệnh rầy và nấm đang lan rộng trên vườn hoa cúc, chị Trần Thị Nhuần (Tổ 3, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku, Gia Lai) tâm sự: "Do năm nay, thời tiết lạnh kéo dài kèm theo gió mạnh đã khiến cho bệnh phát triển mạnh. Hàng tuần, chúng tôi đều phun thuốc liên tục để cho hoa phát triển, ra bông đúng dịp tết. Trước đó, những cơn bão trong tháng 10 cũng gây đổ ngã hàng chục chậu hoa trong vườn.".
"Năm nay, gia đình đã trồng khoảng 600 chậu hoa cúc, giảm 1/2 diện tích so với năm trước vì lo lắng sức mua sẽ giảm mạnh do dịch Covid - 19 vừa qua. Dự tính, giá bán năm nay cũng tương tự như năm ngoái là từ 200.000 đồng - 500.000 đồng mỗi chậu. Còn khoảng 2 tuần nữa thì hoa sẽ xuất ra thị trường", chị Nhuần cho biết.
Chị Trần Thị Định (40 tuổi, tổ 4, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku, Gia Lai) là người trồng hoa có tiếng ở vùng hoa ở phường Thắng Lợi. Những năm qua, chị Định luôn là địa chỉ cho nhiều điểm bán hoa tết đến lấy về bán lẻ. Mỗi năm, gia đình chồng chị thu được hàng trăm triệu từ nghề trồng hoa. Tuy nhiên năm nay chị Định cũng phải giảm số lượng vì nguy cơ sức mua giảm.
Chị Định cho biết: "Những năm trước, gia đình trồng gần 2.000 chậu nhưng giờ giảm còn 1.000 chậu. Để hoa nở đúng dịp tết, gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng để bóng đèn chiếu sáng, phân bón, thuốc... Đồng thời, tăng cường thêm thuốc để phun nhằm phòng chống sâu bệnh".
"Giá cả năm nay cũng tương tự như năm ngoái. Tuy nhiên, gia đình cũng không phải lo đầu tư bởi cứ đầu mùa hoa thì đều có thương lái đến đặt trước và đưa tiền đặt cọc luôn. Dự tính, gia đình năm nay nếu bán hết báo thì cũng thu lãi khoảng hơn 150 triệu đồng.", chị Định cho biết thêm.
Những người dân trồng hoa lay ơn cũng đang rơi vào cảnh "nơm nớp" lo sợ hoa bán ế nên đã chuyển sang trồng rau. Số ít người dân xã An Phú (TP.Pleiku, Gia Lai) vẫn duy trì việc trồng hoa nhưng họ giảm diện tích và xen canh thêm nhiều loại hoa khác.
Anh Lê Thành Trung (41 tuổi, Thôn 2, xã An Phú, TP.Pleiku) bộc bạch: "Năm nay, gia đồng trồng khoảng 100.000 cây lay ơn ngoại để phục vụ cho tết nguyên đán sắp tới. Nhằm duy trì thu nhập, gia đình phải trồng lay ơn nội và các loại hoa như: Huệ, Vàng Anh, Phát tài…để bán vào dịp rằm, lễ.". Vì thấy đời sống kinh tế người dân khó khăn nên sợ sức mua giảm, gia đình cũng quyết định giảm diện tích so với năm ngoái. Giá bán năm nay gia đình cũng giữ nguyên như mọi năm".
Theo anh Trung, hoa lay ơn có nguồn gốc từ các nước châu Phi và vùng Địa Trung Hải có đặc điểm như: kiểu dáng đẹp, màu sắc đa dạng, lâu tàn, cành gọn nhẹ dễ vận chuyển và được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau hơn hai tháng gieo trồng, hiện nay vườn lay ơn ngoại của anh Trung đã cao gần nửa mét, thân mập mạp, lá xanh tốt. Nếu theo sự phát triển thì khoảng ngoài 20 âm lịch thì vườn lay ơn sẽ đồng loạt nở. Lúc này, gia đình sẽ liên hệ với thương lái chỗ để xem hoa và chốt giá. Như năm 2020, mỗi cây có giá từ 2.500 - 3.000 đồng. Trừ tất cả chi phí, gia đình anh Trung đã lãi khoảng 80 triệu đồng. Sau đợt hoa tết, gia đình anh sẽ tiếp tục trồng rau, quả để phục vụ cho thị trường.