1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghề chép tranh

(Dân trí) - Làm sao để tận mắt chiêm ngưỡng nụ cười huyền bí của nàng Mona Lisa khi bạn không thể lặn lội đến tận bảo tàng Louvre (Pháp)? Hãy tìm đến các nghệ nhân chép tranh, họ sẽ giúp bạn mang cả tác phẩm bất hủ này của Leonardo de Vinci về nhà.

Cách đây khoảng 10 năm, ngành kinh doanh các tác phẩm hội họa như được hồi sinh và bùng nổ. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng các gallery mọc lên như nấm sau mưa. Trong giai đoạn đó, nhiều người bảo rằng: “Không nghề gì giàu nhanh bằng nghề vẽ tranh bán cho Tây”.

 

Đến thời điểm hiện nay, lực lượng tìm đến mua tranh chép ở các gallery không chỉ là các khách hàng ngoại quốc nữa. Do mức sống ngày càng được cải thiện và nâng cao, ngày càng nhiều khách “nội” cũng đến các gallery để mua tranh với nhu cầu trang trí nội thất.

 

Với số tiền khiêm tốn, thậm chí ít tới mức ngạc nhiên, bạn có thể mua được một bức họa không chỉ của các danh họa Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Đỗ Khắc Chung… mà còn cả của các danh họa lừng danh thế giới như Van Gohn, Picasso, Levitan… Tất nhiên, tất cả chỉ là phiên bản.

 

Họa sỹ, người là ai?

 

Hầu hết sinh viên các ngành mỹ thuật tìm đến công việc chép tranh như một cách tập luyện, rèn giũa cho ngòi bút của mình. Được tiếp cận với tác phẩm kinh điển của các danh họa hàng đầu thế giới, họ ít nhiều rút ra cho mình những bài học về cách phối màu,  kỹ thuật, kỹ xảo trong việc sử dụng họa cụ, nâng cao cảm nhận nghệ thuật. Họ coi đó là những bài tập thực hành trước khi cầm cọ và sáng tác cho riêng mình như một nghệ sỹ thực sự.

 

Đồng thời, công việc này cũng đem đến cho họ một khoản thu nhập tuy không cao, nhưng cũng kha khá để đảm bảo cho cuộc sống đời sinh viên. Hầu hết các xưởng chép tranh đều hỗ trợ màu, bố trí sơn dầu và dụng cụ vẽ. Nghệ nhân chép tranh chỉ việc thu xếp thời gian và đến chép theo mẫu có sẵn do chủ gallery cung cấp - thường là qua bưu ảnh hoặc ảnh chụp tranh trong các sách mỹ thuật. Thù lao cho mỗi bức vẽ từ 50.000 đến 4-5 trăm nghìn đồng, tùy theo khổ tranh và mức độ khó, tay nghề của người chép tranh.

 

Không chỉ có các sinh viên, những người đã “mang danh” họa sỹ mới bước vào nghề cũng chọn việc chép tranh để làm bước đệm “lấy ngắn nuôi dài”, lấy… bánh mì nuôi lòng đam mê sáng tạo.

 

Nhiều họa sỹ có tài đã đi lên từ nghề này, nhưng cũng có nhiều người, do áp lực cuộc sống đã găn bó suốt đời với nghề chép tranh. Chép tranh, tích cóp tiền, mở gallery rồi lại chép tranh,…

 

Những dị bản tiêu cực

 

Chép tranh là một nghệ thuật đáng trân trọng, bởi người làm công việc này đòi hỏi phải có trình độ và tài năng. Tuy nhiên, sự chi phối của thu nhập đã làm nảy sinh nhiều “dị bản” của nghề, dẫn đến một thực trạng khá bừa bãi.

 

Trước một thị trường ngày càng rộng mở, lực lượng nghệ nhân chép tranh lý ra cũng theo đó mà mức thu nhập nâng cao hơn. Nhưng hiện nay đang tồn tại một thực tế là tay nghề của lực lượng chép tranh này ngày càng kém, số lượng tranh tăng tỉ lệ nghịch với chất lượng.

 

Ngày càng ít sinh viên Mỹ thuật tìm đến nghề này, các thợ chép kỳ cựu cũng đã toan về già. Song đội ngũ chép tranh lại có vẻ “xôm tụ” hơn vì có sự góp mặt của nhiều giới, nhiều vùng… Các gallery tranh nhau làm ẩu, hạ giá thành để tranh giành khách đã dẫn đến hậu quả là thị trường tranh chép vốn có sức hút bỗng trở nên lộn xộn, vàng thau lẫn lộn.

 

Hầu hết các gallery ở khu phố chuyên bán cho khách “Tây ba lô” luôn quan niệm khách mua rồi đi ngay nên chất lượng khá tệ. Nhiều tranh chép ở đây làm ẩu đến mức có khi chưa kịp bán thì màu đã nhạt hoặc loang lổ.

 

Một phòng tranh ở phố Hàng Khay chỉ rộng chừng 12-20m2 cho cả thợ vẽ chen chúc cùng đống tranh trưng bày. Khuất trong góc tường là hàng chục bức tranh xếp hàng chờ bán. Ngoài bản sao của các tác giả nổi tiếng, bản sao tranh của các họa sỹ đương đại trong nước cũng được chép lại khá chu đáo và khéo léo, thậm chí chép cả… chữ ký của tác giả - khéo đến nỗi chính tác giả cũng phân vân không phân biệt nổi đâu là con mình.

 

Rồi chẳng mấy lúc, con mình trở thành con người, những bức tranh chép lại được bán với giá “thật”, chẳng hề “bình dân” chút nào.

 

Đây thực sự là việc vi phạm bản quyền rất đáng lên án, làm cho nghề chép tranh xấu đi trong cái nhìn của xã hội. Một họa sỹ có thể sẽ phải thai nghén vài năm cho một tác phẩm trong khi thợ chép chỉ cần chưa đến một tuần đã có thể “sao y bản chính” bằng công nghệ copy hoàn chỉnh nhất.

 

Tệ hơn, một số tác giả trẻ khi nhận thấy tranh của mình bán được trên thị trường bèn nảy ra ý tưởng… “nhân bản” bức tranh đó ra vô số, gửi bán ở nhiều gallery khác nhau để kiếm lời, và “nhân thể” kiếm danh. Điều này tạo nên sự nghi ngại của khách hàng mỗi khi bước chân vào gallery.

 

Xây dựng thị trường tranh lành mạnh

 

Cũng như những nghề lương thiện khác, nghề chép tranh rất đáng được trân trọng. Họ làm ra sản phẩm cho xã hội từ chính sức lao động của mình, song sản phẩm đó có được xã hội chấp nhận hay không lại tùy thuộc vào lương tâm của người làm nghề.

 

Tuy nhiên, nên chăng trên mỗi phiên bản nên có ghi chú là sao chép (reproduction) của tác giả X,Y… nào đó để tôn trọng bản quyền của người sáng tác hơn là mạo danh của họ để bán được tranh.

 

Đã có những tranh cãi, những chuyện kiện tụng không hay xung quanh vấn đề này. Các cơ quan có chức năng cũng nên có một số quy định rõ ràng về việc này để tranh chép không quá lộn xộn như hiện nay, và tìm được đúng chỗ đứng của nó.

 

Phương Minh