Nghề làm báo, ta có nên yêu nó không?

Không có vinh quanh và hạnh phúc nào bằng khi chúng ta làm được một việc tốt, có ý nghĩa thông qua các bài báo của mình.

1. Tôi nhớ lần đầu tiên tham dự một khoá đào tạo báo chí quốc tế. Giảng viên nước ngoài cho các nhà báo VN thảo luận nhóm, liệt kê ra những khó khăn mà người làm báo Việt Nam đang đối diện. Rất nhiều khó khăn được các nhóm kê ra, trong đó có một điểm chung là lương thấp, khó sống. Sau khi giải đáp danh mục thách thức và trở ngại với nghề này, đến cái "lương thấp, khó sống", giảng viên nước ngoài đã nói rằng: "Tôi rất ngạc nhiên và không hiểu tại sao các bạn lại thống nhất đưa vấn đề này ra.
Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Ở đất nước chúng tôi, hay bất kỳ quốc gia phát triển nào khác, nghề báo không phải là nghề cho thu nhập cao, thậm chí thu nhập bình quân của nghề này chỉ ở mức trung bình của xã hội.

Những người muốn giàu có, sang trọng thì không bao giờ chọn nghề báo. Chọn nghề làm báo là để phụng sự xã hội. Có những người ưu tú trong xã hội chúng tôi vẫn chọn nghề này vì lý tưởng ấy, và họ chấp nhận đánh đổi và hài lòng với một cuộc sống không sung túc!".

Lúc ấy tôi đã vào nghề được vài ba năm, và cho đến bây giờ, khi có gần 20 năm trong nghề này, tôi vẫn coi đấy là sự khai mở quan trọng nhất. Nếu không có lý tưởng hay hoài bão gì mà chỉ đơn giản chọn nghề này như một phương tiện mưu sinh, thì có lẽ ai đó đã nhầm.

2. Nếu ai đó hỏi nghề báo có vinh quang không?

Xin trả lời là có. Nghề báo có quan trọng không? Cũng xin trả lời là có. Nghề báo có được xã hội trân trọng không? Cũng xin trả lời là có, với điều kiện: Chúng ta làm báo như thế nào? Nếu không góp phần mang lại một chút tiến bộ nào đấy, dù là nhỏ bé, thì việc chúng ta làm, suy cho cùng cũng chả mang lại một chút ý nghĩa nào.

Tôi hơi lo vì có quá nhiều bạn ảo tưởng về quyền lực của mình và lạm dụng nó. Sự tôn trọng với nghề này sẽ mai một dần thậm chí không còn nếu các nhà báo không ý thức được suy cho cùng chúng ta cũng làm một nghề bình thường như bao nghề nghiệp khác mà xã hội phân công. Mỗi nghề nghiệp, đều tạo ra những giá trị bình đẳng với nhau.

Tôi nhớ một lần tham dự một hội nghị rất lớn có các doanh nhân và các nhà quản lý tầm cỡ. Đang nói chuyện với một chủ tịch tập đoàn quen biết thì có một doanh nhân nữa đến góp chuyện( người này không biết tôi là nhà báo) thì có một chị đến chào hỏi rất thân mật.

Khi chị quay đi thì bạn tôi mới hỏi doanh nhân kia: "Ai đấy, tôi không biết?". Vị này thản nhiên trả lời: "Nhà báo ấy mà!". Đến bây giờ, câu nói với ngữ điệu có phần miệt thị ấy vẫn ám ảnh tôi.
Phóng viên tác nghiệp - ảnh Vũ Quang Thái Báo QĐND.
Phóng viên tác nghiệp - ảnh Vũ Quang Thái Báo QĐND.

3. Cho đến bây giờ tôi tự ngộ ra rằng không có vinh quanh và hạnh phúc nào bằng khi chúng ta làm được một việc tốt, có ý nghĩa thông qua các bài báo của mình. Nó quan trọng hơn nhiều các giải thưởng báo chí mà ta gặt hái được.

Mang đến niềm tin cho một cuộc đời bất hạnh, tìm được công lý cho một người oan khuất, tạo ra một sự thay đổi có ích trong một lĩnh vực nào đó hay đơn thuần chỉ là gợi nên một cảm xúc thẩm mỹ và nhân văn, giúp con người bớt u ám và thêm một chút lạc quan về cuộc sống...đó là sứ mệnh cao cả nhất của các bài báo.

Tôi nhớ một nhà báo lão thành của làng báo Việt Nam, người không nhớ mình đã nhận bao nhiêu giải thưởng báo chí danh giá từng tâm sự: Phần lớn các bài báo đoạt giải của ông minh hoạ cho nhiều chủ trương, chính sách, nói về nhiều sự việc, bây giờ mang ra đọc lại, hoá ra không còn đúng nữa, thậm chí ông còn cảm thấy tự xấu hổ với mình...

Nếu chúng ta chẳng tiệm cận đến chân lý hoặc không viết được những điều hay lẽ phải thì những điều từng khiến ta tự hào, suy cho cùng, cũng không tạo ra giá trị đích thực nào...
Các nhà báo tác nghiệp trên vùng biển Trường Sa
Các nhà báo tác nghiệp trên vùng biển Trường Sa

4. Có một điều, được coi là một thước đo giá trị của nghề báo đó là chúng ta có bao nhiêu công chúng, bài báo của ta có bao nhiêu người đọc? Đó thực sự là một thang giá trị mà những tờ báo hàng đầu vật lộn trăn trở hàng ngày hàng giờ. Không có công chúng hoặc công chúng quá ít là nỗi bất hạnh của những tờ báo và cả những người cầm bút có lòng tự trọng.

Đừng biện minh rằng mình chỉ nói những điều đúng đắn, lớn lao nên kén người đọc. Ăn vào vàng son quá khứ mà không quan tâm đến công chúng hiện tại, không biết họ cần gì và muốn gì, thì đấy là những con đà điểu rúc đầu vào cát, chẳng biết thời thế đang biến chuyển nhanh chóng ra sao.

5. Có những lúc yêu quí và tự hào vô cùng, có những lúc cô đơn, chán nản đến tận cùng, tôi vẫn thấy nghề báo là một lựa chọn xứng đáng để dấn thân. Một nghề mà ta vừa cần đam mê, trân trọng, vừa phải tự răn mình rằng nó cũng là một nghề bình thường, không được phép cao quí hơn bất kỳ nghề nghiệp nào khác đồng thời phải thực hiện nó với tất cả sự nghiêm túc và cẩn trọng nhất.
Theo Phạm Kinh Bắc/VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm