Ngoài kỹ năng công nghệ, nhân viên IT cần gì?

Giỏi công nghệ chưa đủ nếu bạn muốn giữ chắc chiếc ghế của mình trong lĩnh vực IT. Bạn còn cần phải có năng lực phân tích thực tiễn kinh doanh, các vấn đề khách hàng và xu hướng phát triển của công nghệ để thu hút “sếp” hơn nữa.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Gartner, thái độ hoài nghi về hiệu quả của IT, xu hướng phát triển của tự động hóa và gia công thô (outsource) sẽ dẫn tới sự ra đời của một thế hệ chuyên gia IT mới - những người biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức công nghệ, am hiểu tình hình văn hóa xã hội địa phương, hiểu biết về quy trình kinh doanh với khả năng lãnh đạo.

 

3 yếu tố được nêu ra trong vế đầu tiên của kết luận trên đều là thực tế đang diễn ra tại các nước đang phát triển: Nhà lãnh đạo hoài nghi về việc đồng lương quá cao trả cho các nhân viên IT bản địa có “đáng đồng tiền bát gạo” hay không, khi mà các công đoạn được “outsourc” ra thế giới thứ ba cũng có chất lượng không kém. Thực tế này, một cách tất yếu, sẽ dẫn đến sự đào thải khắc nghiệt: các hãng công nghệ liên tiếp cắt giảm nhân công trong nước.

 

“Chính vì thế, nếu bạn không chứng tỏ được sự xuất sắc của mình trước mặt lãnh đạo, bạn có thể phải khăn gói ra đi bất cứ lúc nào”, Gartner kết luận.

 

Đến đây, vấn đề đặt ra là: Thế nào thì được coi là xuất sắc, trong con mắt của các nhà quản lý? Câu trả lời chung mà họ đưa ra cho Gartner là: Kỹ năng IT hoàn toàn chưa đủ, bởi trình độ của các chuyên gia ở Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Âu, 3 trung tâm gia công thô hàng đầu thế giới hiện nay, cũng đã gần “bắt kịp”.

 

Cái họ chờ đợi hơn ở các nhân viên IT là năng lực phân tích thực tiễn kinh doanh, các vấn đề khách hàng, các quy chế quản lý và xu hướng phát triển của ngành công nghiệp công nghệ - những phần việc mà gia công thô không thể làm thay được.

 

Gartner dự đoán rằng đến năm 2010, bộ phận IT trong các công ty cỡ lớn và tầm trung sẽ bị thu hẹp khoảng 30% so với hiện nay. Để khẳng định giá trị của mình trước các nhà quản lý tiềm năng, một nhân viên IT cần phải tập trung phát triển 4 lĩnh vực chuyên môn sau: kiến thức kinh doanh, sành sỏi về công nghệ, am hiểu về thực tiễn và khả năng lãnh đạo.

 

Theo Thiên Ý

Vietnamnet/ZDNET